Cần hệ sinh thái hạ tầng trạm sạc xe ô tô điện

(Banker.vn) Xe ô tô điện phát triển kèm theo là hạ tầng trạm sạc. Thị trường này được nhận định lên tới hàng tỷ USD nhưng vẫn đang thiếu chính sách cho thị trường này.
Tối ưu về chi phí - yếu tố tiên quyết khiến người dùng chuyển từ xe ô tô xăng sang xe ô tô điện Chuyển đổi ôtô chạy xăng sang xe ô tô điện: Bộ Giao thông Vận tải đề xuất gì?

Ông Nguyễn Ngọc Cường – Tổng giám đốc Công ty CP EverEV đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển xe ô tô điện tại Việt Nam cũng như hạ tầng đi kèm?

Ngành ô tô điện là xu thế không thể đảo ngược do vấn đề biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, nhận thức của nhân loại đối với việc bắt buộc phải chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon.

Thị trường trạm sạc xe ô tô điện tại Việt Nam được nhận định lên tới hàng tỷ USD
Thị trường trạm sạc xe ô tô điện tại Việt Nam được nhận định lên tới hàng tỷ USD (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Việc này lan từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021 sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Đây là quyết tâm lớn và không dễ thực hiện với một đất nước đang phát triển. Muốn vậy, phải có những cam kết mạnh mẽ đối với ngành năng lượng xanh nói chung và ngành ô tô điện nói riêng.

Có thể nói, việc phát triển ô tô điện là xu thế không thể đảo ngược của thế giới và Việt Nam cũng nằm trong số đó.

Về khoảng thời gian bùng nổ thị trường xe ô tô điện, trên thế giới có một điểm quan trọng đó là 5%. Cụ thể, đó là khi lượng xe ô tô điện bán ra chiếm 5% tổng lượng ô tô bán ra trong một quốc gia.

Việt Nam đang bắt đầu phát triển lĩnh vực xe ô tô điện và chúng ta vẫn chưa đạt được con số 5%. Do đó, tương lai hoàn toàn ở phía trước.

Chúng ta nhìn thấy ban đầu đó là khách hàng tiên phong, tiếp theo là khách hàng chuyển đổi. Người tiêu dùng rất thông minh, họ tự nhận thấy những gì quan trọng với họ, họ sẽ làm.

Theo tính toán của một doanh nghiệp sản xuất, chiếc xe ô tô nếu trước đây đi mất khoảng 5 triệu đồng tiền xăng nếu chuyển sang đi xe ô tô điện sẽ mất khoảng 2 triệu đồng chi phí tiền điện. Rõ ràng, người tiêu dùng thấy lợi họ sẽ làm. Tuy nhiên cũng phải nói rằng hiện giá điện sản xuất của Việt Nam đang rẻ hơn so với mặt bằng khu vực.

Như vậy, cùng với vấn đề nhận thức, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển thì vấn đề chi phí hết sức quan trọng, bên cạnh đó là nhu cầu về trải nghiệm những chiếc xe có giá hợp lý và ngập tràn công nghệ.

Có lẽ, đi cùng với xe ô tô điện là các thiết bị và hạ tầng kèm theo. Với thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp chọn hướng kinh doanh nào, thưa ông?

Thế giới dần chuyển hướng đến những giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường, lĩnh vực ô tô đứng ở vị trí dẫn đầu của sự chuyển đổi này. Với sự gia tăng về số lượng xe ô tô điện trên thị trường, việc xây dựng trạm sạc ô tô điện là một cơ hội cho các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc Cường –Tổng giám đốc Công ty CP EverEV
Ông Nguyễn Ngọc Cường –Tổng giám đốc Công ty CP EverEV (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Việc đầu tư vào trạm sạc ô tô điện là một hướng đi đầy triển vọng trong thị trường xe điện ngày nay. Đối với những người đam mê về năng lượng sạch và bảo vệ môi trường, đây là một cơ hội để đóng góp và thu lợi từ sự phát triển của xe điện.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sạc ô tô điện, EverEV là nhà phân phối chính hãng của nhiều thương hiệu sạc ô tô hàng đầu trên thế giới.

Chúng tôi có các dòng sản phẩm gồm: Dành cho các chủ xe muốn sạc tại gia đình, tại cơ quan (Home Charger). Dòng sản phẩm này bao gồm 4 loại sạc điện xoay chiều AC, 7 KW cầm tay, 7 KW treo tường (1 pha), 11KW và 22 KW (3 pha). EverEV cung cấp các trạm sạc nhanh DC công suất từ 30 – 360kW, phù hợp với mọi nhu cầu đầu tư của khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích hợp phần mềm EverCharge vào các trạm sạc.

Giải pháp EverCharge là một nền tảng thanh toán tiện lợi và an toàn cho trạm sạc ô tô điện. Với phần mềm EverCharge, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và chọn trạm sạc, quản lý thanh toán và theo dõi lịch sử sạc. Còn các nhà đầu tư trạm sạc dễ dàng quản lý doanh thu, chi phí, thông tin về khách hàng cũng như giám sát hoạt động của trạm sạc theo thời gian thực.

Cần hệ sinh thái hạ tầng trạm sạc xe ô tô điện

Về mặt chiến lược, chúng tôi không tập trung cạnh tranh về sản phẩm sạc mà chọn ra phân khúc dịch vụ. Chúng tôi phấn đấu sẽ trở thành một trong những công ty hàng đầu về phân phối, lắp đặt và cung ứng các dịch vụ vận hành, bảo trì, sửa chữa sạc ô tô trên phạm vi cả nước.

Hiện mảng thị trường này đang là xu hướng, với các doanh nghiệp khởi nghiệp phân khúc thị trường này, khó khăn gặp phải sẽ là gì, thưa ông?

Khó khăn thứ nhất là dung lượng thị trường. Thị trường tiêu dùng bây giờ mới bắt đầu. Rõ ràng, dung lượng thị trường đang chưa đủ và chưa phải là điểm tốt nhất.

Khó khăn thứ hai đó là các cơ chế chính sách cho xe ô tô điện và hạ tầng trạm sạc xe ô tô điện của Việt Nam vẫn chưa được như các quốc gia đi trước như: Hoa Kỳ, Trung Quốc hoặc Singapore. Việc này cần có lộ trình và cần nỗ lực của người làm chính sách.

Chúng tôi kỳ vọng các chính sách này sẽ ngày càng rõ ràng hơn, tạo điều kiện khuyến khích hơn. Cụ thể, chúng tôi mong muốn nhà nước làm rõ hơn về thủ tục xây dựng trạm sạc ô tô điện trên khu đất mới gồm những gì? Việc có quy định rõ ràng, cụ thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân trong đầu tư.

Hạ tầng cần phải đi trước. Việc nhà nước và tư nhân cùng chung tay trong xây dựng hạ tầng trạm sạc xe điện cũng sẽ là giải pháp.

Cùng với sự vào cuộc của nhà nước, sự chung tay của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Bởi thực tế tiềm năng của ngành xe ô tô điện rất lớn. Sự đồng hành, liên kết của các doanh nghiệp để cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái chung cho ngành xe điện nói chung và hạ tầng trạm sạc xe điện nói riêng sẽ giúp Việt Nam sớm chạm điểm 5% - điểm bùng nổ của thị trường xe ô tô điện.

Trong lúc chờ đợi chính sách cũng như thị trường, giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra là gì để tồn tại?

Chúng tôi không chờ đợi mà chúng tôi hành động. Đương nhiên, chúng tôi sẽ hành động từng bước. Hiện mảng kinh doanh Home Charger của doanh nghiệp có nhiều tháng chiếm 30% thị phần dựa trên số lượng xe điện bán ra với lượng phủ thị trường hơn 50/63 tỉnh thành.

Do có sự tương thích về cổng sạc nên về cơ bản Home Charger sẽ sạc được cho hầu hết các loại ô tô điện đang có mặt tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đang là đơn vị phụ trách mảng bảo trì, sửa chữa các loại trụ sạc của StarCharge - một trong những nhà sản xuất trạm sạc lớn nhất thế giới.

Mặt khác, chúng tôi cũng đang thiết lập các trạm sạc cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang xe xanh, kể cả các hãng xe taxi, xe đưa đón cán bộ công nhân viên.

Mô hình quán cà phê kiêm luôn trạm sạc ô tô điện đã bắt đầu hình thành ở một số nước trên thế giới. Tại Việt Nam, mô hình này cũng rất tiềm năng. Bởi chúng ta chỉ tốn 3 – 5 phút để đổ xăng, nhưng thậm chí đối với những công nghệ sạc tiên tiến nhất, thời gian để sạc đầy pin cho xe ít nhất cũng cần tới 30 phút. Không ai muốn ngồi yên để chờ đợi trong thời gian đó, chính vì vậy, việc các quán cà phê có dịch vụ sạc xe điện trở thành lựa chọn hợp lý.

Có rất nhiều lĩnh vực để đầu tư và chúng tôi làm từng bước chắc chắn, đợi khi mọi thứ đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ setup lên thành doanh nghiệp lớn. Vì đây là thị trường được đánh giá lên tới hàng tỷ USD.

Về cơ chế chính sách, chúng tôi cũng đang thấy những động thái mạnh mẽ từ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương trong ưu tiên phát triển xe điện, ưu tiên thuế chức bạ. Đây là một trong những quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ, ban, ngành trong việc tạo điều kiện cho ngành xe ô tô điện, hạ tầng trạm sạc xe ô tô điện.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục