Cần hành lang pháp lý về chung cư mini chứ không phải bắt người dân thế này, thế kia

(Banker.vn) Tại Hà Nội, các chung cư mini hầu hết là những cá nhân, hộ gia đình, xây dựng tại vị trí nằm sâu trong các ngõ phố, giữa khu vực dân cư sinh sống đông đông đúc.
Từ vụ cháy chung cư mini Khương Hạ: Chuyên gia khuyến nghị giải pháp đủ mạnh và bất ngờ Luật sư hướng dẫn người dân nhận diện pháp lý về sở hữu chung cư mini

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho rằng, về chung cư mini thì nhà nước phải tạo ra hành lang pháp lý để người dân nhìn rõ chứ không thể bắt họ thế này, thế kia được.

Cần hành lang pháp lý về chung cư mini chứ không phải bắt người dân thế này, thế kia
Chung cư mini có nhiều “biến tướng”. Ảnh: Cao Nguyên

Chung cư mini bắt đầu nở rộ tại Hà Nội từ năm 2010, lúc đó nhu cầu nhà ở lớn, nhưng số lượng dự án chung cư còn ít.

Với lợi thế căn hộ nhỏ, nằm chủ yếu ở quận trung tâm, giá thành từ 500 - 600 triệu đồng/căn đã nhanh chóng thu hút người mua và trở thành một sản phẩm bán rất chạy trên thị trường bất động sản lúc đó.

Tại Hà Nội, các chung cư mini hầu hết là những cá nhân, hộ gia đình riêng lẻ, xây dựng tại vị trí nằm sâu trong các ngõ phố, giữa khu vực dân cư sinh sống đông đúc.

Chính vì vậy, xe cứu hỏa, xe cứu thương rất khó tiếp cận trực tiếp khi không may xảy ra bất kỳ sự cố nào. Khả năng thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân vô cùng cao.

Điển hình là vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội khiến 56 người tử vong.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, từ năm 2005, Luật Nhà ở đã quy định có 2 loại hình nhà ở là nhà riêng lẻ và chung cư. Chính vì vậy, tên gọi chung cư mini không có trong luật.

Luật Xây dựng quy định nhà dưới 7 tầng thì hộ gia đình cá nhân được cấp giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, quy định chặt chẽ các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn về căn hộ.

Đối với loại hình nhà riêng lẻ nhiều tầng, trong thời gian dài đã đáp ứng nhu cầu một số đối tượng như học sinh, sinh viên, công nhân. Họ là những người chưa đủ tài chính để mua, thuê trong dự án chung cư. Chính vì vậy, các căn hộ thuộc nhà riêng lẻ nhiều tầng là lựa chọn phù hợp.

Năm 2015, Chính phủ có báo cáo đánh giá về loại hình căn hộ này gửi Quốc hội và sau đó đưa vào Luật Nhà ở 2015. Chính phủ ban hành Nghị định 99, để hướng dẫn thi hành.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở đã được quy định chặt chẽ. Trong vụ cháy vừa qua, giấy phép cho xây 70% thì chủ nhà xây 100%. Vấn đề này lại liên quan đến thực thi pháp luật.

Ông Khởi cho hay, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở. Trong đó, bộ đề xuất, khi xây dựng căn hộ chung cư phải đáp ứng các tiêu chí, bao gồm phòng cháy chữa cháy; xây dựng phải có sở hữu chung, sở hữu riêng; bắt buộc phải có giấy phép xây dựng trong mọi tình huống…

Về vấn đề thực thi, ông Khởi cho biết, quy định đã có, nhưng thực tế có đáp ứng yêu cầu hay không lại là vấn đề khác. Thứ nhất, cơ quan liên quan thực hiện như cấp phép, quản lý hoạt động xây dựng, thanh kiểm tra… có thực hiện đúng hay không? Thứ hai, chủ đầu tư xây dựng công trình thực hiện như thế nào?

Cuối cùng là người dân, vị này nói rằng, không thể bắt họ phải thế này, thế kia mà nhà nước phải tạo ra hành lang pháp lý để người dân nhìn rõ. Đồng thời, nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy, các kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Chiến - nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV - cho rằng, các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy không được chủ đầu tư chung cư mini chú trọng khi xây dựng nhà ở và đưa vào kinh doanh.

“Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng để có sự kiểm tra chéo, từ đó giám sát trong quá trình thực thi. Như vậy, hiệu quả của pháp luật quy định mới thực thi nghiêm và hạn chế tối đa những hậu quả xảy ra” - ông Chiến nói.

Theo Lao Động

Theo: Báo Công Thương