Cần đồng bộ và thống nhất các quy định xử lý nợ xấu

(Banker.vn) Luật xử lý nợ xấu phải nhất thể hóa được tất cả các văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu hiện nay để tạo ra một chính sách đồng bộ và thống nhất về các quy định giải quyết tình trạng chồng chéo trong các văn bản pháp luật. Nếu làm được điều này, việc triển khai mới thực sự hiệu quả.

Phát biểu tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” do Ủy ban Chính sách (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Vietcombank tổ chức sáng ngày 24/11, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, kết quả đạt được trong xử lý nợ xấu thời gian qua là rất tích cực, tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD, vì nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành Ngân hàng.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại. Cuộc chiến chống COVID-19 xác định sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp bị, thậm chí phá sản, đóng cửa nhất là sau tháng 6/2022 đứt gãy dòng tiền. Vì vậy, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu là cực kỳ quan trọng.

Còn nhiều vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Đánh giá sau 5 năm ra đời, NQ 42 đã góp phần giúp các TCTD thuận lợi hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu, tuy nhiên chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế BIDV kiêm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong thực tế triển khai xử lý nợ xấu theo NQ 42, các TCTD gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết các khó khăn vướng mắc hiện nay, bà Nguyễn Thị Phương đề xuất 6 vấn đề trọng tâm để hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu tại các TCTD, đó là: Xác định thật rõ ràng, toàn diện và đầy đủ, triệt để về quyền của TCTD trong việc xử lý TSBĐ (về lý luận pháp lý); Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; Về thủ tục tố tụng rút gọn; Hoàn thiện pháp luật về chứng cứ, hiệu lực công tín (đương nhiên không cần chứng minh của các Hợp đồng công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm) và vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình; Về áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, xử lý vật chứng trong tố tụng đối với các tài sản là tài sản bảo đảm hợp pháp; Về xác định thứ tự ưu tiên thanh toán (đặc biệt là đối với các chủ thể có yếu tố nhà nước như hải quan, thuế, thi hành án).

Ví như về Thủ tục tố tụng rút gọn, bà Nguyễn Thị Phương cho biết, tại BIDV ghi nhận chưa có vụ việc nào được Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn. Do vậy, để nâng cao tính hiệu quả, bà Nguyễn Thị Phương đề nghị, cần giải quyết đồng thời các vấn đề: (i) Thừa nhận giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ đương nhiên, áp dụng triệt để vấn đề hiệu lực công tín, bảo vệ người thứ ba ngay tình, không đặt ra vấn đề xem xét hiệu lực/vô hiệu của các hợp đồng đã công chứng, đăng ký; (ii) Rút ngắn tối đa các bước, quy trình tố tụng; (iii) Xét xử 1 cấp; (iv) Không áp dụng thủ tục đặc biệt.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế BIDV kiêm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng phát biểu - Ảnh: Tạ Dũng

Cũng đề cập đến các khó khăn liên quan đến thủ tục rút gọn, ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Pháp chế Vietcombank cho biết, Theo quy định tại Khoản 3 Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Khoản 4 Điều 323 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Toà án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Như vậy, khi bên có nghĩa vụ trả nợ chống đối, không hợp tác, rất dễ phát sinh trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới làm cho vụ án không đảm bảo được điều kiện xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, dẫn đến việc không thể áp dụng được thủ tục tố tụng rút gọn mặc dù vẫn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 NQ 42.

Bên cạnh đó, phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn cũng chưa tạo được cơ sở pháp lý cho Toà án áp dụng thủ tục rút gọn rộng rãi khi TCTD khởi kiện, yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Giám đốc xử lý nợ của Ngân hàng SCB cũng cho biết, kể từ khi NQ 42 có hiệu lực đến nay, SCB mới xử lý được một vụ duy nhất theo thủ tục rút gọn tại tòa án. Trong quá trình xử lý nợ xấu tại SCB cho thấy, dù khách hàng đã có sự thỏa thuận với ngân hàng trong việc bàn giao tài sản bảo đảm nhưng trong quá trình bàn giao, thu giữ lại không có cơ chế. “Do đó, trong quá trình thực hiện luật hóa NQ 42 cần phải có cơ chế rõ ràng trong vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm để thúc đẩy quá trình xử lý nợ”, bà Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc Trung tâm Quản trị nợ Techcombank cho biết, NQ 42 được ban hành đã tháo gỡ rất nhiều trong việc xử lý nợ xấu cho các TCTD nhưng cũng đang bộc lộ một số điểm bất cập và chưa được cụ thể hóa dẫn đến trong quá trình triển khai nhiều cơ quan nhà nước lại áp dụng theo Luật hoặc văn bản chuyên ngành (các địa phương có giao phòng an ninh kinh tế hỗ trợ các TCTD trong thu giữ tài sản bảo đảm nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều rào cản…); khi thu giữ tài sản bảo đảm, nhiều địa phương đưa ra các lý do khác nhau để không hỗ trợ…

Bên cạnh đó, NQ 42 cũng chưa đề cập đến một số lĩnh vực cụ thể như: chưa quy định phương thức xử lý đối với một số tài sản bảo đảm đặc thù (tàu bay, tàu biển, chứng khoán, bất động sản hình thành trong tương lai…). Do đó, đại diện Techcombank đề nghị trong quá trình xây dựng và ban hành Luật Xử lý nợ xấu hay luật hóa NQ 42 cần quan tâm đến các tài sản này để có các quy định rõ hơn.

“Theo xu hướng chung của thị trường, sắp tới các TCTD sẽ triển khai số hóa rất nhiều (sẽ có các giao dịch cho vay trên cơ sở giao dịch điện tử, chữ ký điện tử…). Vì vậy, khi luật hóa NQ 42 ban soạn thảo cũng nên quan tâm đến vấn đề này để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các TCTD khi xử lý nợ”, ông Nguyễn Huy Thành kiến nghị.

Trước những khó khăn các TCTD đang gặp phải trong hoạt động xử lý nợ xấu, nhất là trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực (tháng 8/2022) sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Để tháo gỡ khó khăn cho các TCTD, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị: “Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các Cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”.

Cần sớm ban hành Luật Xử lý nợ xấu

Chia sẻ tại hội thảo, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN, cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các TCTD, VAMC và ý kiến của các Bộ, ngành (Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông), NHNN đã có Báo cáo số 262/BC-NHNN ngày 13/8/2021 báo cáo Chính phủ về đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14.

Hơn nữa, do thời gian hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 không còn nhiều, NHNN đã khẩn trương xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các TCTD để xin ý kiến ý kiến các Bộ, ngành, xin ý kiến các TCTD, các đơn vị liên quan cũng như đăng tải hồ sơ xây dựng Luật trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi. “Đến nay, các Bộ, ngành, các TCTD và các cá nhân, tổ chức có liên quan đã có ý kiến góp ý đối với hồ sơ xây dựng Luật của NHNN”, bà Vũ Ngọc Lan chia sẻ.

Trên cơ sở Báo cáo số 262/BC-NHNN của NHNN, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 6204/VPCP-KTTH ngày 6/9/2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc giao NHNN phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp và các Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tài chính), NHNN đã có Tờ trình số 86/TTr-NHNN ngày 15/10/2021 báo cáo Chính phủ.

“Tại Tờ trình số 86/TTr-NHNN, NHNN đã đề xuất việc hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu theo 2 Phương án: Phương án 1, xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại NQ 42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định tại NQ 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng; phương án 2 là kéo dài hiệu lực của NQ 42”, bà Vũ Ngọc Lan cho biết.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Luật Ngân hàng - Tài chính, Đại học Luật Hà Nội phát biểu - Ảnh: Tạ Dũng

Đồng tình với các quan điểm Luật hóa NQ 42, bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Luật Ngân hàng - Tài chính, Đại học Luật Hà Nội cho biết, để Luật hóa được NQ 42 trở thành luật được ban hành thì cần phải hội tụ những điều kiện sau:

Thứ nhất, luật xử lý nợ xấu phải nhất thể hóa được tất cả các văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu hiện nay để tạo ra một chính sách đồng bộ và thống nhất về các quy định giải quyết tình trạng chồng chéo trong các văn bản pháp luật. Nếu làm được điều này, việc triển khai mới thực sự hiệu quả.

Thứ hai, trong luật xử lý nợ xấu cần xác định các chủ thể tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu, trong đó cần quan tâm đến 2 vấn đề: mua bán nợ xấu và chứng khoán hóa các khoản nợ xấu. Khi luật hóa NQ 42 cần quy định rõ những hệ nguyên tắc cụ thể và xác định rõ các nhóm đối tượng, điều chỉnh luật để đảm bảo tính ổn định và lâu dài của luật.

Đối với hoạt động mua bán nợ xấu, bà Nguyễn Minh Hằng kiến nghị, khi đưa vào luật hóa cần bổ sung các quy định như: quy định chi tiết về các giấy tờ bên bán nợ xấu phải cung cấp cho bên mua nợ xấu; sửa đổi quy định về điều kiện các khoản nợ được mua bán; hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo cho các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng, các AMC .

“Để hoàn thiện thị trường mua bán nợ lành mạnh, kiến nghị NHNN, Bộ Tài chính cần phải xây dựng Bộ Tiêu chí, công thức định giá nợ xấu để các NHTM đánh giá được các khoản nợ xấu, xác định được giá của khoản nợ xấu được mua bán. Đồng thời, hai cơ quan này cũng xây dựng quy định việc xác định để thành lập hoạt động của các tổ chức định giá về nợ xấu”, bà Nguyễn Minh Hằng kiến nghị và đề xuất thêm: “Để khuyến khích các NHTM tham gia mua bán nợ xấu, bà Nguyễn Minh Hằng cũng kiến nghị cần có những ưu đãi về thuế như miễn giảm, thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Ngô Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ