Cần công khai và minh bạch trong cách tính cước phí tin nhắn với dịch vụ ngân hàng

(Banker.vn) Với lý do mang tính bảo mật, mức giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng hiện cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Dẫu vậy, rủi ro vẫn phát sinh. Các ngân hàng thường xuyên mang tiếng và bị yêu cầu chịu trách nhiệm về vụ việc tài khoản khách hàng “bốc hơi” do “click” vào tin nhắn giả mạo. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các nhà mạng cần công khai, minh bạch trong cách tính phí với dịch vụ ngân hàng.

Ngân hàng tiên phong trong miễn giảm lãi, phí

Thời gian qua, bên cạnh việc phải căng mình chống dịch, ngành Ngân hàng đã nhanh chóng, tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bằng việc giảm lãi vay, giảm các loại phí, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn chưa thu lãi.... Ủng hộ tích cực các chương trình an sinh xã hội trong phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, các TCTD đã đồng loạt giảm lãi suất huy động và cho vay; mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và giảm thêm 0,66%/năm trong 8 tháng đầu năm 2021.

Đến ngày 27/9/2021, các TCTD đã: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 278.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 238.000 tỷ đồng; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng; (ii) Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng; lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 27/9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.

Ngành Ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, với tổng số tiền đạt hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó: Tổng số phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống Napas) dự kiến thực hiện giảm trong năm 2021 khoảng 1.557 tỷ đồng; còn Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã thực hiện 4 lần giảm giá phí khai thác dịch vụ (với tổng số tiền khoảng 252 tỷ đồng).

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, các TCTD đã dành khoảng 3.400 tỷ đồng để thực hiện các công tác an sinh, xã hội trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát.

Thế nhưng…

Ngành Ngân hàng đã chủ động, nỗ lực chung tay chia sẻ khó khăn, cùng đồng hành với người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch bằng chính nguồn lực của mình trong khi cũng phải lo chuẩn bị đối phó với rất nhiều nguy cơ đặc biệt là vấn đề nợ xấu gia tăng…. Đáng tiếc, những nỗ lực của ngành Ngân hàng và các TCTD dường như vẫn diễn ra trong sự “đơn độc” khi chưa nhận được những hỗ trợ đồng hành từ cơ quan quản lý, các đối tác. Đơn cử như trong việc tính phí của các doanh nghiệp viễn thông.

Theo ghi nhận, hiện mức giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường, cụ thể: Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/1tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/1 tin nhắn, trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99 – 350 đồng/tin nhắn. Ước tính sơ bộ, một TCTD cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn các TCTD tầm trung trở lên là 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng.

Như vậy, với số lượng TCTD, số lượng dịch vụ tin nhắn và mức giá như trên, thì chi phí cho dịch vụ tin nhắn đang là “gánh nặng” khá lớn nhất là trong bối cảnh ngành Ngân hàng liên tục kêu gọi các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lương giảm thưởng để giảm lãi, giảm phí, cơ cấu nợ tạm chưa thu lãi... cho khách hàng.

Được biết, thời gian qua, các nhà mạng cũng đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng trong vùng dịch, người khó khăn, thu nhập thấp, thông qua miễn giảm cước phí dịch vụ di động.

Dưới góc độ khách hàng lớn và cũng chịu nhiều tác động của đại dịch cả ở trước mắt và về lâu dài thì các TCTD vẫn chưa nhận “tín hiệu” giảm phí tin nhắn từ phía các nhà mạng, dù đã nhiều lần kiến nghị.

Cần lắm sự công khai, minh bạch

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của các tổ chức hội viên đã 4 lần gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đề nghị chỉ đạo quyết liệt nhà mạng thực hiện nghiêm túc việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đến nay Hiệp hội vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ TT&TT hay các doanh nghiệp viễn thông đối với đề nghị giảm phí.

“Trong bối cảnh khó khăn, chịu tác động chung của đại dịch, việc các doanh nghiệp đồng hành và chia sẻ cùng nhau là hết sức có ý nghĩa. Việc giảm phí tin nhắn giúp các TCTD có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong phục hồi sản xuất và ổn định đời sống sau đại dịch”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, căn cứ tính phí của các nhà mạng đang có nhiều điểm cần làm rõ và minh bạch. Cần sớm có câu trả lời cho những câu hỏi: Đâu là cơ sở để đưa ra mức giá tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường?; Nếu là do yêu cầu chi phí đầu tư cho bảo mật thì tại sao tình trạng lừa đảo qua tin nhắn giả mạo thương hiệu của các ngân hàng gửi từ nhà mạng vẫn liên tục xuất hiện làm ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân vào tính an toàn trong giao dịch số với ngân hàng? Ai chịu trách nhiệm cho tình trạng lừa đảo qua tin nhắn giả danh ngân hàng?.

Thời gian qua một số TCTD đã gửi văn bản và nhận được văn bản trả lời từ Bộ TT&TT và các nhà mạng về việc giảm phí. Hiện Hiệp hội Ngân hàng đang tổng hợp báo cáo từ các TCTD. Khi tổng hợp đầy đủ báo cáo của các TCTD, Hiệp hội sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu để cùng các TCTD hội viên bàn giải pháp, cùng tìm cách thức hiệu quả để giảm chi phí dịch vụ, đặc biệt các chi phí dịch vụ liên quan đến tin nhắn dịch vụ ngân hàng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành luôn đi đầu về chuyển đổi số, Hiệp hội kêu gọi các TCTD hội viên tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ số hóa (như thông qua các app ngân hàng) để tiết giảm chi phí hoạt động. Nếu làm tốt, từ đây sẽ giúp có thêm nguồn lực để chia sẻ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, chung tay cùng vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nhóm PV

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục