Cần có quy định về giao, thu giữ để đảm bảo xử lý tài sản bảo đảm

(Banker.vn) Hiện Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Đây là Nghị định hết sức quan trọng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) vì liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm.

Đến nay, Dự thảo Nghị định có những bước tiến mới, gần tiệm cận với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhưng trong quá trình đối chiếu thực tiễn, vẫn còn một số nội dung cần giải quyết, tháo gỡ và đưa vào Dự thảo Nghị định cho phù hợp với mục đích đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng khi cho vay, đảm bảo quyền lợi cho cả 2 bên đưa tài sản vào để bảo đảm và bên nhận bảo đảm đúng với pháp luật dân sự.

Góp ý với cơ quan soạn thảo, CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) đánh giá sau khi cơ quan soạn thảo rà soát, tiếp thu, điều chỉnh các góp ý của ngành ngân hàng và các tổ chức liên quan, về cơ bản, dự thảo Nghị định đã có nhiều nội dung sửa đổi mới so với trước, thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác liên quan về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của các TCTD cho thấy vẫn còn một số nội dung rất quan trọng cần phải có quy định hướng dẫn bổ sung tại dự thảo Nghị định để tạo điều kiện cho các TCTD trong quá trình hoạt động.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng cho biết một vấn đề quan trọng trong việc xử lý tài sản bảo đảm là việc giao, thu giữ tài sản, xử lý tài sản nhưng chưa được quy định trong Nghị định này.

Theo Điều 301 Bộ luật dân sự thì “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”

Trên thực tế việc thu giữ tài sản chiếm vị trí quan trọng trong công tác xử lý tài sản bảo đảm, nếu ngân hàng nhận thế chấp không giữ được tài sản thì việc xử lý được về mặt thủ tục pháp lý cũng chỉ là hình thức, việc xử lý thực tế là vẫn chưa đạt được.

Trong khi đó tại thời điểm xử lý, nhiều trường hợp bên thế chấp bất hợp tác và tìm đủ mọi lý do để không giao tài sản cho ngân hàng, dẫn đến việc xử lý tài sản của ngân hàng thời gian qua vô cùng khó khăn, mất rất nhiều thời gian và công sức.

Các quy định về nợ xấu tại Nghị quyết 42 vừa qua, đặc biệt là quy định bên nhận bảo đảm được thu giữ tài sản bảo đảm theo thỏa thuận đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc cho các tổ chức tín dụng, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 chỉ có hiệu lực trong 5 năm và áp dụng đối với những khoản nợ xấu trước ngày 15/8/2017 nên không bao quát được hết các khoản nợ, trong khi đó tình hình nợ xấu của TCTD thời gian tới có khả năng tăng cao do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Do vậy, CLB Pháp chế ngân hàng đề nghị đưa vấn đề thu giữ tài sản vào hướng dẫn cụ thể tại Nghị định này để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng.

Cụ thể, bổ sung điều khoản cho phép ngân hàng thực hiện việc thu giữ tài sản theo đúng thỏa thuận với khách hàng tại Hợp đồng tín dụng/Hợp đồng thế chấp; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp, hỗ trợ bên nhận bảo đảm thu giữ tài sản bảo đảm…

Đối với tài sản bảo đảm là dự án đầu tư, đặc biệt là dự án bất động sản cần có quy định để các tổ chức tín dụng có thể xử lý được. CLB Pháp chế ngân hàng đề nghị bổ sung trường hợp không giao tài sản thì Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nhanh tài sản. Trên thực tế, việc xử lý tài sản qua Tòa án hiện nay thường kéo dài mặc dù hồ sơ xử lý không vướng mắc.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: