Cần có cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy công nghiệp quốc phòng, an ninh

(Banker.vn) Chiều nay 30/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Góp ý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp: Mở đường cho công nghệ lưỡng dụng

Theo đó, Quốc hội thảo luận dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua rà soát và lấy ý kiến, đa số đại biểu tán thành quy định về xây dựng Quỹ để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Quy định mới một số chính sách

Báo cáo tại hội trường, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định nhiều chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN), có những nội dung khác quy định của pháp luật liên quan, vì vậy đề nghị bổ sung 01 điều quy định về áp dụng pháp luật. Về nội dung này, Uỷ ban Thương vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là về ngân sách nhà nước, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đầu tư, khoa học công nghệ, chính sách đối với người lao động là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư...

Cần có cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh
Ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội

Để thể chế quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển CNQP, AN, đồng thời, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vai trò đặc biệt quan trọng của CNQP, AN và ĐVCN trong thực hiện các chiến lược về quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia, dự thảo Luật cần có các chính sách đặc thù, đột phá, cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy phát triển CNQP, AN. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định, chính sách đặc thù, vượt trội trong dự thảo Luật theo hướng: Quy định mới một số chính sách chưa được pháp luật quy định; kế thừa, phát triển các chính sách hiện đã được quy định ở các Pháp lệnh và văn bản dưới Luật và Quy định các chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội, để thuận lợi, khả thi trong tổ chức thực hiện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung 01 điều quy định về áp dụng Luật CNQP, AN và ĐVCN, trong đó quy định cụ thể việc áp dụng những nội dung khác so với các luật hiện hành như Điều 2 dự thảo Luật.

Sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng quản lý

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng nêu, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ và đặt hàng sản xuất quốc phòng, an ninh; tách bạch việc đặt hàng sản xuất quốc phòng và đặt hàng sản xuất an ninh để có cơ chế đặc thù cho phù hợp. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc bỏ quy định này vì đã được quy định tại khoản 3 Điều 57 Luật Đấu thầu.

Về vấn đề này, ông Lê Tấn Tới cho biết: Hiện nay, Luật Đấu thầu và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP đã quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, tuy nhiên các văn bản này không áp dụng đối với lĩnh vực sản xuất quốc phòng an ninh (QPAN); mặt khác, sản phẩm, dịch vụ CNQP, AN không phải là sản phẩm, dịch vụ công mà là sản phẩm đặc thù, nhất là các sản phẩm như vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Trên thực tế, Chính phủ đang giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm, dịch vụ QPAN.

Cần có cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh
Quang cảnh Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV

“Để bảo đảm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, hằng năm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh (CNAN) nòng cốt sản xuất các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ với số lượng lớn từ các nguồn ngân sách. Trong đó có nhiều nhiệm vụ cấp bách, sản phẩm mới, đặc thù chưa xác định đủ yếu tố lập dự toán. Đồng thời, phương thức đặt hàng, đấu thầu còn áp dụng để sản xuất các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật khác”- ông Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Đề xuất xây dựng Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh

Liên quan đến nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh có ý kiến đề nghị quy định Nhà nước bố trí ngân sách thành một mục riêng cho CNQP, AN ngoài danh mục chi cho QPAN; bổ sung nội dung tăng vốn điều lệ cho cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tách Điều 16 dự thảo Luật Chính phủ trình thành 2 điều: Điều 20 quy định về nguồn lực tài chính CNQP, AN và Điều 21 quy định về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho CNQP, AN.

Đồng thời, để bảo đảm thuận lợi, chủ động trong tổ chức thực hiện, cần phải ưu tiên bố trí ngân sách cho nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất QPAN, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung chính sách “Nhà nước ưu tiên ngân sách đầu tư, có các cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm cho CNQP, AN và ĐVCN” tại khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật; bổ sung quy định “Ưu tiên phân bổ nguồn lực dự toán ngân sách nhà nước 03 năm và 05 năm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất sản phẩm QPAN và các sản phẩm khác phục vụ QPAN của các cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách nhà nước” như khoản 1 Điều 21 để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nội dung này đã giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 5 Điều 21, việc quy định nội dung này như trong dự thảo Luật để tạo đặc thù so với khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Nhiều ý kiến đề nghị hình thành Quỹ CNQP, AN để tập trung huy động nguồn lực, có cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển CNQP, AN nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao, đồng thời quy định bảo đảm chặt chẽ, khả thi; ý kiến khác đề nghị không quy định về Quỹ này để phù hợp với chủ trương hạn chế hình thành các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Sau khi xin ý kiến Hội nghị, đại biểu Quốc hội đa số ý kiến tán thành quy định về xây dựng Quỹ CNQP, AN để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển CNQP, AN. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều có các quỹ tài chính phục vụ cho lĩnh vực này.

Đức Lâm

Theo: Báo Công Thương