Cận cảnh Nga dùng bom siêu nặng phá hủy sở chỉ huy Ukraine

(Banker.vn) Một video được đăng tải trên mạng đã ghi lại cảnh Nga thả bom siêu nặng FAB-3000 xuống các mục tiêu Ukraine, bao gồm cả sở chỉ huy ở vùng miền đông Donetsk.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 15/9/2023: Nga tấn công trung tâm chỉ huy Ukraine Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 16/12/2023: Kiev có thể vỡ nợ trong vài tháng tới; chỉ huy Ukraine chạy khỏi Avdiivka Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 18/4/2024: Nga tập kích vị trí chỉ huy Ukraine; Kiev thừa nhận yếu thế

Đài RT của Nga dẫn thông tin do một số kênh Telegram cho hay, quả bom FAB-3000 nặng 3 tấn, được trang bị module dẫn đường đã tập kích một trung tâm chỉ huy của Ukraine ở khu định cư New York thuộc Donetsk, khiến Kiev mất ít nhất 60 binh sĩ và 4 phương tiện.

Ngoài ra, một trong các bài viết khác cho biết, tòa nhà trúng bom đã “biến mất không để lại dấu vết nào”.

Theo phía Nga, trung tâm chỉ huy của Ukraine được cho là của Tiểu đoàn Cơ giới số 1 thuộc Lữ đoàn Cơ giới số 41 Ukraine ở miền đông Donetsk. Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Đồng thời, RT cũng cho biết, họ không thể xác minh độc lập đoạn video.

Trước đó, phía Nga được cho là đã sử dụng bom FAB-3000 lần đầu tiên tại thị trấn Liptsy khi Nga tiến quân trên hướng Kharkov cách đây 2 tuần lễ. Giới chuyên gia quân sự Nga đánh giá, bom FAB-3000 đủ sức phá hủy công sự kiên cố nhất. Theo họ, với công nghệ mới, bom này có thể tấn công với độ chính xác cao.

FAB-3000 là bom thông thường do Liên Xô phát triển sau Thế chiến II, mỗi quả được nhồi 1.400 kg thuốc nổ mạnh, được cho là đủ để phá hủy những công sự vững chắc nhất. Phiên bản bom lượn được trang bị module dẫn đường và cánh nâng hợp nhất (UMPK), giúp nó có thể được thả từ khoảng cách xa và tăng độ chính xác của đòn đánh.

Defense News viết, trong những tháng gần đây, các lực lượng Nga đã dùng FAB-3000 để chống lại binh lính Ukraine ở tiền tuyến và hiện tại “Ukraine có rất ít khả năng ứng phó với các cuộc tấn công bằng bom lượn của đối phương”.

Khu định cư New York xuất hiện lần đầu tiên trên bản đồ vào giữa thế kỷ 19. Hiện có nhiều thuyết khác nhau về nguồn gốc cái tên kiểu Mỹ này cho một địa điểm tại Ukraine.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương