Cán bộ sân bay cần “mỉm cười” nhiều hơn để giữ chân du khách quốc tế

(Banker.vn) Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã “hiến kế” giúp du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam nhiều hơn tại hội thảo “Hiến kế hút khách quốc tế”.
Quảng Ninh đón du khách quốc tế 'xông đất' đầu năm mới Tết Quý Mão Bà Rịa - Vũng Tàu: Đón siêu tàu du lịch đưa hơn 3.800 du khách quốc tế đến Việt Nam Visa không phải nút thắt duy nhất nhưng là cánh cửa đầu tiên để phục hồi du lịch

Tỷ lệ khách du lịch quay lại Việt Nam chỉ 8-10%

Chia sẻ tại hội thảo “Hiến kế hút khách quốc tế” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 22/3, Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro - Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch khách sạn - Đại học RMIT Việt Nam cho biết, theo thống kê, tỷ lệ du khách quay trở lại Việt Nam chỉ từ 8-10%, đây là con số quá khiêm tốn. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý việc cấp thiết là làm thế nào để nâng cao tỷ lệ quay trở lại của du khách?

Cán bộ sân bay cần “mỉm cười” nhiều hơn để giữ chân du khách quốc tế
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã “hiến kế” giúp du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam nhiều hơn

Ngành du lịch sau 1 năm mở cửa đã có sự khởi sắc, đặc biệt ở thị trường nội địa. Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngành du lịch Việt Nam đang chứng kiến sự khởi sắc sau đại dịch với số lượng khách nội địa tăng trưởng cao, đạt 101,3 triệu lượt, vượt 68% so với kế hoạch và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,6 triệu lượt khách, đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra. Năm 2023, ngành đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế - một mục tiêu đầy thách thức nếu so với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022. Mặc dù năm 2023 vẫn xác định, thị trường nội địa là thị trường chính, nhưng thị trường quốc tế vẫn mang lại nguồn thu lớn cho ngành này.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, kinh nghiệm phát triển du lịch trên thế giới cho thấy, việc thu hút tốt khách quốc tế sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương nơi khách lưu trú. Ông Lê Trọng Minh dẫn chứng, ngay cả với Việt Nam, năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu toàn ngành.

Ông Minh đưa ra con số cụ thể: “Điều này có được bởi đặc tính khách quốc tế có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, chi tiêu từ 1.100-2.000 USD cho một chuyến đi. Trong khi đó, đặc thù khách nội địa thường đi nghỉ vào cuối tuần và mức chi tiêu cũng không bằng”.

Thị thực và cải cách hành chính là vấn đề mấu chốt

Các đại biểu tham dự đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc và nút thắt cần tháo gỡ, những giải pháp hữu ích có thể triển khai theo từng giai đoạn. Đồng thời cũng chia sẻ những kinh nghiệm thành công của Thái Lan - quốc gia mở cửa cùng thời điểm với Việt Nam và ghi nhận tốc độ phục hồi đạt 22%, trong khi ngành du lịch Việt Nam chỉ đạt 18,1%.

Tiến sĩ Ribeiro chỉ rõ những vướng mắc khiến du lịch Việt Nam vẫn khó hút khách quốc tế: Nhận thức của công chúng và truyền thông về Việt Nam, thủ tục hành chính rườm rà, số nước được miễn thị thực giảm, khoảng cách từ các thị trường trọng điểm, nỗ lực quảng bá chưa tương xứng, rào cản ngôn ngữ và tỷ lệ khách quay lại thấp (so với Thái Lan) là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến tính hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.

Cán bộ sân bay cần “mỉm cười” nhiều hơn để giữ chân du khách quốc tế
Những hạn chế từ chính sách thị thực mà Việt Nam đang áp dụng là một bất lợi đối với ngành du lịch

Đặc biệt, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trong các yếu tố đang là rào cản thu hút khách quốc tế, những hạn chế từ chính sách thị thực mà Việt Nam đang áp dụng là một bất lợi. Đồng tình với nhận định này, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính cũng cho rằng, “Ngành du lịch cần chú trọng đặc biệt tới việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, bao gồm thị thực điện tử và miễn thị thực”.

Cần “bồi dưỡng” cho cán bộ sân bay biết mỉm cười

Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp hết sức cụ thể cho phát triển du lịch Việt Nam. Ông Martin Koerner - Trưởng Tiểu ban du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đưa ra một sự việc nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch và cần cải thiện ngay, đó chính là trải nghiệm xuất nhập cảnh ở các sân bay.

Ông Martin cho biết, có rất nhiều phản hồi của khách du lịch không chỉ về các hãng lữ hành mà còn về các hàng không, thời gian chờ đợi nhập cảnh ở sân bay quá lâu, kéo dài đến 2-3 tiếng đồng hồ.

Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ khách du lịch quay trở lại. Nếu khách du lịch tới Việt Nam một lần và ngay tại điểm nhập cảnh đã mất nhiều thời gian như vậy thì trải nghiệm của họ ngay ở đó đã không được vui, không được đón chào. Trong khi những điểm đến khác như Bali, Thái Lan, Philippines thân thiện, thời gian chờ đợi ngắn hơn rất nhiều.

Từ thực tế này, ông Martin hiến kế: Cần phải bồi dưỡng cho các cán bộ tại sân bay biết mỉm cười. Điều này có nghĩa rằng họ gửi tín hiệu hoan nghênh khách du lịch nước ngoài tới. Ngay từ điểm đầu và điểm cuối của trải nghiệm khách du lịch đến sẽ để lại ấn tượng rất mạnh, cho họ thấy rằng "Chúng tôi sẵn sàng chào đón quý vị”.

Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro đưa ra những gợi ý về giải pháp cho du lịch Việt Nam trong ngắn, trung và dài hạn.

Về giải pháp ngắn hạn, tiến sĩ Nuno F.Ribeiro cho rằng cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước, tăng số nước được miễn thị thực, thực thi các luật và quy định du lịch hiện hành. Thúc đẩy các chương trình văn hóa và ngôn ngữ để thu hẹp khoảng cách giữa du khách và người dân địa phương. Đầu tư mạnh để quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế nhằm thu hút các thị trường trọng điểm.

Về giải pháp trung hạn từ 1-5 năm tới: ngành du lịch cần giải quyết các nhu cầu cơ sở hạ tầng trước mắt. Ví dụ như giao thông, vệ sinh, viễn thông dựa trên tính toán sức chứa của các điểm đến. Bên cạnh đó là giải quyết các vấn đề về chất lượng dịch vụ bằng cách tuyển dụng lao động có trình độ và đào tạo ngắn hạn cho nhân lực du lịch và khách sạn hiện có.

Phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp giữa văn hóa, thiên nhiên và cuộc sống đô thị. Xem xét lại chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và xác định chiến lược du lịch dài hạn chi 10-20 năm tới dựa trên phát triển du lịch bền vững.

Về lâu dài, tiến sĩ Nuno F.Ribeiro cho rằng, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, đặc biệt là giao thông thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho ngành du lịch cũng rất quan trọng. Cần đầu tư mạnh vào đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, khách sạn ở các bậc trung học, đại học và sau đại học. Bên cạnh đó, cần chú trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam một cách bền vững.

Vẫn liên quan đến vấn đề thị thực, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Lux Group chia sẻ, Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore… hãy thực hiện chính sách visa thân thiện, cho phép lưu trú lên từ 30 ngày, cho phép du khách nhập cảnh nhiều lần, mở rộng miễn visa cho một số thị trường.

Nguyễn Duyên

Theo: Báo Công Thương