(Banker.vn) - Từ lúc non nớt chưa biết gì đến giờ đã có gia đình với 2 con, tôi thật tự hào vì mình đã vượt qua chính mình, tự tin hơn rất nhiều so với tôi của ngày ấy. Với vị trí giao dịch viên, một nghề làm dâu trăm họ đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm đáng giá mà không dễ gì có được.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Trần Thị Thu Hà, công tác tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Quảng Ngãi.

Chúng ta sinh ra trên cõi đời này, ai cũng mang theo những ân tình. Và không ai trên cõi đời này có thể sống độc lập, hạnh phúc và thành công mà không có sự mang ơn. Bài viết này tôi xin dành để bày tỏ sự tri ân của mình đối những người đã giúp đỡ tôi, từ người thân đến bạn bè, đồng nghiệp đã nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ tôi rất nhiều từ thời gian chập chững bước vào nghề để tôi có được ngày hôm nay.

 Trong mắt mọi người tôi là một người trầm tính, ít nói, nhút nhát, rụt rè. Từ thời đi học, bạn bè, thầy cô đều nhận xét tôi như vậy. Từ lúc đi học đến lúc ra trường, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ là sẽ có ngày mình làm việc trong ngành ngân hàng với vị trí giao dịch viên như hiện nay. Dù không theo đạo Phật nhưng tôi lại rất tin vào những triết lý của Phật giáo, tin vào thuyết nhân duyên. Mọi cuộc gặp gỡ trên đời này đều không phải tình cờ mà là do có duyên nợ từ kiếp trước. Cái duyên đến với nghề ngân hàng của tôi là do số phận chứ tôi không học đúng chuyên ngành này.

Được nhận vào làm ở Vietcombank là một sự may mắn của tôi chứ trước đó tôi cũng nộp đơn ở ngân hàng Agribank, VIB nhưng đến ngày thi tôi lại vô Sài Gòn nhận bằng và ham vui nên bỏ thi dù lúc đó có thể về thi còn bằng nhận sau cũng được. Tôi ra trường và đi làm luôn ở Vietcombank từ đó chứ chưa làm ở nơi nào khác. Vì vậy, kinh nghiệm với tôi là con số không.

Ngày đầu tiên đi làm tôi thật sự run vì bản tính tôi vốn nhút nhát lại được cho vào làm ngay phòng Dịch vụ, phải giao tiếp với khách hàng. Những ngày đầu đi làm thật sự rất ám ảnh, nghe các anh chị nói những từ chuyên ngành tôi chẳng hiểu gì, cứ như vịt nghe sấm, ai sai gì thì tôi làm đó, khách hàng vô thì tôi hỏi cô chú, anh chị làm gì rồi đưa form. Lúc đầu tôi cũng chả biết form nào làm gì nên các anh chị cũng chỉ cho dần mới quen. Sau đó thì tôi được trực tiếp mở tài khoản, người chỉ cho tôi tận tình lúc đó là chị Thạch, tôi ngưỡng mộ chị vô cùng vì thấy chị nhanh nhẹn, miệng liền tay, tay liền miệng, làm cái gì cũng nhanh, lại rất nhiệt tình. Thấy tôi rụt rè, nhút nhát chị cũng động viên là em cứ làm không sợ gì hết, mai mốt rồi cũng như anh chị thôi. Làm chỗ chị Thạch bên bộ phận thẻ được một thời gian thì chị nói tôi qua chị Liêm để học thêm nghiệp vụ, và người thầy thứ hai của tôi chính là chị Liêm. Chị Liêm cũng là người hướng dẫn tôi rất nhiệt tình, chỉ cho tôi từng chút một, cho tôi được vô máy tính hạch toán dù lúc đầu làm chậm, có đôi lúc sai sót thì chị phải đứng ra xử lý giúp tôi. Tôi rất biết ơn chị vì chị đã chỉ cho tôi rất tận tình, giải thích từng nghiệp vụ để tôi hiểu, làm sai biết cách xử lý. Có những lúc bị chênh quỹ không tìm ra nguyên nhân hoặc thu phải tiền giả, chị đều xử lý bằng tiền túi của mình mà không trách tôi, tôi thấy rất ngại nhưng tính chị là vậy. Tôi thật sự mang ơn hai người thầy đầu tiên của mình, dù chị Liêm giờ không còn làm ở Vietcombank nữa nhưng những ân tình ấy tôi không thể nào quên. Cũng đã có dịp tôi mạnh dạn tặng mỗi chị một cuốn sách và ghi vào đó những lời cảm ơn chân thành của tôi, các chị nhận và cảm thấy rất vui. Tôi cũng vui vì đã nói ra được nỗi lòng của mình, đó là những lời tận đáy lòng, tôi luôn biết ơn các chị đã giúp tôi có được sự mạnh dạn, tự tin như ngày hôm nay.

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó mà đã hơn 11 năm kể từ ngày tôi bước chân vào Vietcombank, ngày 5/0/2007. Từ lúc non nớt chưa biết gì đến giờ đã có gia đình với 2 con, tôi thật tự hào vì mình đã vượt qua chính mình, tự tin hơn rất nhiều so với tôi của ngày ấy. Với vị trí giao dịch viên, một nghề làm dâu trăm họ đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm đáng giá mà không dễ gì có được. Được tiếp xúc với nhiều người với đủ mọi tính cách, ngành nghề, lứa tuổi, giàu nghèo, sang hèn mang đến cho tôi những kinh nghiệm sống, kỹ năng giao tiếp, những bài học rút ra sau những lần sai sót, vấp ngã.

Nghề nào cũng có khó khăn, vất vả riêng, nghề ngân hàng cũng không ngoại lệ. Phải đi sớm về muộn, con cái thì không thể nào chăm sóc cho chu đáo. Con ốm con đau đột xuất cũng phải nhờ ông bà chở đi bác sĩ, chăm sóc cho con. Ba má là người đã hi sinh cho mình rất nhiều, luôn động viên mình cố gắng làm việc cho tốt, ba nói cơ quan cần thì mình cố gắng làm, ba má còn giúp được thì sẽ giúp các con. Nhờ có ba má mà mình yên tâm làm việc, con mình luôn có được tình thương của ông bà hai bên nội ngoại. Ông xã cũng là người đã hi sinh vì con cái, thông cảm cho công việc của mình rất nhiều, dù không nói ra nhưng mình cũng hiểu là có nhiều lúc anh buồn, bị sếp phê bình trong cuộc họp vì hay phải về sớm đón con. Mình may mắn hơn rất nhiều người, có công việc làm ổn định, có một mái ấm để trở về thì bao khó khăn kia không là vấn đề gì. Hãy cố gắng sống tốt với nhau, “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…” Cảm ơn những ân tình tôi đã nhận trong cuộc đời này, cảm ơn ba má đã sinh tôi và lo cho tôi vất vả, cảm ơn chồng đã hi sinh cho gia đình mình, cảm ơn đồng nghiệp đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc, cảm ơn ban lãnh đạo Vietcombank đã cho tôi có được việc làm giúp tôi có được mọi thứ như ngày hôm nay, cảm ơn tất cả, cảm ơn cuộc đời!

TRẦN THỊ THU HÀ

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ