Cam kết phát triển bền vững, gặt hái lợi ích dài lâu

(Banker.vn) Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp bền vững”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) khẳng định, doanh nghiệp (DN) cam kết với phát triển bền vững và chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích về mọi mặt trong dài hạn.

 

Ngày 22/9/2022, VCCI-VBCSD đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp bền vững”. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hội thảo thuộc khuôn khổ Diễn đàn DN phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam (VCSF) 2022. Khoảng 300 đại biểu từ các cơ quan Bộ, ngành, các hiệp hội DN, tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông và các DN qua hai kênh theo dõi trực tiếp và trực tuyến

VCSF là sáng kiến đối thoại về PTBV DN được VCCI-VBCSD thực hiện thường niên từ năm 2014, nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ Chính phủ và cộng đồng DN, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Trọng tâm của Hội thảo về quản trị DN bền vững và thực hành đánh giá DN trên khung ESG (Kinh tế - Xã hội - Môi trường)

ESG đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh sau đại dịch, ngày càng có nhiều hơn các DN tiếp cận các chuẩn mực ESG, với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch VBCSD nhận định, nhìn sâu vào mới thấy những yếu tố tưởng phi tài chính như ESG lại mang ý nghĩa tài chính rất lớn, vì một công ty đầu tư theo ESG, hay nói cách khác là đầu tư cho hoạt động quản trị DN khoa học, chuyên nghiệp, là một công ty cam kết với sự PTBV và chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích về mọi mặt trong dài hạn.

“Tuy nhiên, để thực hành ESG cũng như quản trị DN hiệu quả, cũng cần sự đầu tư và đặc biệt là sự chuyển đổi tư duy toàn diện từ phía lãnh đạo DN”, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh.

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch VBCSD, việc tích hợp ESG là một đề bài nhiều thách thức, tuy nhiên khi Chính phủ đã có cam kết về phát thải ròng, ESG không còn là trách nhiệm, mà là một yếu tố để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và là cơ hội PTBV của DN trong bối cảnh mới. “Đây không chỉ là câu chuyện của riêng các công ty đại chúng, công ty niêm yết, mà là của chung tất cả các DN…”, bà Thanh lưu ý.

Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD chia sẻ, từ năm 2016 đến nay, VCCI, với hạt nhân là VBCSD đã tích cực thúc đẩy thực hành quản trị DN bền vững trong cộng đồng DN thông qua việc giới thiệu đến các DN Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) và tổ chức Chương trình Đánh giá, Công bố DN bền vững Việt Nam.

VCSF 2022 sẽ được tiếp nối với hai Hội thảo chuyên đề về “Thúc đẩy yếu tố đa dạng và bao trùm trong kinh doanh”, “Tái xác định giá trị DN từ khía cạnh môi trường: Những đóng góp của DN trên lộ trình phi phát thải” sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 26 và 27/10/2022. Phiên toàn thể của VCSF 2022 dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 1/12/2022, cùng ngày với Lễ công bố DN bền vững Việt Nam 2022.

Theo kết quả nghiên cứu về thực trạng một số khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam theo khung Kinh tế - Môi trường - Xã hội và Quản trị (EESG) do VBCSD chủ trì thực hiện công bố tại Hội thảo, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị bền vững thấp (chỉ 39% có chính sách quản lý rủi ro môi trường, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số…); các KCN quan tâm đến chính sách quản lý rủi ro (hay tuân thủ luật pháp) nhiều hơn các chính sách mang lại sự PTBV cho KCN và các DN tham gia. Trong số KCN được khảo sát, chỉ 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý, 76% KCN không có thông tin kiểm toán cấp DN. Các giá trị hoạt động của KCN chưa được đánh giá đầy đủ và chia sẻ rộng rãi.

Thanh Thanh -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ