“Cầm cương” giá vàng – Bài 2: Giá vàng "nóng bỏng tay", ai hưởng lợi?

(Banker.vn) Cơn sốt vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ai sẽ là người hưởng lợi trong việc giá vàng liên tục leo thang?
“Cầm cương” giá vàng – Bài 1: Hoa mắt, chóng mặt vì giá vàng "nhảy múa" liên tục Giá vàng chiều nay 19/4/2024: Vàng trong nước đảo chiều sụt giảm dù vàng thế giới tăng “phi mã” Giá vàng chiều nay 20/4/2024: Giá vàng sắp tới ra sao, nên mua vào hay bán ra?

Giá vàng tăng đột biến trong thời gian gần đây đem lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Nhưng cũng từ đây, một vấn đề cũ nhưng chưa khi nào hết tính thời sự lại được nêu ra: Cơ hội kinh doanh vàng miếng khi nào sẽ mở ra cho doanh nghiệp khác?

Đại gia vàng đang làm ăn ra sao?

Thị trường vàng lên cơn sốt, giá vàng tăng phi mã theo giờ đã mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Một trong số đó là Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) - tên tuổi khá nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh kim loại quý.

“Cầm cương” giá vàng – Bài 2: Giá vàng
Giá vàng liên tục biến động mạnh mẽ

Theo báo cáo tài chính năm 2023, PNJ dưới sự lãnh đạo của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận lãi ròng hơn 1.971 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 2% so với kế hoạch đề ra. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 35 năm hoạt động của PNJ, thể hiện tiềm lực và uy tín của doanh nghiệp này trên thị trường. Báo cáo cũng cho thấy, đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PNJ đạt hơn 14.427 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với con số hơn 13.337 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.

Trong bối cảnh giá vàng tiếp tục biến động mạnh mẽ, PNJ đặt mục tiêu doanh thu 37.147 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng cho năm nay, tăng lần lượt 12% và 6% so với mức thực hiện năm 2023. Điều này cho thấy PNJ không chỉ quyết tâm giữ vững vị thế của mình trên thị trường mà còn đang hướng tới sự phát triển và tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Ngược lại, trong bối cảnh biến động của thị trường vàng, việc kinh doanh của đại gia vàng Doji dường như gặp nhiều thách thức khi chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hơn 491 tỷ đồng trong năm 2023, giảm mạnh hơn 52% so với năm trước. Như vậy, trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này chỉ lãi hơn 1,34 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2022. Nếu so với PNJ, lợi nhuận của Doji trong năm 2023 chỉ bằng 1/4, đây là một biểu hiện rõ ràng của sự chênh lệch trong hiệu quả kinh doanh của 2 “ông lớn” trong ngành.

Nhiều sự chú ý của giới kinh doanh đang đổ về Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC. Tuy nhiên đến thời điểm này SJC vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2023. Trong năm ngoái, SJC đặt mục tiêu doanh thu hơn 30.416 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm trước, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 56 tỷ đồng. Nhiều người dự báo, với biến động tăng liên tục thời gian qua của vàng, doanh thu và lợi nhuận của SJC năm 2023 và quý I/2024 chắc chắn sẽ tăng mạnh.

Nhà giàu cũng khóc

Trong bối cảnh giá vàng tăng đột biến, những tưởng các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ là những người được hưởng lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Tại đại hội cổ đông gần đây, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ, đã trải lòng về tình hình thị trường vàng trong quý đầu năm 2024.

Bà Dung cho biết, mặc dù thị trường vàng rất sôi động, nhưng công ty lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu vàng để kinh doanh. Trong khi đầu ra vàng có dấu hiệu tích cực, đầu vào lại là một vấn đề đáng lo ngại.

“Dự trữ vàng để sản xuất trong năm thì không bao giờ có vì lượng vàng sản xuất hằng năm của chúng tôi lên đến 12 tấn, biến động giá từng giờ. Cái khó của người kinh doanh trong ngành này là phải tính mua lúc nào, mua như thế nào, mua dưới dạng nào, sản xuất hay dự trữ. Có những ngày chúng tôi đành chấp nhận giảm nhịp độ sản xuất vì giá vàng quá cao”, bà Dung nói.

Một diễn biến đáng chú ý trong những ngày qua là đã có nhiều cửa hàng kinh doanh vàng đóng cửa không rõ nguyên nhân. Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, không có quy định doanh nghiệp kinh doanh vàng có trách nhiệm thông báo về thời gian và lý do tạm ngưng kinh doanh cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nên cơ quan quản lý chưa có căn cứ xác định chính xác lý do tạm ngưng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Tuy vậy, theo đánh giá, nhiều địa điểm kinh doanh vàng đóng cửa do lo lắng bị xử phạt khi cơ quan chức năng đi kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng.

Kinh doanh vàng đều phải bình đẳng

Trước diễn biến tăng sốc giảm sâu của giá vàng thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng không nên để tình trạng độc quyền sản xuất vàng miếng như hiện nay mà nên trả việc kinh doanh vàng cho thị trường.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương mới đây về thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định việc thực thi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP từ năm 2012 đến nay là một cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước quản lý thị trường vàng.

Theo ông Ngô Trí Long, hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chặt chẽ chính sách quản lý thị trường vàng, ngăn chặn việc nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, góp phần vào việc ổn định tỷ giá và hạn chế việc sản xuất vàng miếng. Các biện pháp này đã giúp cân bằng thị trường vàng, ngăn chặn hiện tượng sốt giá vàng, đồng thời làm cho vàng không còn là công cụ thanh toán phổ biến trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định của Nghị định 24 đã bộc lộ những bất cập, đặc biệt là vào thời điểm hiện tại, khi môi trường kinh doanh và yêu cầu của thị trường có những thay đổi đáng kể.

“Việc điều chỉnh, bổ sung quy định pháp lý là điều không thể tránh khỏi trong một môi trường kinh doanh đang liên tục biến động như hiện nay. Điều này sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh vàng lành mạnh, minh bạch và công bằng, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế”, chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc điều chỉnh thị trường vàng từ năm 2012. Vấn đề quan trọng hiện nay là quan hệ cung - cầu vẫn chưa đạt được sự cân bằng, điều này đã khiến Thủ tướng đưa ra chỉ đạo cần phải tái cân bằng giữa quan hệ cung - cầu về vàng và giảm thiểu chênh lệch giá vàng giữa nước ta và thế giới.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất cần xây dựng một văn bản pháp luật mới để thay thế Nghị định 24. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng việc này cần có thời gian, cơ sở khoa học chắc chắn và được xem xét kỹ lưỡng. Đồng thời, việc tái cân bằng giữa quan hệ cung - cầu vàng cũng cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng và khoa học, để đảm bảo rằng thị trường vàng có thể hoạt động một cách ổn định và bền vững trong tương lai.

Tựu chung, theo các chuyên gia, để thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch và bền vững trong tương lai, Chính phủ cần phải có phương thuốc đặc trị hiệu quả để quản lý thị trường này, đặc biệt là cần phải xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng.

Cùng với việc loại bỏ độc quyền, cần có các giải pháp phòng ngừa và ứng phó kịp thời với tình trạng mất cân đối giữa cung - cầu vàng và những biến động giá không bình thường. Trong đó, việc xây dựng một hành lang pháp lý rộng lớn, có đủ công cụ và khả năng quản lý thị trường vàng được coi là điều cần thiết hàng đầu.

“Điều quan trọng là tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh lành mạnh”, chuyên gia nhấn mạnh.

Bài 3: Kê liều thuốc đắng giúp giã tật căn bệnh sốt giá vàng

Theo: Báo Công Thương