Cake by VPBank điều chỉnh lãi suất huy động sau khi thiết lập mức “đỉnh" trên thị trường

(Banker.vn) Khảo sát mới nhất cho thấy biểu lãi suất tiền gửi của ngân hàng số Cake by VPBank vừa tiếp tục thay đổi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, ngân hàng số Cake by VPBank thông báo biểu lãi suất mới áp dụng từ 11h ngày 19/10 với mức lãi suất cao nhất là 8,8%/năm áp dụng cho các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng với số tiền gửi từ 300 triệu đồng. Với số tiền gửi nhỏ hơn cùng kỳ hạn, lãi suất tiết kiệm sẽ dao động từ 8,5 - 8,7%/năm.

Bên cạnh đó, ngân hàng áp dụng lãi suất tiết kiệm từ 8,3 - 8,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 8,2-8,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng tuỳ theo số tiền gửi khác nhau.

Với các kỳ hạn ngắn hơn là 1 tháng và 3 tháng, nhà băng này áp dụng đồng loạt lãi suất 5%/năm cho tất cả các mức tiền gửi.

Trước đó, Cake by VPBank có mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống với 9,5%/năm áp dụng với kỳ hạn 36 tháng, số tiền gửi từ 300 triệu đồng theo biểu lãi suất ngày 17/10.

Như vậy, lãi suất cao nhất trên thị trường tiền gửi tiết kiệm tại Cake by VPBank chỉ tồn tại trong vòng 2 ngày.

Nguồn: Cake by VPBank.
Biểu lãi suất áp dụng tại Ngân hàng số Cake. Nguồn: Cake by VPBank

Mức lãi suất huy động trên 8,5%/năm đã được ghi nhận tại một số ngân hàng như SCB, ABBank, Kienlongbank, SeABank. Cụ thể, SCB niêm yết lãi suất cao nhất là 8,85%/năm; ABBank đẩy lên mức cao nhất 8,6%/năm; Kienlongbank cũng vừa tăng lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm khi khách hàng gửi tiền từ 1 năm trở lên.

Ngoài những nhà băng trên, khách hàng gửi tiền tại VietCapital Bank, CBBank, NamABank… cũng đang được hưởng mức lãi suất rất cao, từ 8%/năm.

Ngay cả một số ngân hàng lớn như VPBank, Techcombank, Sacombank… cũng không thể đứng ngoài “cuộc đua”. Trong đó, hồi đầu tháng 10, VPBank đã tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn, theo đó lãi suất cao nhất gửi tại quầy lên tới 7,5% - 7,8%/năm.

Theo tích của Chứng khoán SSI (SSI Reseach), áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm. SSI cũng quan sát thấy động thái tăng mạnh lãi suất huy động và mặt bằng lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại hiện đã tăng khoảng 2-2,5% so với cuối năm 2021.

"Trên thực tế, cả các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc tài trợ nhu cầu vốn hoạt động. Các điều kiện trên thị trường vốn đang thắt chặt hơn với việc hạn mức tín dụng hạn chế, diễn biến trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều gặp nhiều khó khăn", chuyên gia của SSI Reseach nhận định.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi; đồng thời thanh khoản thị trường 1 chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó là nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm – Tết Nguyên đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Về phía các ngân hàng, kết quả khảo sát của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV năm 2022 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, các tổ chức tín dụng đánh giá mặt bằng lãi suất huy động-cho vay tiếp tục xu hướng tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2023.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán