“Cai” khí đốt Nga, châu Âu trả giá đắt?

(Banker.vn) Nga dù hứng chịu các lệnh cấm vận nhưng vẫn xuất khẩu được một lượng lớn khí đốt cho châu Âu.
Triển vọng “mờ mịt” của thỏa thuận khí đốt Nga - Ukraine Nhu cầu khí đốt ở châu Á tăng kỷ lục do thời tiết nắng nóng Việt Nam nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của Qatar tăng mạnh

Theo tờ Le Monde, do cố gắng giảm phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, châu Âu đã phải mua năng lượng với giá rất cao từ Mỹ hoặc Trung Quốc. Châu lục này có nguy cơ thất bại trong công cuộc tái công nghiệp hóa và phát triển công nghệ sạch.

Không thể nói châu Âu không nhận thức được vấn đề. Vào các năm 2006, 2009 và 2014, Moscow đã từng ngắt nguồn cung khí đốt do tranh chấp với chính quyền Ukraine, khiến Ủy ban châu Âu (EC) đã từng khẳng định vào năm 2014 là đã “nhận thức sâu sắc” về vấn đề đáng lo ngại này. Cùng lúc, EC cũng đã chuẩn bị một chiến lược về an ninh năng lượng nhưng trên thực tế “không dùng vào việc gì”.

Kết quả là 27 quốc gia thành viên tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga, vốn rất dồi dào và rất rẻ. Điều này đã giúp ích rất nhiều cho khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Đức. Việc chiến sự Nga-Ukraine nổ ra và sau đó khóa van các đường ống Nord Stream và Yamal đã khiến mọi thứ thay đổi hoàn toàn.

Tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga

Các nước châu Âu tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga, bởi Moscow chỉ khóa van các đường ống Nord Stream và Yamal, chứ không động chạm gì đến các tuyến khác. Đường ống Brotherhood (đi qua Ukraine, cung cấp cho Áo và Hungary) và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, hướng đến Bulgaria) vẫn tiếp tục phục vụ EU.

“Cai” khí đốt Nga, châu Âu trả giá đắt?
Lần đầu tiên sau hai năm, Nga lại vượt qua Mỹ để trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu - Ảnh: AP

Nhưng trên hết, EU đã tăng cường các giao dịch mua khí hóa lỏng (LNG) của Nga. Theo một báo cáo công bố vào tháng 4 của Cơ quan hợp tác điều tiết năng lượng châu Âu, lượng LNG nhập khẩu bằng đường biển vào EU năm 2021 đạt 13,5 tỷ m3, trong khi năm 2023 lên tới gần 18 tỷ m3. Chỉ riêng Pháp đã chiếm 29% trong tổng lượng nhập khẩu này, đưa đất nước hình lục lăng trở thành điểm đến thứ hai của khí đốt Nga tại châu Âu sau Tây Ban Nha (37%).

Thực tế châu Âu đã không hoàn toàn thoát khỏi khí đốt của Nga. Về tổng thể, cho dù một quốc gia như Áo vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ Moscow, tuy nhiên toàn bộ EU đã thực sự cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn cung này. Năm 2023, Nga chỉ còn cung cấp cho EU gần 43 tỷ m3 khí đốt - chiếm 15 % tổng lượng nhập khẩu của EU - giảm mạnh so với mức hơn 155 tỷ m3 (chiếm 45 % tổng lượng nhập khẩu khí đốt) vào năm 2021.

Đa dạng hóa nguồn cung

Để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung khí đốt Nga, các nước châu Âu buộc phải tìm kiếm các nhà cung cấp khác. Do đó, khối lượng LNG nhập khẩu từ Mỹ đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2021 - 2023. Mỹ hiện là nhà cung cấp LNG lớn nhất và là nhà cung cấp khí đốt thứ hai cho châu Âu (sau Na Uy, song trước Nga, Algeria và Qatar).

Những quốc gia trên chắc chắn đã giúp EU tránh được tình trạng gián đoạn nguồn cung, nhưng họ đã không dành cho châu Âu bất kỳ ưu đãi nào. Với việc hướng các hợp đồng dài hạn sang đối tác Mỹ, các nước châu Âu đã tạo ra một sự phụ thuộc mới mà nhiều người quan ngại về những hậu quả tiềm tàng trong trường hợp ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Cuối cùng, các hiệp hội bảo vệ môi trường lấy làm tiếc về việc thay thế năng lượng hóa thạch (khí đốt truyền thống) bằng một loại năng lượng hóa thạch khác (ở dạng hóa lỏng). Đặc biệt là khi loại hàng hóa này thậm chí còn gây hại cho trái đất hơn do có nguồn gốc từ khí đá phiến, được sản xuất tại Mỹ bằng phương pháp phân rã thủy lực - một phương pháp bị cấm ở Pháp từ năm 2011.

Đẩy mạnh sử dụng điện mặt trời, điện gió và thủy điện

Trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay, các nước châu Âu đã đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Tỷ trọng điện mặt trời, điện gió và thủy điện cũng tăng lên trong tiêu thụ năng lượng của các nước. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ trọng này đã đạt 23% vào năm 2022 so với mức 21,9% vào năm 2021. Theo khuôn khổ “Thỏa thuận Xanh”, với tham vọng trung hòa carbon vào năm 2050, EU đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 42,5% vào năm 2030.

Theo tổ chức tư vấn Ember của Anh, trong lĩnh vực sản xuất điện của châu Âu, tỷ trọng năng lượng tái tạo đã tăng lên 44% vào năm 2023. Ngược lại, khí đốt đang giảm dần (chiếm 16,8%), và điện gió lần đầu tiên vượt qua ngưỡng này, trong khi tỷ trọng than đá cũng sụt giảm (chiếm 12,3%). Năm 2023, “lần đầu tiên EU có thể sản xuất nhiều năng lượng từ tua bin gió hơn từ khí đốt”.

Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích to lớn về môi trường, nhưng việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo cũng gây ra những sự phụ thuộc mới.

Năng lượng hạt nhân

Hai tuần trước khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, Pháp có ý định khởi động xây dựng “ít nhất 6 lò phản ứng hạt nhân mới”. Với ông Macron, cuộc xung đột của Nga đã cho ông những lập luận mới để đề cập đến bối cảnh năng lượng châu Âu. Trong nhiều tháng, Pháp đã tích cực đấu tranh với Đức để năng lượng nguyên tử có thể được hưởng những ưu đãi tương tự như năng lượng tái tạo. Nhìn chung, Pháp còn muốn nhiều hơn nữa đối với năng lượng nguyên tử.

“Cai” khí đốt Nga, châu Âu trả giá đắt?
Tháng 5/2024, nguồn cung khí tự nhiên và LNG từ Nga chiếm tới 15% tổng lượng nhập khẩu của các nước châu Âu, trong khi LNG của Mỹ chiếm 14% nguồn cung cho thị trường. Ảnh: Pixabay

Trong bài phát biểu lần thứ hai tại Sorbonne vào tháng 4/2024, Tổng thống Macron đã kêu gọi các nước thành viên EU “đảm trách xây dựng châu Âu nguyên tử”. Paris có ý định thúc đẩy mục tiêu bằng cách dựa vào “liên minh hạt nhân” quy tụ 11 quốc gia xung quanh Pháp, trong đó có 5 quốc gia có lò phản ứng do Liên Xô thiết kế (Bulgaria, Cộng hòa Séc, Hungary, Phần Lan và Slovakia). Chống lại liên minh này là một nhóm không chính thức khác - “Những người bạn của năng lượng tái tạo” - tập hợp 13 quốc gia, trong đó có Đức, Áo và Luxembourg, không có ý định để kế hoạch của Pháp trở thành hiện thực.

Năng lượng nguyên tử vẫn là nguồn điện năng hàng đầu của EU (22,9% vào năm 2023), mặc dù 3 lò phản ứng cuối cùng của Đức đã đóng cửa vào tháng 4/2023.

Thị trường khí đốt ổn định

Sau đợt tăng vọt trước chiến sự do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, giá khí đốt đã bắt đầu giảm trở lại. Trong quý I năm nay, 1 MWh được giao dịch với giá dưới 30 Euro trên thị trường bán buôn Hà Lan. Mức giá này thấp hơn 10 lần so với thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng vào mùa Hè năm 2022.

Theo một nghiên cứu được Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính có trụ sở tại Washington công bố, nếu không tính đến yếu tố nhiệt độ ôn hòa bất thường, “mức tiêu thụ khí đốt ở châu Âu (gồm EU, Anh, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm”, xuống còn 452 tỷ m3 vào năm 2023 từ mức 472 tỷ m3 vào năm 2014.

Mặc dù đã giữ được sự ổn định về giá cả và tránh được việc phân bổ hạn mức, nhưng châu Âu vẫn phải trả giá rất đắt cho năng lượng.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương