Cadivi - ‘gà đẻ trứng vàng’ của GEE tiếp tục chi hàng trăm tỷ đồng trả cổ tức

(Banker.vn) Sau 2 lần thanh toán cổ tức với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng, Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi; HOSE: CAV) tiếp tục chi hơn 230 tỷ đồng trả cổ tức 2023 cho cổ đông.

Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam mới đây đã có thông báo chốt thời hạn chi trả cổ tức đợt cuối cùng cho năm 2023, với ngày thanh toán là 5/6/2024, tỷ lệ thực hiện 40%. Với 57,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Cadivi sẽ phải chi 230,4 tỷ đồng cho đợt thanh toán này.

Trước đó, Công ty đã 2 lần tạm ứng cổ tức 2023 với các tỷ lệ lần lượt là 40% và 20%. Như vậy sau 3 lần thanh toán, ‘ông lớn’ chuyên vật tư ngành điện này sẽ chi tổng cộng 576 tỷ đồng trả cổ tức 2023 cho cổ đông (tỷ lệ 100%), ngang bằng với mức chi năm 2022.

Với việc sở hữu hơn 55,45 triệu cổ phiếu CAV (tương đương nắm hơn 92,27% cổ phần Cadivi), Công ty CP Điện lực Gelex (UpCoM: GEE) sẽ bỏ túi hơn 554,5 tỷ đồng cổ tức 2023. Như vậy chỉ trong 2 năm 2022 và 2023, Điện lực Gelex đã thu về hơn 1.100 tỷ đồng cổ tức từ Cadivi, một con số khổng lồ.

Năm thứ 2 liên tiếp CADIVI chia cổ tức tỷ lệ 100%, trong đó hơn 1.100 tỷ đồng chảy về túi Gelex
Năm thứ 2 liên tiếp CADIVI chia cổ tức tỷ lệ 100%, trong đó hơn 1.100 tỷ đồng chảy về túi Gelex

Về tình hình kinh doanh, Cadivi khép lại quý đầu năm 2024 với kết quả khá ấn tượng. Doanh thu hợp nhất của Công ty đạt 2.485,7 tỷ đồng, tăng 22,5%; lãi gộp ở mức 223,3 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ.

Dù các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng, Cadivi vẫn lãi ròng hơn 79 tỷ đồng sau quý 1/2024, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Quy mô tài sản Công ty tăng thêm 566 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng, lên mức 4.449,2 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn ở mức 3.225,4 tỷ đồng, tăng gần 710 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng tiền và tương đương tiền tăng 2,75 lần sau 3 tháng, chạm mức 307,9 tỷ đồng.

Dù vậy, điểm tối là hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn đều tăng mạnh. Riêng các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng thêm 363,8 tỷ đồng so với đầu năm 2024, lên mức 816,1 tỷ đồng. Điều này cho thấy Cadivi đang bị khách hàng chiếm dụng vốn khá nhiều. Dòng tiền kinh doanh do vậy bị âm đến 207,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 60 tỷ đồng.

Công ty phải bù đắp dòng tiền từ việc đi vay, với hơn 1.207,4 tỷ đồng vay thêm chỉ sau 3 tháng đầu năm. Đến 31/3/2024, gánh nợ của Cadivi vượt mức 2.926,7 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm và cao gấp 1,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm đến 2.721,3 tỷ đồng, với gần 1.943 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn.

Chủ nợ lớn nhất trong ngắn hạn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương – Chi nhánh HCM với 2 khoản vay. Thứ nhất là khoản vay hơn 784,6 tỷ đồng, đóng lãi hàng tháng, đáo hạn vào 1/7/2024. Thứ hai là khoản vay 290,8 tỷ đồng, đóng lãi hàng tháng, đáo hạn vào 29/5/2024.

Các chủ nợ lớn khác trong ngắn hạn gồm Ngân hàng TMCP Công thương – Chi nhánh TP HCM (xấp xỉ 459 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đồng Nai (161,76 tỷ đồng); Ngân hàng HSBC Việt Nam (105 tỷ đồng)…

Ngoài ra, Công ty có tổng nợ vay dài hạn hơn 155,69 tỷ đồng, đều vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) vừa trúng thêm gói thầu tại Tổng công ty Điện lực Miền Trung

Liên danh gồm Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI, CAV) vừa được công bố trúng thêm 1 gói thầu tại Tổng công ...

CADIVI (CAV) đánh bại nhiều đối thủ, dành được gói thầu tại Truyền tải điện Quốc gia

Liên danh Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI, CAV) – Công ty TNHH Sản xuất Dây và Cáp điện Đại Long vừa ...

CADIVI muốn hủy niêm yết hơn 57 triệu cổ phiếu CAV, quyền lợi của cổ đông sẽ ra sao?

HĐQT Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI, CAV) sẽ trình ĐHCĐ thường niên 2024 thông qua việc hủy tư cách đại chúng ...

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục