Cách sử dụng vốn kinh doanh hiệu quả và an toàn

(Banker.vn) Nếu bạn không biết sử dụng nguồn vốn hiệu quả, thì dù có nhiều tiền đến mấy, bạn vẫn sẽ là kẻ thua cuộc. Bạn cần chuẩn bị kế hoạch tài chính cho riêng mình để sử dụng vốn thông minh giúp bạn có một khởi đầu thuận lợi.

Trang bị kiến thức cho bản thân

Khoản đầu tư trang bị kiến thức cho bản thân không bao giờ thua lỗ. Đây là chân lý được các nhà tỷ phú đúc kết lại. Như bạn đã biết, thị trường đầu tư (vàng, bất động sản, tiền ảo,…) luôn rộn ràng với nhiều hứa hẹn sinh lời trong tương lai. Dù vậy, các khoản đầu tư luôn bị chi phối bởi sự thay đổi của nhiều yếu tố như tình hình kinh tế, xã hội, chính sách nhà nước…

Việc đầu tư luôn tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức và không ngừng tìm hiểu, cập nhật kỹ càng khi đã bỏ vốn vào thị trường. Chính vì thế, phải không ngừng học hỏi kiến thức và những kỹ năng, làm tăng giá trị và năng lực của bản thân.

Cách sử dụng vốn kinh doanh hiệu quả và an toàn
Hình minh họa

Bỏ vốn để đầu tư nâng cao kiến thức luôn có thể “sinh lời” trong tương lai mà không bị tính thuế hay chịu ảnh hưởng bởi lạm phát. Học hỏi tạo nên nền tảng vững chắc để bạn phát triển tốt và bền vững trong tương lai.

Hiểu rõ các phương án đầu tư

Với một khoản vốn nhất định trong tay, bạn có vô số phương án đầu tư: Cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ, bất động sản, gửi ngân hàng, tích trữ các kim loại quý như vàng, bạc, kim cương… Các hình thức đầu tư trên tuy không quá phức tạp, nhưng đều yêu cầu bạn dành thời gian tìm hiểu để nắm rõ cách chúng vận hành và ra quyết định hợp lý.

Nếu bạn không phải người trong ngành, hãy đọc thêm sách chuyên môn, cập nhật thời báo kinh tế, tham gia một vài khóa học về tài chính, hoặc tìm kiếm lời khuyên từ những cố vấn đáng tin cậy.

Lên kế hoạch đầu tư lâu dài

Nhiều nhà đầu tư khi mới tham gia thị trường chứng khoán hay chọn “đánh nhanh thắng nhanh”: Mua bán ngắn hạn dựa trên sự lên xuống của cổ phiếu trong ngày và lấy lãi từ phần chênh lệch. Cách kiếm tiền này khá hiệu quả trong thời điểm thị trường có nhiều biến động, tuy nhiên lại đặc biệt may rủi và dễ khiến bạn rơi vào cảnh “ăn hôm nay không biết ngày mai”.

Vì vậy, để có lợi nhuận bền vững, bạn nên cân nhắc mua cổ phiếu của một số công ty cố định trong dài hạn (từ 10 tới 20 năm). Bí quyết ở đây là hãy xem xét kỹ lịch sử hoạt động của công ty trước khi quyết định đầu tư, đặc biệt chú ý tới quy mô tài sản hiện tại của công ty, tiềm năng sinh lời từ loại sản phẩm hay dịch vụ họ đang kinh doanh, chế độ đãi ngộ nhân viên, các hoạt động đóng góp cho cộng đồng, đối tác chiến lược của công ty, ….

Bạn có thể bắt đầu từ những nguồn thông tin sẵn có trên Internet như các bài viết truyền thông, mạng xã hội, phản hồi từ nhân viên trên diễn đàn tuyển dụng, hay báo cáo tài chính do công ty công bố. Sau đó, hãy sử dụng những mối quan hệ bạn có để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia đầu tư, cố vấn tài chính, kiểm toán viên, đối tác của công ty hoặc nhân viên trong chính công ty ấy. Nếu thông tin từ tất cả các nguồn bạn tìm thấy đều tích cực thì hãy mạnh dạn đầu tư, vì công ty đó rất có tiềm năng sẽ phát triển trong tương lai.

Đầu tư vào quỹ

Quỹ tương hỗ (“mutual fund”) là một quỹ được lập ra để đầu tư dàn trải nhiều loại cổ phiếu nhằm giảm thiểu rủi ro so với việc mua riêng lẻ từng cổ phiếu. Nếu chỉ dồn vốn đầu tư vào duy nhất một cổ phiếu, bạn sẽ bị phụ thuộc vào sự tăng hay giảm giá của cổ phiếu đó.

Quỹ tương hỗ giúp bạn tránh được sự phụ thuộc này khi dàn trải vốn đầu tư của bạn vào nhiều cổ phiếu với nhiều mức rủi ro khác nhau, để trong trường hợp một trong số các cổ phiếu đó giảm giá sẽ có những cổ phiếu khác đang ở mức ổn định bù lại. Việc đầu tư vào quỹ tương hỗ cũng vì thế an toàn hơn đối với người chưa có nhiều kinh nghiệm.

Xây dựng lộ trình sử dụng vốn

Mọi bản kế hoạch kinh doanh đều phải được xây dựng dựa theo lộ trình sử dụng nguồn vốn sao cho với cùng số vốn đó có thể sinh lời tối đa. Kế hoạch kinh doanh tốt sẽ cho thấy hiệu quả sử dụng vốn.

Trước tiên, cần lên kế hoạch phân bổ nguồn vốn hợp lý cho các chi phí cố định, lưu động. Khi bắt đầu kinh doanh sẽ cần một khoản chi phí lớn để thuê mặt bằng, trang thiết bị, nhân viên… Các khoản này có thể chiếm tới ⅔ số vốn. Sau khoảng 3 đến 5 tháng kinh doanh thì phí duy trì sẽ phải tính toán dựa theo phần trăm doanh thu. Phần còn lại của nguồn vốn được tính toán cho các bước tiếp theo.

Càng lên kế hoạch chi tiết cho nguồn vốn sẽ giúp công việc của bạn đi đúng hướng, các chỉ số đo lường sẽ giúp xác thực nguồn vốn của bạn có đang mang lại lợi nhuận hay không.

Diệp Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán