Cách phòng tránh và xử lý ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch

(Banker.vn) Đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, nếu không có kỹ năng xử lý kịp thời rất dễ để lại hậu quả đáng tiếc.
Hà Nội: Sau khi đi dã ngoại, nhiều học sinh tiểu học nghi ngộ độc thực phẩm Quảng Nam: 16 học sinh lớp 2 ngộ độc sau khi ăn kem ống trước cổng trường

Vì sao ngộ độc thực phẩm thường gặp khi đi du lịch?

Sở dĩ tình trạng ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra khi đi du lịch vì khi đi đến những vùng đất mới mọi người thường có thói quen thưởng thức món ăn mới. Chính sự mới, lạ, không hợp nên nhiều người bị rối loạn tiêu hóa.

Cách phòng tránh và xử lý ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch
Ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra khi đi du lịch (Ảnh minh họa)

Hơn nữa, đôi khi các nhà hàng hoặc quán ăn không tuân thủ quy định vệ sinh thực phẩm hoặc không chế biến thực phẩm đúng cách, dẫn đến sự lây lan của vi khuẩn và chất độc tố trong thực phẩm.

Tiếp xúc với nguồn nước không an toàn, nhất là ở những nơi chưa được xử lý hoặc có nhiều vi khuẩn, cũng có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Bất cẩn khi lưu trữ thực phẩm: Nếu thực phẩm không được lưu trữ ở nhiệt độ đúng hoặc được đóng gói và vận chuyển đầy đủ, nó có thể trở nên ôi thiu và gây ngộ độc thực phẩm.

Theo thống kê sơ bộ, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (38,7%), tiếp đến là độc tố tự nhiên (28,4%), hóa chất (4,2%) và các nguyên nhân khác.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia – chia sẻ, khi đi biển, nhiều người thích ăn các món hải sản, thậm chí ăn ngay trên bờ biển. Cách chế biến hải sản ngay trên bờ biển có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Bên cạnh đó, các món ăn hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, như tôm, cua, ghẹ, mực, sò, hàu… dễ gây dị ứng với người mẫn cảm và không tốt với người bị bệnh gout.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, thường bao gồm buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu không được xử lý kịp thời. Tùy từng loại ngộ độc có thể gây sốt hoặc có triệu chứng rối loạn về thần kinh. Mức độ biểu hiện của các triệu chứng phụ thuộc vào chủng ngộ độc.

Cách phòng tránh và điều trị

Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch nên chỉ ăn uống các loại thực phẩm chế biến đúng cách. Mang theo thuốc và dùng khi cần thiết. Không uống rượu quá nhiều, tránh sử dụng nước giải khát không đảm bảo nguồn gốc.

Đặc biệt với trẻ em, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ trước tiên phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ. Nên nhắc nhở, giám sát trẻ thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi. Vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc các bề mặt và sau khi đi đường về.

Khi có dấu hiệu bất thường như nôn, tiêu chảy kèm sốt sau khi tiếp xúc với các yếu tố có nghi ngờ cần được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh bị mất nước nhiều, gây rối loạn điện giải. Trong trường hợp mất điện giải nhiều nếu không được sơ cứu kịp thời có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Cách phòng tránh và xử lý ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch
Đảm bảo an toàn khi chế biến thực phẩm

Cũng nên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo sức khỏe của địa phương nơi đến, tuân thủ các quy định liên quan để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.

Chỉ mua thực phẩm từ nguồn đáng tin cậy và được công nhận; tránh ăn ở những nơi không đậy thức ăn; tránh ăn ở những nơi thức ăn không được che đậy, vì đây là những nơi vi trùng dễ phát triển.

Nhiều gia đình có thói quen đi du lịch tự nấu nướng thì cần giữ thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền. Nấu thức ăn đến nhiệt độ an toàn. Dùng nước xà phòng nóng để rửa dao thớt, đồ dùng làm bếp... có thể giúp tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Một số nhóm thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm:

Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra. Các loại kháng sinh thường được sử dụng bao gồm amoxicillin, ciprofloxacin, azithromycin và metronidazole.

Thuốc chống nôn và tiêu chảy: Các thuốc chống nôn và tiêu chảy được sử dụng để giảm các triệu chứng khó chịu như buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Thuốc bổ sung điện giải: Các loại thuốc bổ sung điện giải được sử dụng để giúp thay thế các chất điện giải bị mất đi do tiêu chảy.

Men vi sinh: Có thể giúp giảm các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, kiểm soát các đợt bệnh do thực phẩm trong tương lai.

Ngoài ra một số loại thực phẩm như gừng và trà gừng có thể giúp làm dịu dạ dày, cũng như các loại trà thảo mộc như bạc hà có thể giúp giảm nôn khan.

Theo các chuyên gia y tế, nếu có dấu hiệu bị ngộ độc, biện pháp sơ cứu ngay lập tức là gây nôn, nhằm hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, sau đó bù nước bằng orezol. Nếu người bệnh bị sốt, tiêu chảy kéo dài hơn 72 giờ và/hoặc nôn mửa nhiều lần, có dấu hiệu mất nước nặng cần đưa tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương