Cách phòng tránh nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt khi trời nắng nóng

(Banker.vn) Miền Bắc và miền Trung đang bước vào đợt nắng nóng cao điểm. Nắng nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt.
Chứng đột quỵ ở người cao tuổi và cách phòng tránh Bị đột quỵ nguy hiểm như thế nào đến tính mạng?

Đối tượng dễ bị đột quỵ khi thời tiết nắng nóng

Các bác sĩ nội tim mạch, Khoa Khám bệnh và nội khoa, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng - chia sẻ: Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là các đối tượng có tiền sử bị tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao.

Cách phòng tránh nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt khi trời nắng nóng
Nắng nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt

Trường hợp dễ bị đột quỵ, bao gồm: Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, người đang mắc bệnh mãn tính hay những người có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia...

Ngoài ra, người sống trong khu vực đô thị thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người cư trú ở vùng nông thôn. Nguyên nhân vì ban ngày trời nóng, những người ở thành phố chịu hiệu ứng đô thị, dẫn đến nhiệt độ môi trường đô thị thường tăng cao hơn mức nhiệt thời tiết. Trong khi đó, vào ban đêm lại xảy ra hiện tượng đảo nhiệt, tức là nhiệt độ từ đường nhựa, bê tông phả ra ngoài, khiến cho nhiệt độ buổi tối giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.

ThS.BS Nguyễn Duy Chinh - Khoa Các bệnh mạch máu, Bệnh viện Tim Hà Nội - lưu ý trẻ em, người già, đặc biệt người mắc bệnh mãn tính: Thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Các bác sĩ khuyến cáo, nguy cơ bị đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời dao động từ 32 độ C trở lên. Với mức nhiệt độ này, người dân không nên hoạt động mạnh ở ngoài trời, hay đang ngồi điều hòa trong nhà đột ngột ra ngoài đường vì dễ dẫn đến sốc nhiệt, đột quỵ tử vong.

Triệu chứng điển hình nhất của đột quỵ do nắng nóng: Nhiệt độ cơ thể tăng cao, kèm theo ngất xỉu, ngoài ra còn có một số biểu hiện khác, như: Đau nhức đầu; hoa mắt; da đỏ, khô; chuột rút, tê người; buồn nôn, nôn; tim đập nhanh; rối loạn tâm thần, mất phương hướng…

Phương pháp phòng ngừa

Đột quỵ mùa nắng nóng hoàn toàn có thể phòng ngừa và sơ cứu kịp thời nếu được phát hiện sớm. Theo các bác sĩ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu. Khi thấy người bệnh có các triệu chứng nêu trên người nhà cần nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu, tạo thông thoáng đường thở.

Tiếp đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở.

Để đề phòng đột quỵ, sốc nhiệt: Với người mắc bệnh tim mạch nên dùng máy điều hòa để làm mát. Khi dùng máy điều hòa, chỉ nên khống chế nhiệt độ ở khoảng 27 độ C và mức chênh lệch trong, ngoài phòng không nên vượt quá 7 độ C.

Ngoài ra, thời tiết nóng khiến cơ thể mất nhiều nước, do đó cần thường xuyên bổ sung đủ nước trong ngày. Việc này sẽ giúp tăng thể tích dịch cơ thể, tránh máu tăng đặc dẫn tới sự hình thành huyết khối (cục máu đông).

Nên tập thói quen khi không khát cũng phải uống đủ nước, vì hầu như người cao tuổi sẽ không cảm thấy khát nước. Có thể bổ sung nước qua việc uống nước ép trái cây, ăn bổ sung canh rau, củ quả mỗi ngày.

Khi ra ngoài cần bôi kem chống nắng để bảo vệ da, với chỉ số chống nắng từ 30 SPF trở lên. Nếu không thật sự cần thiết, nên hủy bỏ các hoạt động ngoài trời, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm và chiều muộn, khi ngoài trời đã tương đối dịu mát.

Hạn chế rượu bia hoặc cà phê, bởi thành phần cồn và cafein sẽ khiến cho cơ thể bị mất nước nhiều hơn, dễ dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng.

Trong điều kiện nắng nóng bất thường như hiện nay mọi người dân cần chú ý điều kiện tập luyện. Nếu không có việc quan trọng nên tránh ra đường thời điểm nắng nóng nhất thường từ 12 - 16 giờ.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương