Chiến lược trung bình hóa chi phí đầu tư
Chiến lược trung bình hóa chi phí đầu tư (tiếng Anh Dollar-Cost Averaging - DCA) là một chiến lược để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào thị trường. Cụ thể, đây là một chiến lược đầu tư mà trong đó, khoản tiền đầu tư được chia thành các khoản nhỏ hơn và được đầu tư riêng biệt, đều đặn theo các khoảng thời gian định trước như hàng tuần, tháng hay quý cho đến khi hết toàn bộ số vốn.
Mục tiêu của chiến lược là giảm ảnh hưởng của sự biến động đến giá của tài sản mục tiêu; vì giá có thể thay đổi mỗi khi một trong các khoản đầu tư định kỳ được thực hiện. Điều này giúp giảm rủi ro trong việc lỡ mua phải giá đỉnh khi thị trường đang quá cao.
Hình minh họa |
Cách thức hoạt động của phương pháp DCA
Cách thức hoạt động của chiến lược đầu tư DCA khá đơn giản. Sau khi đánh giá các yếu tố về giá, loại tài sản và biến động thị trường trong ngắn và dài hạn, nhà đầu tư sẽ phân bổ số vốn ban đầu thành các phần nhỏ hơn rồi đầu tư vào các tài sản tiềm năng đều đặn theo chu kỳ.
Theo đó, nhà đầu tư có xu hướng mua ít cổ phiếu hay chứng chỉ quỹ hơn khi giá cao và nhiều hơn khi giá thấp. Vì vậy, trước diễn biến bất thường của thị trường, nguồn vốn của nhà đầu tư vẫn được đảm bảo ở mức trung bình khi rủi ro thua lỗ được giảm xuống đáng kể.
Công thức tính trung bình giá DCA
Cách 1: Trung bình giá yếu: Số lượng mua mới sẽ ít hơn vốn ban đầu, khi đó giá trung bình sẽ giảm ít so với giá bán đầu
Ví dụ:
Lần 1 bạn mua 500 cổ phiếu A với giá 50.000đ
Lần 2 bạn mua 100 cổ phiếu A với giá 30.000đ
Khi đó, tổng bạn mua: 600 cổ phiếu
Giá trung bình bây giờ là: (500 x 50.000 + 100 x 30.000) : 600 = 46.666đ
Cách 2: Trung bình giá cân bằng: Khi đó số lượng mua mới sẽ bằng số lượng mua ban đầu. Khi đó giá trung bình mới sẽ bằng (giá mới + giá cũ)/2.
Ví dụ:
Lần 1 bạn mua 200 cổ phiếu A với giá 50.000đ
Lần 2 bạn mua 200 cổ phiếu A với giá 30.000đ
Khi đó, tổng bạn mua: 400 cổ phiếu
Giá trung bình bây giờ là: (50.000 +30.000)/2 = 40.000đ
Cách 3: Trung bình gia mạnh: Số lượng mua mới sẽ cao hơn vốn mua ban đầu, khi đó giá trung bình sẽ giảm nhiều so với giá ban đầu.
Ví dụ:
Lần 1 bạn mua 200 cổ phiếu A với giá 50.000đ
Lần 2 bạn mua 500 cổ phiếu A với giá 30.000đ
Khi đó, tổng bạn mua: 700 cổ phiếu
Giá trung bình bây giờ là: (200 x 50.000 + 500 x 30.000) : 700 = 35,714đ
Ưu, nhược điểm của chiến lược DCA
Ưu điểm
Sử dụng DCA giảm nguy cơ đầu tư cảm tính
Những người mới chưa có nhiều kinh nghiệm thường quyết định xuống tiền thường theo cảm tính. Nếu may mắn bạn sẽ kiếm lời, nhưng phần lớn bị thua lỗ do các quyết định đưa ra không có căn cứ mà chủ yếu theo linh cảm và tâm lý ăn may.
Nếu sử dụng DCA, nhà đầu tư giảm khả năng bị tác động bởi FOMO (Fear of missing out) thị trường. Bạn bắt buộc phải xây dựng kế hoạch đầu tư khoa học. Nếu có xuống tiền, bạn sẽ kiểm soát tốt hơn so với việc gặp mã nào thích, nghe đồn, tin người khác rồi mua bất chấp.
Không đặt nặng vấn đề đúng thời gian, đúng mã cụ thể
Dù bạn có dày dặn kinh nghiệm đến đâu vẫn có lúc đưa ra quyết định sai do nhận định ban đầu bị lệch bởi tác động từ thị trường. Với DCA, bạn không cần canh thời gian từng giây để vào lệnh hay chốt lệch. Vốn của bạn được trải đều trong suốt quá trình đầu tư nên nguy cơ vào lệnh sai thời điểm ít xảy ra.
Tiết kiệm chi phí đầu tư
Không cần có nguồn vốn quá lớn, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhất định trong khả năng là có thể áp dụng DCA vào đầu tư. Vốn sẽ được tích lũy dần như một khoản tiết kiệm. Đây là phương pháp đầu tư dài hạn, ít rủi ro hơn các phương pháp khác.
Tiết kiệm thời gian đầu tư
Nhà đầu tư không cần tập trung quá nhiều thời gian mỗi ngày để theo dõi biến động giá, biến động thị trường,… Chỉ cần áp dụng theo đúng chiến thuật DCA mình xây dựng là có thể đầu tư khoa học mà hiệu quả.
Lưu ý: không tốn nhiều thời gian không có nghĩa là bỏ qua việc theo dõi thị trường. Dù trong lĩnh vực nào, sân chơi nào có luật ở đó, phát hiện tín hiệu biến động trước giúp bạn đầu tư hiệu quả hơn.
Rút ngắn thời gian hòa vốn
Trung bình giá càng thấp, điểm hòa vốn càng gần. So với đầu tư tổng hợp (all in) thì điểm hòa vốn sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, DCA hòa vốn càng nhanh, khả năng sinh lời càng cao.
Nhược điểm
Nhược điểm đầu tiên phải kể đến chính là chi phí cho hoạt động giao dịch. Vì vốn được chia nhỏ ra nên bạn sẽ thực hiện nhiều giao dịch với khối lượng nhỏ theo chiến lược trung bình giá. Các giao dịch phát sinh bị tính phí, càng nhiều giao dịch thì phí càng cao.
Tiếp theo là lợi nhuận thấp hơn so với all in. Trường hợp bạn all in vào 1 mã tốt có tiềm năng phát triển, tiền kiếm được là rất lớn. Trường hợp bạn DCA vào các mã rác, nguy cơ trắng tay hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu bạn chấp nhận mức lợi nhuận thấp đồng nghĩa mức rủi ro cũng thấp.
Nhìn chung, DCA là phương pháp đầu tư phù hợp cho những ai có nguồn vốn khiêm tốn, không thích rủi ro, muốn sự an toàn trong quá trình đầu tư. Các nhà giao dịch muốn tận dụng sự thay đổi về giá chứng khoán để thu lợi khổng lồ thì DCA không phải là lựa chọn hàng đầu.
Đình Trọng
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|