Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,73%, giảm so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết 42.
Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020 và có số dư 384.960 tỷ đồng, chiếm 3,66% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.
Nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020 (đã sửa đổi, bổ sung) có nguy cơ chuyển thành nợ xấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).
Tính từ cuối năm 2017 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 677.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, tương đương khoảng 16.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý mỗi tháng.
Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 554.600 tỷ đồng (chiếm 81,92%); nợ xấu bán cho VAMC là 110.300 tỷ đồng (chiếm 16,29%); nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 12.100 tỷ đồng (chiếm 1,79%).
Riêng từ 30/6/2020 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 188.700 tỷ đồng nợ xấu nội bảng.
Theo báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống đến 30/6/2021 là 425.500 tỷ đồng , giảm 3,4% so với cuối năm 2020. Lũy kế từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 354.600 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 183.000 tỷ đồng (chiếm 51,61%); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 93.500 tỷ đồng (chiếm 26,37%); xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 78.100 tỷ đồng (chiếm 22,02%).
Tính riêng từ 30/6/2020 đến thời điểm 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 55.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Về tính hiệu quả, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 30/6/2021 đạt trung bình khoảng 5.950 tỷ đồng/tháng, cao hơn mức 2.430 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 – 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3.520 tỷ đồng/tháng).
Trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng trả nợ tăng cao.
Từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 136.500 tỷ đồng (chiếm 38,51% tổng nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý), cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả trung bình năm từ 2012 - 2017 nợ/tổng nợ xấu là khoảng 22,8%.
Anh Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|