Đánh giá về điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2022, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế, đảm bảo thanh khoản, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Bước sang năm 2023, VinaCapital dự báo: “tiền đồng Việt Nam sẽ không còn phải chịu áp lực, vì vậy các tình huống bất thường làm ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam khó có thể lặp lại”.
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital |
Phóng viên: Năm 2022 đã đi qua, thời điểm này khi nhìn lại, ông đánh giá như thế nào về những thành quả kinh tế Việt Nam đạt được?
Ông Michael Kokalari: GDP của Việt Nam tăng trưởng 8% trong năm nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2022. Ba yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay là: tiêu dùng nội địa, sản xuất và du lịch.
Về tiêu dùng: người tiêu dùng trong nước khá tự tin và bảng cân đối tài chính gia đình ở mức khá tốt – đặc biệt là so sánh với các nước trong khu vực. Một trong những yếu tố hỗ trợ cho sức tiêu dùng tăng là hiệu ứng giàu lên do giá bất động sản tăng lên trong những năm gần đây.
GDP của Việt Nam tăng trưởng 8% trong năm nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2022 |
Về sản xuất: nhu cầu đối với sản phẩm “Made in Việt Nam” tại Mỹ và các thị trường phát triển khác đang sụt giảm, ngày càng nhiều các nhà bán lẻ ở Mỹ cho biết họ có quá nhiều hàng tồn kho. Mặc dù nhu cầu về sản phẩm “Made in Việt Nam” đang bị sụt giảm nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng khoảng 10% trong năm nay, xuất khẩu tăng 15% và xuất khẩu qua thị trường Mỹ - vốn là thị trường lớn nhất của Việt Nam - tăng 20%. Sự tăng trưởng về sản xuất và xuất khẩu (đặc biệt sang thị trường Mỹ) là điều đáng ngạc nhiên trong năm nay, đó là do ngày càng có nhiều nhà sản xuất chuyển việc sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Về du lịch: lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2022 tương đương khoảng 20% so với thời kỳ trước COVID. Sự phục hồi này sẽ thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng GDP. Du lịch nước ngoài đóng góp khoảng 10% trong tổng GDP của Việt Nam trong thời kỳ trước COVID, do đó sự trở lại của du khách nước ngoài sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng trong năm nay và năm tới. Thêm vào đó, chúng tôi kỳ vọng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm tới sẽ đạt hơn một nửa so với trước COVID, mặc dù có vẻ như khách du lịch Trung Quốc – lượng khách chiếm 1/3 tổng số du khách nước ngoài đến Việt Nam – sẽ phải đến nửa sau năm 2023 mới trở lại Việt Nam.
Phóng viên: Năm 2022, NHNN liên tục có những biện pháp điều hành để ổn định thị trường: điều chỉnh biên độ tỷ giá, tăng lãi suất điều hành... Ông nhận định như thế nào về sự chủ động và linh hoạt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá trong năm qua?
Ông Michael Kokalari: Theo tôi, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt dựa trên diễn biến của thị trường và dự báo kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ này nhằm kiểm soát lạm phát trong năm nay ở mức trần mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế, đảm bảo thanh khoản, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Lạm phát ở Việt Nam khoảng 4%. Một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát ở các nước trên thế giới là chi tiêu và kích cầu tiêu dùng quá lớn mà các chính phủ đã làm để đối phó với COVID. Kinh tế Việt Nam về bản chất là mạnh, vì vậy chính phủ không cần phải chi tiêu nhiều (tính theo tỷ lệ phần trăm GDP) như hầu hết các nước khác – bao gồm các thị trường mới nổi và cận biên – đó là lý do lạm phát ở Việt Nam thấp so với hầu hết các nước. Thêm vào đó, Việt Nam đang có thặng dư ngân sách khoảng 3% GDP, là một trong số ít các nước trên thế giới mà thu ngân sách nhiều hơn chi - điều này lần nữa giải thích tại sao lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp so với hầu hết các nước trên thế giới.
Đồng Việt Nam cũng mất giá gần 9% so với đầu năm, chủ yếu là do sự tăng mạnh của đồng Đô la Mỹ. Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 3% GDP và nguồn vốn FDI cộng với lượng kiều hối của kiều bào Việt Nam có thể đạt gần 10% GDP năm nay – vì vậy giá trị của đồng Việt Nam được hỗ trợ tốt bởi các yếu tố cơ bản.
NHNN đã tăng lãi suất 2 lần trong năm nay – một lần vào cuối tháng 9 và một lần nữa vào cuối tháng 10. Theo chúng tôi, NHNN tăng lãi suất để bảo vệ tiền đồng Việt Nam, không phải để chống lạm phát – trái ngược với hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới là tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có lãi suất tiền gửi thực dương (lãi suất huy động tiền gửi cao hơn mức lạm phát). Ngoài ra, NHNN cũng bơm một lượng lớn ngoại tệ từ quỹ dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, khiến dự trữ ngoại hối giảm xuống. Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ nhanh chóng xây dựng lại quỹ dự trữ ngoại hối vào đầu năm tới, đặc biệt trong khoảng thời gian Tết âm lịch, là thời điểm mà lượng tiền kiều hối chuyển về mạnh nhất.
Phóng viên: Ông có dự báo như thế nào về những cơ hội và thách thức của ngành Ngân hàng trong năm 2023? Để vượt qua khó khăn, thách thức đó, theo ông, vai trò của NHNN cần được thể hiện như thế nào trong năm 2023?.
Ông Michael Kokalari: Thách thức chủ yếu mà các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt trong năm 2023 là tình hình thanh khoản do tăng trưởng tín dụng vượt xa mức tăng trưởng tiền gửi từ đầu năm đến nay, mặc dù thực tế các ngân hàng cũng đã tăng lãi suất tiền gửi để thu hút người gửi tiền. Tính đến cuối quý III, lượng tiền gửi chỉ tăng 4% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 11%. Chúng tôi ước tính tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện ở mức gần 110%, mức mà hầu hết các nhà phân tích cho là rủi ro (tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của toàn hệ thống khoảng 90% sẽ là hợp lý hơn cho Việt Nam). Một phần lý do tại sao tăng trưởng tiền gửi thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng trong năm nay có liên quan đến các bước mà NHNN đã thực hiện để bảo vệ đồng Việt Nam. Chúng tôi cho rằng tiền đồng Việt Nam sẽ không còn phải chịu áp lực trong năm tới, vì vậy các tình huống bất thường làm ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam khó có thể lặp lại.
Khó khăn lâu dài ngành Ngân hàng phải đối mặt là huy động vốn (lưu ý là hầu hết các ngân hàng Việt Nam không cần huy động vốn để duy trì hoạt động hay xóa nợ xấu mà cần vốn để tiếp tục tăng trưởng). Có khả năng Chính phủ sẽ cần mở rộng giới hạn sở hữu nước ngoài cho các ngân hàng để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng cổ phần ở các ngân hàng Việt Nam - đồng thời mang đến nguồn vốn và kinh nghiệm chuyên môn giúp các ngân hàng trong nước phát triển nhanh hơn. Điều cuối cùng mang đến cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam, đó là tiềm năng tăng trưởng to lớn của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới và mức độ thâm nhập của tín dụng tiêu dùng và cho vay thế chấp mua nhà ở Việt Nam còn tương đối thấp.
Phóng viên: Với thị trường chứng khoán Việt Nam thì sao, ông có dự báo như thế nào trong năm 2023?
Ông Michael Kokalari: Chúng tôi vẫn lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn. Sự hấp dẫn của thị trường trong trung và dài hạn xoay quanh câu chuyện tăng trưởng dài hạn một cách bền vững và có tính hệ thống, mục tiêu và cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ, tiếp tục cải cách các chính sách và hoạt động của thị trường.
Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trơngr EPS cao nhất châu Á trong năm 2023 |
Riêng về năm 2023, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn vì một số lý do như sau:
Sự hỗ trợ từ mức định giá: Định giá tỷ số giữa thị giá hiện tại trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của thị trường hiện đã thấp kỷ lục trong vòng 15 năm gần nhất.
Mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết: Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất châu Á trong năm 2023.
Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á: Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ là chất xúc tác cho tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết.
Cải thiện về quản trị: Việc kiên quyết xử lý những sai phạm trên thị trường có tác động tích cực về lâu dài đối với sự phát triển của thị trường Việt Nam, bất chấp việc có những tâm lý lo lắng trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lưu ý rằng một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong năm 2022 là vấn đề thanh khoản dẫn đến việc các nhà đầu tư phải bán tháo cổ phiếu đã mua bằng tiền vay. Nếu thị trường giảm điểm vì lý do này thì cũng sẽ phục hồi rất nhanh chóng, nhưng nếu thị trường giảm điểm vì những vấn đề của nền kinh tế thì sẽ mất rất lâu mới có thể hồi phục. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt và dự báo sẽ tăng trưởng ổn định trong năm sau, giữa bối cảnh mà nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể.
Chúng ta có thể kỳ vọng rằng Việt Nam nhiều khả năng sẽ quay lại trở thành một trong những thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới trong năm 2023.
Phóng viên: Trong bức tranh chung của kinh tế Việt Nam năm 2022, đâu là những điểm cần cải thiện để kinh tế Việt Nam phát triển ổn định hơn trong năm 2023, thưa ông?
Sự trở lại du khách nước ngoài sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng trong năm nay và năm tới |
Ông Michael Kokalari: Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại từ mức 8% năm 2022 xuống còn 5,5% vào năm 2023, dựa trên phân tích và dự báo của 4 yếu tố chủ chốt: mức tăng trưởng tiêu dùng nội địa, nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm “Made in Vietnam”, đầu tư hạ tầng và sự trở lại của du khách quốc tế. Chúng tôi dự báo tăng trưởng tiêu dùng nội địa sẽ giảm từ 15% năm 2022 còn 7% trong năm 2023, khi hiệu ứng Việt Nam mở cửa trở lại sau COVID lắng xuống. So với mức tăng trưởng trung bình 8-9%/năm trước COVID thì mức tăng 7% dự kiến trong năm sau vẫn rất tích cực và thể hiện nhu cầu cũng như khả năng chi tiêu mạnh mẽ của người dân Việt Nam. Chúng tôi cũng tính đến yếu tố lãi suất tăng cao hơn, nhưng do mức tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn thấp nên ảnh hưởng của lãi suất lên tăng trưởng tiêu dùng trong nước năm 2023 cũng sẽ ít hơn các thị trường mới nổi trong khu vực vốn có mức tín dụng tiêu dùng cao hơn nhiều (ví dụ: mức tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vào khoảng 35% GDP, trong khi con số này ở Thái Lan và Malaysia là gần 90%...).
Ngược lại, với triển vọng của tình hình tiêu dùng nội địa, ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ không có triển vọng tốt bởi nhu cầu cho sản phẩm “Made in Vietnam” đang sụt giảm khi nền kinh tế Mỹ và các nước phát triển đang trên đà suy thoái. Kế đến, trái ngược với dự báo “trung lập” về tiêu dùng nội địa và “tiêu cực” đối với ngành sản xuất trong năm 2023, chúng tôi tin rằng lực đẩy từ du lịch quốc tế và đầu tư hạ tầng sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam trong năm sau. Như đã đề cập, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay dự kiến sẽ đạt mức 20% so với trước COVID và có thể lên đến mức 50% vào năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Lưu ý rằng, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở cửa toàn diện vào nửa cuối năm sau và khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trước COVID.
Cuối cùng, chúng tôi rất lạc quan với việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng trong những tháng cuối năm 2022 và chỉ đạo gần đây của Chính phủ tăng cường giải ngân đầu tư công trong năm sau. Cụ thể, chi tiêu đầu tư hạ tầng đã tăng gần 20% so với cùng kỳ trong 11 tháng của năm 2022, sau vài tháng ghi nhận mức tăng trưởng gần 2 con số so với tháng trước đó và định hướng tăng trưởng khoảng 40% trong năm 2023. Phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn và đẩy mạnh đầu tư công cũng là biện pháp dễ nhất để Chính phủ đảm bảo tăng trưởng GDP của Việt Nam trước những thách thức của suy thoái toàn cầu.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lan Nguyễn (thực hiện) -
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|