Các sàn thương mại điện tử "lên ngôi" trong đại dịch Covid-19

(Banker.vn) Đại dịch Covid-19 là cơn "ác mộng" đối với nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới nhưng sự xuất hiện này đã góp phần đẩy mạnh phát triển ngành thương mại điện tử (TMĐT).

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay

Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

Công ty mẹ của Shopee tiếp tục “lao dốc”, doanh thu tăng chậm nhất 4 năm

Trong vòng hai năm 2020 và 2021, Việt Nam phải trải qua 4 đợt bùng phát Covid-19 với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính riêng năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng nhẹ 2,6% với sự sụt giảm của hàng loạt lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, lưu trú, ăn uống, vận tải, kho bãi.

Tuy nhiên, Covid-19 cũng là chất xúc tác thúc đẩy lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam với mức tăng trưởng giai đoạn 2020-2021 lần lượt đạt 15% và 20%. Ước tính trong năm 2021, quy mô của TMĐT có thể vượt con số 16 tỷ USD.

0023-tmdt
Ảnh minh họa

Đánh giá về vai trò của Covid-19, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho rằng đây là chất xúc tác giúp TMĐT phát triển nhanh và mạnh hơn. Nhìn chung, việc lĩnh vực TMĐT của một quốc gia thuộc ASEAN tăng trưởng hai con số trong đại dịch là điều hiếm có.

Shopee - sàn TMĐT dẫn đầu thị phần tại Việt Nam - cho biết những thách thức, khó khăn từ dịch bệnh đã thúc đẩy doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển đổi cách vận hành kinh doanh, mua sắm, thanh toán sang hình thức trực tuyến.

Trong năm 2021, số lượng nhà bán hàng thuộc nền tảng tại khu vực lân cận các thành phố lớn tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, số lượng người dùng Shopee ở khu vực này cũng tăng mạnh khoảng 40%.

Đồng quan điểm, Tiki cho rằng thị trường TMĐT Việt Nam vốn có nhiều lợi thế tăng trưởng ngay từ ban đầu. Song, sự tác động của Covid-19 và tình trạng giãn cách xã hội đã đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành nhanh hơn dự kiến.

Đối với Lazada, trong một khảo sát hợp tác với Milieu Insight thực hiện vào đầu năm 2022, sàn chỉ ra 81% người dùng Việt Nam xem việc mua sắm trực tuyến là thói quen không thể thiếu mỗi ngày. Tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần/tuần dao động khoảng 59%.

Thực tế cho thấy, các nền tảng thương mại điện tử đã góp phần mở ra cơ hội mua sắm phong phú, đa dạng cho những người sống ở các thành phố nhỏ, phụ cận và cả khu vực nông thôn; kết nối người tiêu dùng trẻ và sống tại những vùng ven đô đến với nhiều thương hiệu quốc tế. Một tính năng giúp việc mua hàng xuyên biên giới trên nền tảng kỹ thuật số trở nên dễ dàng hơn chính là sự hiện diện của các loại ví điện tử, có thể được sử dụng để mua bất kỳ một sản phẩm nào trên nền tảng.

Những xu hướng phát triển nổi bật

Trong tương lai, để thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng như đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng, thương mại điện tử sẽ hướng đến một số xu hướng phát triển nổi bật.

Sự nổi lên của các nhãn hiệu độc lập: Trong vài năm qua, mô hình kinh doanh mà trong đó doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng (qua cửa hàng chính hãng, website, thương mại điện tử) mà không cần qua bất kỳ một kênh phân phối nào- đã bùng nổ, giúp các thương hiệu tiếp cận trực tiếp với khách hàng và đạt lợi nhuận tốt, đồng thời giúp khách hàng tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, với mức giá thấp hơn. Tuy nhiên, giờ đây, xu hướng này đang thay đổi. Doanh số bán hàng nhãn hiệu riêng cao cấp đang gia tăng, khách hàng đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm có thương hiệu riêng để tiếp cận những sản phẩm cao cấp và trải nghiệm mua sắm tốt hơn.

Đa dạng kênh mua sắm: Trên thực tế, thói quen của người mua sắm sẽ là sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số. Điều quan trọng đối với các trang thương mại điện tử là phải làm cho việc chuyển đổi giữa các kênh mua bán trở nên dễ dàng nhất có thể đối với người tiêu dùng để sau đại dịch họ vẫn có thể thích ứng với những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Sự hỗ trợ của AI: Trí tuệ nhân tạo (AI) từ lâu đã được sử dụng trong thương mại điện tử để đưa ra các đề xuất chọn lọc thông minh về sản phẩm, giúp khách hàng hình dung về sản phẩm tốt hơn và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các thắc mắc của khách hàng. Thời gian tới, AI sẽ giúp các công ty thương mại điện tử tìm kiếm khách hàng, phân tích các xu hướng hiện tại cùng với sản phẩm, kênh bán hàng, khách hàng và hành vi của người mua để xác định các kênh mua sắm, thời gian và giá tốt nhất để niêm yết sản phẩm.

Thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025

Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử (TMĐT) nửa đầu năm 2022 của Metric.vn, trong bối cảnh TMĐT Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 đang trên đà phát triển vượt bậc, thì Việt Nam đang trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng - đời sống là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.

Với mức tăng trưởng hiện nay, hãng Statista cũng đưa ra nhận định quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và có thể cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.

Minh Phương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán