Các phiên giải trình đã giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”

(Banker.vn) Việc tổ chức các phiên giải trình đã góp phần làm rõ, giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, bức xúc trong đời sống xã hội, những vấn đề “nóng”.
Bài cuối: Kỳ vọng từ Phiên giải trình Kiểm toán nhà nước: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng giải trình theo yêu cầu Làm rõ nguyên nhân các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện

Hoạt động giải trình ngày càng được quan tâm

Tiếp tục thực hiện dự kiến chương trình phiên họp thứ 28, chiều 13/12, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Các phiên giải trình đã giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 được ban hành, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tính từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện được 31 phiên giải trình, trong đó có một số phiên giải trình do 2 Ủy ban cùng phối hợp tổ chức.

Việc tổ chức các phiên giải trình đã góp phần làm rõ, giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, bức xúc trong đời sống xã hội, những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, được cử tri và nhân dân quan tâm; qua đó, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tuy đã được quy định cơ bản trong một số văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân..., nhưng các quy định mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, nên việc tổ chức các phiên giải trình cũng còn gặp không ít khó khăn, lúng túng, thiếu thống nhất trong việc quyết định lựa chọn vấn đề giải trình; việc xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức phiên giải trình, kết luận vấn đề được giải trình; việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá thực hiện kết luận vấn đề được giải trình...

Do đó, chưa tạo được tính chủ động cho các chủ thể yêu cầu giải trình, người được yêu cầu giải trình, cá nhân, tổ chức có liên quan, cũng như các cơ quan, đơn vị phục vụ hoạt động giải trình; thiếu thông tin mang tính phản biện, thiếu sự tham dự của chuyên gia hoặc đối tượng chịu tác động của chính sách nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giải trình.

Xuất phát từ tình hình nêu trên, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế, nhất là về trình tự, thủ tục, bảo đảm yêu cầu “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội” thì việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thống nhất, đưa công tác giải trình đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội như Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 3/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội đã đặt ra.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng gồm 4 chương 21 điều: Chương I về Những quy định chung (gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II về Trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình (gồm 8 điều chia thành 2 mục, từ Điều 9 đến Điều 16); Chương III về Thực hiện Kết luận vấn đề được giải trình và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận vấn đề giải trình (gồm 3 điều, từ Điều 17 đến Điều 19); Chương IV về Điều khoản thi hành (gồm 2 điều, Điều 20 và Điều 21).

"Cẩm nang" hướng dẫn thực hiện thống nhất việc tổ chức hoạt động giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để hướng dẫn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện hoạt động giải trình một cách đồng bộ, thống nhất.

Các phiên giải trình đã giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Đồng thời, đây là nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 370/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định việc ban hành Nghị quyết là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

"Hồ sơ dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị công phu, bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại Điều 19 của Quy chế làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét" - ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng tình với cơ quan soạn thảo và cho rằng Nghị quyết này không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là văn bản hướng dẫn có tính chất cẩm nang để hướng dẫn thực hiện thống nhất việc tổ chức hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Hiện nay, các quy định về hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cơ bản mang tính quy định khung, nguyên tắc, nhiều nội dung chưa cụ thể, gây khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện.

Các phiên giải trình đã giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

Do đó, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, căn cứ quy định tại Điều 43 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và quy định của các luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện phương thức giám sát này sẽ tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ sở để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội triển khai áp dụng đồng bộ, thống nhất.

Nghị quyết không đặt ra các quy định mới mà cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện quy định trong các luật có liên quan về lựa chọn, quyết định nội dung giải trình, trình tự tổ chức hoạt động giải trình, thực hiện kết luận giải trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan… tương tự như nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật và nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương