Các nhà lãnh đạo cân nhắc về ESG và vai trò của dữ liệu trong việc tạo ra doanh nghiệp bền vững

(Banker.vn) Một trong những điểm thảo luận quan trọng thu hút các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kể từ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 và COP27 lần lượt ở tổ chức tại Scotland và Ai Cập là vai trò của Fintech trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh bền vững hơn.

Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác nhận được phản ánh về việc các tập đoàn và ngành công nghiệp thiếu hành động rõ ràng, cùng với “hàng loạt lời hứa hẹn về khí hậu bị phá vỡ”.

Đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng đứt gẫy và xung đột Nga - Ukraine được cho là nguyên nhân khiến các tập đoàn rút lại các cam kết về môi trường chẳng hạn như đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C.

Tuy nhiên, nhờ sức mạnh song hành của Fintech trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và công nghệ, nhiều doanh nghiệp có sức ảnh hưởng đã phát biểu tại Lễ hội Fintech Singapore (SFF) 2022 về những gì Fintech có thể đóng góp cho các nỗ lực phát triển bền vững toàn cầu. Theo ông Antony Ruddenklau, đối tác của KPMG và Trưởng bộ phận Fintech toàn cầu, những thay đổi về quy định khiến KPMG kỳ vọng thị trường Fintech toàn cầu sẽ tăng từ 21 tỷ USD vào năm ngoái lên hơn 160 tỷ USD trong 5 năm tới.

“Fintech có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc phá vỡ tính trì trệ, sắp xếp các nguồn lực cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa nguồn vốn hiện tại cho các giải pháp ​​bền vững, môi trường - xã hội, quản trị (ESG) và khoản đầu tư dự kiến ​​cần thiết để đáp ứng nhu cầu toàn cầu”, ông Sopnendu Mohanty, Giám đốc Công nghệ tài chính của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Elevandi đã viết trong lời tựa của báo cáo chuyên sâu về SFF 2022 'Sử dụng công nghệ tài chính để tạo ra một tương lai bền vững'.

Fintech có thể thúc đẩy dòng vốn luân chuyển

Về mặt tích cực, phát triển bền vững và các thông lệ thực hành có ý thức về khí hậu luôn nằm trong chương trình nghị sự của những nhà lãnh đạo Fintech. Eric Lim, Giám đốc phụ trách phát triển bền vững của Ngân hàng United Overseas nhấn mạnh, 100 quốc gia và khoảng 1/3 công ty lớn nhất thế giới đã cam kết thực hiện các mục tiêu xanh và đầu tư tài chính cho các dự án phát triển bền vững, tăng gấp 100 lần so với thập kỷ trước.

Ông Eric cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lớn nhất mà con người từng biết đến, khoản đầu tư ước tính trị giá 100 nghìn tỷ USD trong vòng 28 năm tới. Và chúng tôi sẽ cần tất cả các đối tác trong hệ sinh thái của mình phối hợp cùng đi theo một hướng.”

Một báo cáo vào tháng 1/2022 của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) ước tính, sẽ cần khoảng 9,2 nghìn tỷ USD vốn mỗi năm, từ năm 2026 đến năm 2050, để hướng tới một tương lai trung hòa carbon. Tổng số tiền đó sẽ là 275 nghìn tỷ USD để đạt được mục tiêu năm 2050.

Theo báo cáo của Insights, Fintech có thể đóng một vai trò quan trọng trong hỗ trợ huy động vốn cho quá trình chuyển đổi này. Nghiên cứu của MGI cho thấy, 4,7 nghìn tỷ USD hiện đang được chi tiêu cho việc phân bổ lại từ tài sản phát thải cao sang tài sản phát thải thấp, tiếp tục chi tiêu cho tài sản phát thải thấp cũng như tài sản phát thải cao. Chỉ có 3,5 nghìn tỷ USD tài trợ mới được đưa vào tài sản phát thải thấp và hỗ trợ cơ sở hạ tầng.

Các nhà lãnh đạo cân nhắc về vai trò của dữ liệu trong việc tạo ra doanh nghiệp bền vững. Nguồn: 

Khuyến khích đổi mới bền vững từ lĩnh vực Fintech

Sự bất ổn về địa chính trị và kinh tế trong năm qua đã khiến nhiều tổ chức trì hoãn các giải pháp thay thế xanh như năng lượng tái tạo cho nhiên liệu hóa thạch.

Fintech có thể khai thác lợi thế kỹ thuật để khuyến khích sử dụng các giải pháp bền vững phù hợp hơn và ít ảnh hưởng đến lợi nhuận theo thời gian. Bà Kattiya Indaravijaya, Giám đốc điều hành của Kasikornbank Thái Lan cho biết: “Chúng tôi phải cân bằng tốc độ thực hiện, chi phí và các khía cạnh khác như ổn định năng lượng. Sẽ luôn có sự đánh đổi giữa chi phí chuyển đổi và tốc độ hoặc sự sẵn có của nguyên liệu thô”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có cơ hội khi biết tận dụng lợi thế của mình. Phân tích của McKinsey về 11 danh mục ngành cho thấy, sản lượng xanh có thể vượt 12 triệu USD doanh thu hàng năm vào năm 2030.

Giá trị dịch vụ phát triển bền vững của Mckinsey năm 2030

Khuyến khích tính trách nhiệm về tiêu thụ carbon

Ông Jonathan Larsen, Giám đốc Đổi mới của công ty bảo hiểm Trung Quốc Ping An cho biết, công ty này hiện cung cấp cho 110 triệu chủ thẻ với các tùy chọn tạo tài khoản carbon cá nhân và theo dõi tác động tích lũy của lượng khí thải carbon thông qua lịch sử mua hàng.

Jonathan chỉ ra rằng, xếp hạng biến đổi khí hậu tạo cơ hội sinh lời cho các nhà cung cấp dịch vụ có khả năng thu thập dữ liệu phù hợp, cung cấp cấu trúc phù hợp và tạo ra sự liên kết phù hợp với các chính phủ và siêu quốc gia.

Khoản tài trợ năm 2021 cho lĩnh vực công nghệ tài chính với chương trình nghị sự bền vững (những chương trình đưa cơ chế ESG trực tiếp vào sản phẩm và hoạt động của doanh nghiệp, thường được gọi là 'Fintechs for Good') đã vượt qua 2 tỷ USD. Theo Khảo sát ngân hàng bán lẻ toàn cầu của McKinsey năm 2021, mức tài trợ đã tăng gấp đôi trung bình hàng năm kể từ năm 2017, với hơn một nửa số tiền tài trợ cho ESG của Fintech hướng tới các hoạt động ngân hàng bền vững. Lĩnh vực tăng trưởng lớn nhất là về dữ liệu ESG thông minh và phân tích dữ liệu liên quan đến theo dõi lượng khí thải carbon, nhưng với số tiền tài trợ trung bình tăng gấp đôi hàng năm kể từ năm 2017.

Phân mảnh khu vực dữ liệu xanh

Trên thực tế, dữ liệu sẽ rất quan trọng để xác định sự đổi mới của Fintech có thể hỗ trợ hiệu quả cho phát triển bền vững hay không, nhưng thông tin có thể sử dụng được lại khan hiếm. Ông Antony của KPMG chỉ trích việc thiếu dữ liệu này và nhấn mạnh: “Chúng ta cần thay đổi hệ thống và hệ thống phải được dẫn dắt bởi dữ liệu và hành vi”.

“Dữ liệu tốt là nền tảng thúc đẩy chương trình chuyển đổi số và tài chính xanh”, ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành của MAS nói. “Chất lượng dữ liệu là chìa khóa trong cuộc chiến chống lại hành vi tẩy rửa xanh và cho phép các bên liên quan đưa ra các quyết định đầu tư ESG sáng suốt”.

Ông Helge Muenkel, Giám đốc Phát triển bền vững của Ngân hàng DBS đã chỉ ra rằng, một trong những trở ngại đối với dữ liệu ESG là cần thời gian dài để ghi lại và diễn giải dữ liệu, phát hiện xu hướng và nghiên cứu sự bất thường.

Ông Helge tin rằng, các tổ chức cần dữ liệu tốt hơn để đưa ra quyết định sáng suốt về cách phân bổ vốn khi sử dụng dữ liệu và các công cụ phân tích mới về quá trình khử cacbon.

Có dữ liệu là một chuyện, nhưng xác định dữ liệu đó, thu thập, lưu trữ và trình bày đúng thông tin lại là một thách thức hoàn toàn khác. Bà Manjula Lee, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của World Wide Generation, người tạo ra nền tảng theo dõi tính bền vững G17Eco, cho biết: “Tất cả chúng ta cần phải xem xét cùng một nguồn dữ liệu đáng tin cậy và có thể so sánh được.”

“Chúng ta cần khả năng so sánh lớn hơn và tạo ra một cơ chế và tiêu chuẩn tốt hơn,” Giám đốc điều hành Prudential Mark Fitzpatrick nói thêm.

Đổi mới Fintech có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh bền vững

Dữ liệu được chuẩn hóa là một lợi thế, độ chính xác và độ tin cậy của dữ liệu có thể được tăng cường với các công nghệ đổi mới khác như AI, chuỗi khối và tự động hóa. Ông Liu Feng Yuan, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của nhà cung cấp giải pháp AI Aicadium Singapore, nhận xét : “Bạn chỉ có thể cam kết với những gì có thể đo lường được, đó là nơi mà Big Data và AI giữ vai trò quan trọng”.

Theo ông John Lee, Giám đốc điều hành và Trưởng nhóm toàn cầu về tài sản kỹ thuật số của Accenture, công nghệ chuỗi khối rất hữu dụng để lưu giữ các hồ sơ bất biến. Giờ đây, công nghệ sổ cái phân tán đã được ghép nối với trái phiếu xanh để xác minh mức độ thân thiện với khí hậu của các hồ sơ. Với điều này, khả năng hiển thị và tính minh bạch của thông tin đã tăng lên đáng kể, còn chi phí sẽ giảm.

Ông Wu Shiwei, Giám đốc Công nghệ của Huawei Cloud APAC, đã trình bày cách Fintech có thể giúp cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) để trở nên bền vững hơn bằng cách tự động hóa báo cáo. SMEs chiếm khoảng 70% việc làm và sản lượng kinh tế trên toàn thế giới, nhưng có nguồn lực ít hơn so với các đối tác doanh nghiệp để đưa ra các quyết định sáng suốt về phát triển bền vững, do đó, các quy trình tự động hóa có thể giúp lấp đầy khoảng trống thông tin trong khi sử dụng ít vốn nhân lực hơn.

Tuy nhiên, những đột phá công nghệ như vậy cũng tồn tại hạn chế và Fintech cần khám phá các hoạt động tiêu dùng bền vững. Chẳng hạn, công nghệ chuỗi khối đã làm phát sinh lượng điện sử dụng rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực tiền mã hóa.

Ông Vitalik Buterin, người đồng sáng lập của tiền mã hóa Ethereum, vui mừng thông báo, bằng cách chuyển từ thuật toán 'Proof of Work' tiêu chuẩn sang thuật toán Proof of Stake, năng lượng đã ít tiêu tốn hơn vào tháng 9/2022. Trước đó, Ethereum đã cạn kiệt năng lượng tiêu thụ lên đến gần 100%.

Ông Vitalik cho biết thêm: “Giờ đây, Ethereum tiêu thụ ít năng lượng hơn so với hầu hết các dịch vụ web chính thống hay phổ biến nhất mà mọi người sử dụng ngày nay”.

Minh Ngọc -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục