Các nhà băng mang công nghệ gì tới sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024?

(Banker.vn) Tại sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024, các nhà băng (ngân hàng) đã mang tới cho khách hàng nhiều sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới nhất của ngành.
Chuyển đổi số ngân hàng: Thanh toán điện tử đạt 830 nghìn tỷ VND/ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng ngân hàng là ngành đi đầu, tiên phong trong chuyển đổi số Nâng cao năng lực quản trị, xây dựng hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh

Ngày 8/5, sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 đã diễn ra tại Hà Nội. Tại sự kiện có 16 gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới nhất của các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ, đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Báo Công Thương xin điểm qua một số sản phẩm, dịch vụ công nghệ nổi bật của các nhà băng tại sự kiện này.

Công nghệ tự động giải ngân trong vòng 5 phút

Là 1 trong 4 ngân hàng tư nhân lớn nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giới thiệu “Dịch vụ thu hộ qua tài khoản định danh SLINK” - một trong hai giải pháp được vinh danh tại Lễ trao giải Digital CX Awards 2024, cùng với sản phẩm “Hệ thống phê duyệt tín dụng tự động ACAS” tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024.

Cụ thể, sản phẩm “Dịch vụ thu hộ qua tài khoản định danh SLINK” của SHB mang đến khả năng quản lý dòng tiền vượt trội dành cho các khách hàng doanh nghiệp, đảm bảo ba yếu tố linh hoạt, nhanh chóng, hiệu quả. Theo đó, các giao dịch chuyển tới tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thông qua tài khoản định danh SLINK sẽ được phân loại và hệ thống hóa, xử lý nhanh chóng tự động. Khách hàng doanh nghiệp có thể chủ động định danh các điểm kinh doanh theo từng tài khoản; nhận doanh thu từ các điểm kinh doanh về tài khoản thanh toán của doanh nghiệp theo thời gian thực; thuận tiện quản lý dòng tiền/doanh thu của từng điểm kinh doanh qua Internet Banking; hỗ trợ từng điểm kinh doanh dễ dàng truy vấn và quản lý được doanh thu thực tế…

Các nhà băng mang công nghệ gì tới sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024?
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan và trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số tại gian hàng của SHB

Còn “Hệ thống phê duyệt tín dụng tự động ACAS” của SHB mang tới trải nghiệm ấn tượng dành cho khách hàng thông qua việc rút ngắn thời gian phê duyệt, áp dụng các quy trình thẩm định bằng công nghệ tự động nhằm cung cấp thẻ tín dụng và thấu chi cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi; tối giản các chứng từ, thủ tục mà vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro nghiêm ngặt. Giải pháp ACAS cũng giúp quy trình nội bộ thông suốt, các đơn vị kinh doanh có thể dễ dàng kiểm tra kết quả phê duyệt tín dụng, danh sách khách hàng đủ điều kiện hoặc chưa đủ kiều kiện cùng lý do từ chối, để kịp thời thông báo.

“Trong vòng 5 phút, khách hàng đã có thể sử dụng hạn mức tín dụng được cấp. Từ năm 2024, ACAS sẽ được cải tiến để phục vụ các hộ kinh doanh và các khoản vay khách hàng cá nhân như vay mua nhà, vay mua ô tô, sửa nhà…”, đại diện SHB tiết lộ.

Sự chuyển mình trong chiến lược số hóa đã giúp Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) mang tới nhiều giải pháp tài chính thuận ích trên kênh số phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Trong đó, có thể kể đến: MSB Pay: Giải pháp thanh toán, hạch toán đối soát và quản lý khoản phải thu, công nợ và dòng tiền tự động; M-Flash: sản phẩm cho vay được số hóa 100% nhúng trên nhiều nền tảng bên thứ ba, phê duyệt ngay khoản vay lên tới 2 tỷ đồng, 100% tự động chỉ trong 4h dựa trên mô hình AI tiên tiến; M-Scf: Giải pháp tài trợ chuỗi/nhóm nhà cung cấp được nhúng ngay trên nền tảng B2B (Solv): Khách hàng có thể đăng ký khoản vay, giải ngân ngay trên nền tảng đối tác; M-Virtual Account: Giải pháp quản lý dòng tiền chuyên biệt.

Cùng với đó, hoạt động quản trị rủi ro trên hành trình số đạt được nhiều kết quả tích cực khi triển khai thành công nền tảng cho vay trên kênh số dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Hệ thống sẽ thực hiện tự động việc tra cứu thông tin doanh nghiệp, các tiêu chí về CIC và chấm điểm không có sự tác động của con người, từ đó tăng tốc độ xử lý tới 9 lần so với quy trình truyền thống. Khách hàng có thể nhận được phê duyệt vay trong vòng 4 giờ.

Các nhà băng mang công nghệ gì tới sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024?
Các giải pháp mà MSB mang đến cũng thu hút sự chú ý của Lãnh đạo Nhà nước và các đại biểu

Tương tự, với khách hàng cá nhân, dự án cho phép tự động hóa mô-đun thu nhập, tra cứu 224 tiêu chí CIC chỉ trong 3 phút nhằm nhanh chóng ra quyết định phê duyệt, đồng thời phát hiện sớm rủi ro, dự báo quá hạn và cảnh báo sớm. Trên cơ sở đó, MSB đã thực hiện thành công việc số hóa toàn bộ hành trình cấp tín dụng (thế chấp và tín chấp) mảng khách hàng doanh nghiệp, nâng tỷ lệ khách hàng trải nghiệm sản phẩm này trên kênh số lên 122%, điểm hài lòng khách hàng đạt 80,2/100.

“Kết quả, đã có gần 5.000 khách hàng đã được cấp tín dụng online với gần 52.000 tỷ đồng hạn mức tín dụng được cấp và gần 1000 tỷ đồng hạn mức được cấp cho khách hàng trên các nền tảng đối tác”, đại diện MSB thông tin.

Ngân hàng mở, nâng cao trải nghiệp khách hàng

Là 1 trong 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, cùng vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, thời gian qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động chuyển đổi số và liên tục ra mắt các giải pháp tài chính sáng tạo mới, trong đó có những kết quả trong hoạt động ngân hàng mở mà BIDV đã và đang mang đến cho khách hàng trên nền tảng Open API.

Lãnh đạo BIDV cho biết, ngân hàng đã hợp tác với IBM chính thức ra mắt hệ thống BIDV Open API với 4 cấu phần chính: BIDV Open API Portal - Website trên internet cho các nhà lập trình; cấu phần quản trị API; cấu phần Cổng kết nối API; cấu phần phân tích API.

Các nhà băng mang công nghệ gì tới sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024?
Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động chuyển đổi số và liên tục ra mắt các giải pháp tài chính sáng tạo mới

Thông qua hệ thống BIDV Open API, kênh phân phối dịch vụ ngân hàng đã được mở rộng, hệ sinh thái tài chính được hình thành qua liên kết giữa ngân hàng và các đối tác mang đến nhiều tiện ích mới cho khách hàng như: Ứng dụng quản lý bán hàng cho tiểu thương, ứng dụng quản lý khách sạn, quản lý trường học, quản lý trong ngành logistics, bất động sản… được "nhúng" chức năng thu hộ và gạch nợ hoá đơn tự động, giúp đơn giản hoá việc quản lý doanh thu, gia tăng tiện ích cho cả người mua và người bán.

“Sau 5 tháng triển khai, đã có 90.000 lượt gọi API trên hệ thống, chúng tôi ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng hơn 500.000 khách hàng doanh nghiệp, 1 triệu khách hàng tiểu thương và hàng triệu khách hàng cá nhân sẽ được cung cấp các tiện ích từ hệ thống BIDV Open API”, ông Trần Long tiết lộ.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) lại mang đến những dịch vụ ngân hàng trên nền tảng đối tác Banking as a service (BAAS). Ông Vũ Thành Trung, Thành viên Ban Điều hành MB cho biết, xu hướng mới của khách hàng hiện tại là sử dụng dịch vụ ngân hàng trên đa nền tảng một cách thuận tiện mà không nhất thiết phải trên nền tảng của ngân hàng.

Hiện nay, dịch vụ đa nền tảng cho phép bên thứ ba kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua API để cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng đến khách hàng trên nền tảng của đối tác. Việc này đảm bảo hành trình mua sắm của khách hàng dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện nhất.

“Khách hàng cá nhân hoàn toàn có thể thanh toán hóa đơn mua trên các sàn thương mại điện tử mà không cần đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng. Tương tự, các doanh nghiệp có thể quản lý các giao dịch thu/chi ngay trên phần mềm của doanh nghiệp thay vì phải đến ngân hàng với thủ tục, giấy tờ mất thời gian”, ông Vũ Thành Trung nói.

Các nhà băng mang công nghệ gì tới sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024?
Ông Vũ Thành Trung, Thành viên Ban Điều hành MB cho biết, hệ sinh thái số đa dạng cho phép khách hàng mua sắm, đầu tư, thanh toán… ngay trên nền tảng của ngân hàng

Đồng thời ông cho biết thêm, MB xây dựng hệ sinh thái số đa dạng cho phép khách hàng mua sắm, đầu tư, thanh toán… ngay trên nền tảng của ngân hàng; hệ sinh thái logistic cảng biển, BASS MB giúp các doanh nghiệp số hóa dịch vụ vận chuyển cảng biển, hạn chế tối đa thủ tục giấy tờ, phát sinh; hệ sinh thái du lịch và dịch vụ, khách hàng có thể đặt vé máy bay, khách sạn, khu vui chơi giải trí và thanh toán trên cùng một nền tảng; hệ sinh thái bất động sản kết nối người mua, người thuê, người bán, tư vấn bất động sản, cung cấp giải pháp tài chính cho mua nhà.

Ứng dụng AI, nâng cao bảo mật

Còn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), nhà băng này đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thu nhập và phân tích dữ liệu nhằm ngăn ngừa, cảnh báo sớm các giao dịch bất thường, bảo vệ khách hàng và hệ thống của ngân hàng. Ông Đinh Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc TPBank cho biết, với số lượng giao dịch khoảng 1,5 triệu tỷ đồng thì chỉ cần một dấu hiệu "nằm ngang" sẽ gây thiệt hại đến hàng ngàn khách hàng, hàng ngàn tỷ đồng. Chính vì vậy, TPBank luôn ưu tiên nghiên cứu các giải pháp ngăn ngừa rủi ro cho khách hàng cũng như bảo vệ ngân hàng; thu thập hàng ngàn tỷ dữ liệu từ các nguồn dữ liệu cấu trúc, phi cấu trúc để phân tích đủ, phân tích đúng kết hợp cùng các mô hình phân tích của AI.

Theo đó, TPBank đã đưa ra hàng loạt giải pháp ưu Việt có hiệu suất cao, áp dụng liên tục trong hệ thống và từ đó hàng chục AKBot nhận thông tin 24/7, đưa cảnh bảo và ngăn chặn các giao dịch bất thường trên tài khoản. Không dừng lại ở đó, ngân hàng luôn cập nhật định kỳ các giải pháp để tăng tính chính xác, ngăn chặn liên tục các hành vi gian lận hoặc có dấu hiệu bất thường.

Cũng triển khai các giải pháp phòng ngừa gian lận, bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng giám đốc - Phụ trách Khối quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng đã kết nối, tích hợp ứng dụng VNEID trong xác thực, định danh khách hàng để phòng ngừa gian lận, lừa đảo.

Theo bà Đinh Thị Thái, việc kết nối giữa ứng dụng giao dịch ngân hàng điện tử với ứng dụng định danh điện tử VNeID giúp ngân hàng có được nguồn dữ liệu định danh khách hàng tin cậy, được cung cấp bởi Bộ Công an. Hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ ngân hàng được liên kết xuyên suốt với nguồn dữ liệu đầy đủ, bao gồm các thông tin về giấy tờ định danh, thông tin sinh trắc học, thông tin về khách hàng đảm bảo tính tin cậy, chính xác và cập nhật nhất. Từ đó, giúp ngăn chặn các hành vi giả mạo danh tính để mở tài khoản gian lận, lừa đảo cũng như tối ưu hoạt động thông qua giảm thiểu các thủ tục về giấy tờ, nguồn lực, thời gian, chi phí cho công tác định danh thủ công.

Các nhà băng mang công nghệ gì tới sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trao Bằng khen cho các nhà băng có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Là một trong những nhà băng nhận được Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với những thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số ngành gân hàng, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng giới thiệu nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số vượt trội: Giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế MediPay; Gói chi lương cho Doanh nghiệp Happy ePayroll; Dịch vụ mua trước trả sau Muadee; Ứng dụng HDBank Nông thôn; Bộ tính năng 1Click;…

Lãnh đạo HDBank cho biết, không chỉ đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, HDBank còn đầu tư vào Trung tâm Đổi mới - Sáng tạo Galaxy (Galaxy Innovation Hub - GIHub). Đây một trung tâm công nghệ, đổi mới và sáng tạo nổi bật của TP. Hồ Chí Minh và của cả nước. GIHub được đánh giá nổi bật ở thiết kế theo tiêu chuẩn ESG. Đặc biệt, GIHub đóng vai trò quan trọng vào việc phát triển và sáng tạo sản phẩm và dịch vụ để áp dụng vào quá trình chuyển đổi số của HDBank và ngành tài chính ngân hàng.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương