Các ngân hàng và quỹ đầu tư phố Wall lo lắng về tăng trưởng kinh tế

(Banker.vn) Các giám đốc điều hành hàng đầu của các ngân hàng phố Wall và các nhà quản lý quỹ hàng đầu thế giới cho biết, các yếu tố như xung đột địa chính trị, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng của Mỹ và lãi suất cao có thể làm ảnh hưởng thêm đến nền kinh tế toàn cầu, vốn đang trên đà phát triển chậm lại.

Tỷ phú Ray Dalio, nhà sáng lập Công ty quản lý quỹ phòng hộ hàng đầu thế giới Bridgewater Associates, cho biết ông bi quan về nền kinh tế toàn cầu năm 2024.

Ông Dalio phát biểu trong một phiên họp vừa qua tại Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) tại Riyadh, Ả Rập Saudi: “Xét theo khung thời gian, các chính sách tiền tệ mà chúng ta sắp được chứng kiến sẽ có tác động lớn đến thế giới”.

Ông khẳng định: “Nếu chúng ta có hòa bình và có một môi trường cạnh tranh lành mạnh, không xảy ra chiến tranh thì mọi thứ sẽ lạc quan hơn”.

Xung đột Israel-Gaza, vốn đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, đã tạo thêm bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang chịu ảnh hưởng bởi lạm phát dai dẳng và chi phí vay cao.

Bà Jane Fraser, Giám đốc điều hành Citigroup, cho biết thật khó để không bi quan trong hoàn cảnh hiện tại.

Bà Fraser chia sẻ: “Hậu quả của vụ tấn công khủng bố ở Israel và các sự kiện diễn ra sau đó thật sự rất đáng lo lắng”.

Larry Fink, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, dự đoán lãi suất sẽ cao hơn và cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ không “hạ cánh cứng hay mềm” vào năm 2024.

Ông Fink cho biết thêm: “Lượng kích thích tài chính vừa được đưa vào nền kinh tế có khả năng gây lạm phát rất cao".

Nợ quốc gia của Mỹ, tương đương với số tiền mà chính phủ liên bang vay để trang trải chi phí, đã lên tới 33,04 nghìn tỷ USD vào tháng trước.

Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell cho rằng ngân hàng trung ương có xu hướng giữ lãi suất ổn định trở lại tại cuộc họp tháng 11, đồng thời để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong tương lai nếu các nhà hoạch định chính sách nhận thấy dấu hiệu tăng trưởng của nền kinh tế.

FED đã tăng lãi suất 11 lần lên mức hiện tại là 5,25% đến 5,5% trong nỗ lực kiềm chế việc tăng giá mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon cho biết ông “không chắc chắn” về thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) hiện nay, nhưng kỳ vọng hoạt động này sẽ tăng trưởng cùng với tăng trưởng kinh tế.

Ông nói, sự bùng nổ trong hoạt động mua bán, sáp nhập thời hậu COVID-19 được thúc đẩy bởi các nỗ lực kích thích tài chính nhằm phục hồi tăng trưởng.

Giám đốc điều hành HSBC Noel Quinn cho biết châu Âu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột Nga - Ukraine vào năm ngoái, sẽ phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn.

“Châu Âu sẽ kiểm soát được lạm phát mặc dù có khả năng sẽ tiếp tục có làn sóng thứ hai. Lạm phát tiền lương vẫn chưa được kiểm soát ở châu Âu và đặc biệt là ở Anh,” ông nói.

Ông Solomon cho biết thêm, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phải đối mặt với áp lực trong ngắn hạn khi nước này đã điều chỉnh nền kinh tế bằng các biện pháp kích thích.

"Về mặt trung hạn, tôi vẫn rất tự tin với các cơ hội tăng trưởng ở Trung Quốc.”

Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered, ông Bill Winters, cho biết lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài đồng nghĩa với việc "gần như chắc chắn đồng USD sẽ mạnh hơn trong thời gian dài hơn", điều này sẽ không tốt cho người đi vay và động lực phát triển kinh tế.

Ông nói với các đại biểu FII tại một cuộc thảo luận riêng: “Sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn và đồng USD mạnh hơn gây ra nhiều khó khăn đối với bất kỳ công ty hoặc quốc gia nào không phải của Mỹ đã vay bằng USD”.

"Chúng tôi nhận thấy một số quốc gia đã cơ cấu lại nợ và có một số quốc gia khác đã đấu tranh rất mạnh mẽ với vấn đề này. Nhưng áp lực sẽ ngày càng tăng theo thời gian."

FED đang giữ lãi suất ở mức cao vì họ đang "cố gắng kìm hãm hoạt động kinh tế nhằm giảm lạm phát, do đó, chắc chắn chúng ta sẽ thấy kinh tế chậm lại hơn ở Mỹ".

Ông Winters khẳng định thêm: “Chúng ta hãy hy vọng, và tôi nghĩ có một lý do hợp lý được đưa ra, rằng vào thời điểm đó, Trung Quốc sẽ tái nổi lên như một động lực tăng trưởng để bù đắp phần nào sự phát triển chậm lại không thể tránh khỏi ở Mỹ và châu Âu”.

Ông cho biết thêm sẽ rất khó để đi đến chặng cuối trong việc đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% và cơ quan quản lý sẽ phải đưa ra phán quyết vào thời điểm đó xem liệu có đáng để làm chậm lại nền kinh tế hay không.

“Cần phải nhìn vào cái giá phải trả,” ông nói. “Để đưa từ 2,5% xuống 2% thì điều gì sẽ xảy ra? Có thực sự phải tạo ra một cuộc suy thoái? Có lẽ là không đáng.”

Mai Chi

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ