Các ngân hàng trung ương thực hiện hơn 60 đợt nâng lãi suất trong 3 tháng

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Financial Times (FT), các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã thực hiện đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong hơn hai thập kỷ.

Theo phân tích của FT, các ngân hàng trung ương đã thực hiện hơn 60 đợt nâng lãi suất trong 3 tháng qua, đây là đợt tăng nhiều nhất kể từ đầu năm 2000.

Hiện Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 2 lần tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Anh thì nâng lãi suất tại 4 cuộc họp liên tiếp. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến nâng lãi suất vào tháng 7/2022, từ mức dưới 0 sau cuộc khủng hoảng đồng euro năm 2012.

Ngân hàng Trung ương Canada, Australia, Ba Lan và Ấn Độ đều được dự báo nâng lãi suất trong vài tuần tới.

Ông McKeown - Trưởng bộ phận dịch vụ kinh tế toàn cầu tại Capital Economics - cho biết trong số 20 ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, có khoảng 16 ngân hàng trung ương có thể nâng lãi suất trong 6 tháng tới. Quá trình thắt chặt tiền tệ dự kiến diễn ra nhanh nhất tại Mỹ và Anh. Thị trường kỳ vọng một đợt nâng lãi suất ít nhất 100 điểm vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 ở Eurozone, Canada, Australia và New Zealand.

Bất chấp những đợt tăng giá gần đây ở các nền kinh tế phát triển và kém phát triển, FT lưu ý “tỷ giá vẫn còn thấp theo tiêu chuẩn lịch sử”, còn các nhà kinh tế cảnh báo “những đợt tăng gần đây chỉ là sự khởi đầu của một chu kỳ thắt chặt lãi suất toàn cầu”.

Cho đến nay, các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc tăng tỷ giá và sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ, điều này đã làm tăng gánh nặng nợ cho các khoản vay bằng đồng đô la. Tiền đang chảy về các thị trường tài chính lớn trong khi trái phiếu thị trường mới nổi ghi nhận khoản lỗ lớn nhất trong hơn ba thập kỷ.

David Hauner, trưởng nhóm chiến lược các thị trường mới nổi tại Bank of America Global Research, cho biết. “Lạm phát xuất hiện khắp nơi trên thế giới và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tiếp tục ngạc nhiên về mức độ lạm phát tăng cao. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi nền kinh tế hoặc thị trường được phục hồi.”

Một số đợt tăng lãi suất lớn nhất đến từ các nước mới nổi ở Mỹ Latinh khi các ngân hàng trung ương cố gắng ngăn chặn dòng vốn chảy ra. Brazil đã nâng lãi suất 10 lần trong 1 năm qua và lãi suất hiện ở mức 12,75% so với mức 2% vào tháng 3/2021. Các quốc gia khác bao gồm Mexico, Chile và Peru cũng đã thực hiện việc nâng lãi suất.

Tuy nhiên, vấn đề tài chính không chỉ giới hạn ở các nền kinh tế kém phát triển. Báo cáo Đánh giá Ổn định Tài chính mới nhất do ECB phát hành mới đây đã cảnh báo về sự bất ổn tài chính cũng như mối nguy cơ trên một số phương diện. Lạm phát ngày càng cao và tăng trưởng giảm tốc có thể làm tăng biến động thị trường và "gây khó khăn cho khả năng thanh toán khi chi phí tài chính tăng lên."

Đánh giá của ECB cũng cảnh báo, trong khi các quỹ đầu tư đã có thể quản lý dòng vốn chảy ra sau xung đột ở Ukraine, “các ngân hàng không thuộc khu vực đồng euro vẫn dễ bị tác động” do rủi ro thanh khoản và tín dụng.

“Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng gặp rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ, vốn có thể đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao và tăng trưởng giảm tốc”.

Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, đánh giá cho biết chính phủ ở một số quốc gia khu vực đồng euro có thể bị hạn chế khả năng cung cấp, hỗ trợ cho nền kinh tế trong trường hợp xảy ra các cú sốc tiếp theo do phải gánh chịu mức nợ cao vì đại dịch.

Theo:
    Bài cùng chuyên mục