Các ngân hàng nào đang mạnh tay giảm lãi suất cho vay?

(Banker.vn) Một loạt ngân hàng đã công bố giảm thêm lãi suất cho vay. Điều này được kỳ vọng giúp khách hàng kịp thời bổ sung nguồn vốn phục vụ cho các kế hoạch kinh doanh.
Xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng Lãi suất cho vay sẽ đồng loạt giảm ở nhiều ngân hàng Lãi suất cho vay tiếp tục hạ nhiệt: Kịch bản nào cho nền kinh tế?

Ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa thông báo từ nay đến 31/12/2023, ngân hàng này tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng cá nhân. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 trong năm 2023 MSB thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại ngân hàng. Đối tượng được hưởng ưu đãi là tất cả khách hàng cá nhân vay có tài sản bảo đảm đang có dư nợ tại MSB, thỏa mãn các điều kiện của chương trình.

Với nhóm khách hàng mới, MSB cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay như: Cho vay kinh doanh, thế chấp linh hoạt, bất động sản… Trong đó, tiêu biểu là gói giải pháp “Cơn lốc kinh doanh” với mức lãi suất hiện tại chỉ 10.5%/năm; vay mua bất động sản chỉ còn 10.99%/năm.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phó Tổng Giám đốc MSB, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bán lẻ cho biết: “Bên cạnh việc thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, MSB kỳ vọng giúp khách hàng tối ưu chi phí, kịp thời bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hiện thực hóa các nhu cầu chi tiêu”.

Tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,32 triệu tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023
Các ngân hàng đang tích cực giảm lãi suất cho vay

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã 4 lần giảm lãi suất cho vay, với các mức giảm từ 0.5-3.5% tùy theo điều kiện khoản vay, điều kiện khách hàng. Trong đó, lãi suất cho vay bổ sung vốn lưu động cho khách hàng kinh doanh có mức giảm mạnh nhất. Sau các đợt giảm từ đầu năm đến nay, mức lãi suất cho vay kinh doanh tại ngân hàng hiện chỉ từ 8%/năm đối với khách hàng cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, thường xuyên giao dịch tại VIB.

Mới đây, VIB lại giảm thêm đến 1% cho khách hàng có khoản vay từ ngày 15/6-31/7/2023, áp dụng đồng thời với các chương trình giảm lãi suất khác của VIB. Như vậy, khách hàng vay kinh doanh tại VIB trong thời gian này có thể được hưởng mức lãi suất chỉ từ 7%/năm. Đối với khách hàng vay mua bất động sản, ngân hàng đang áp dụng giảm thêm 0.5% cho các khoản giải ngân mới từ ngày 15/6-31/7/2023.

Kể từ ngày 1/6/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0.5%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu và chưa được áp dụng lãi suất cạnh tranh trước đó. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, BIDV giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại ngân hàng này.

Trước đó, thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; BIDV đã dành gói tín dụng quy mô 30 nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp hơn từ 1.5-2% so với mức thông thường của các ngân hàng.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm, BIDV đã triển khai các gói tín dụng cạnh tranh với mức lãi suất hỗ trợ lên tới 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý.

Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng có lần giảm lãi suất vay thứ 5 kể từ đầu năm 2023. Ngân hàng này giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, giúp giảm thiểu chi phí để tập trung tái cơ cấu, khôi phục hoạt động kinh doanh. Agribank giảm 0.5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng vừa triển khai chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp với tổng quy mô vốn lên đến 6.000 tỷ đồng.

Theo đó, SHB dành 5.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó bao gồm các doanh nghiệp nữ chủ, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như: Nông lâm nghiệp, thủy sản, xuất khẩu, sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, các dự án xanh… bổ sung vốn lưu động ngắn hạn với lãi suất từ 8,97%/năm.

Đồng thời, SHB cũng dành 1.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô với thời gian vay từ 36 tháng trở lên. Dựa trên nhu cầu và kế hoạch sử dụng vốn, khách hàng có thể lựa chọn ưu đãi lãi suất từ 9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 10,8%/năm trong 12 tháng.

Các ngân hàng nào đang mạnh tay giảm lãi suất cho vay?
SHB triển khai chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp với tổng quy mô vốn lên đến 6.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) mới đây cũng chính thức nâng quy mô gói ưu đãi từ 8.000 tỷ lên 10.000 tỷ cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 7.5%/năm.

Theo LPBank, tính đến 28/6/2023, chỉ sau 20 ngày triển khai gói vay ưu đãi đã có 514/561 điểm giao dịch trên toàn quốc, bao gồm cả địa bàn đô thị và nông thôn có phát sinh khách hàng vay vốn với tổng doanh số giải ngân hơn 6000 tỷ đồng; số lượng khách hàng được vay vốn là hơn 5000 khách hàng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, LPBank đã chính thức tăng thêm 2000 tỷ hạn mức cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp. Với mạng lưới giao dịch trải rộng, LPBank mong muốn được tiếp cận, hỗ trợ đồng hành thêm nhiều các khách hàng doanh nghiệp mới trên khắp cả nước.

Lãi vay lĩnh vực ưu tiên giảm thấp nhất lịch sử

Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên phát triển của nền kinh tế (bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn - nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) sau lần hạ lãi suất điều hành thứ tư của Ngân hàng Nhà nước hiện nay chỉ còn 4%/năm.

Đây là mức thấp nhất trong lịch sử, kể từ khi Thông tư 39/2016/TT-NHNN ban hành quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đánh giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ các mức lãi suất điều hành như lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu; đồng thời điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để duy trì thanh khoản trên thị trường, từ đó bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Hiện hầu hết các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng về mức 4,1% đến 4,75%/năm; và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên về mức 4%/năm, tác động trực tiếp đến mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng theo xu hướng tiếp tục giảm.

Theo ông Lệnh, nhìn ở góc độ quản lý, đây là sự điều chỉnh mạnh, nhằm mục đích trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát và những tín hiệu khả quan từ thị trường tài chính quốc tế. Các nhóm ngành lĩnh vực này là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Với mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng thấp, sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp về mặt chi phí sử dụng vốn, từ đó lan tỏa đến sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng nhanh. Do vậy việc điều chỉnh giảm mạnh lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, là hành động cụ thể hóa các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên ở TP. Hồ Chí Minh tính đến nay đạt khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm khoảng 500.000 - 600.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho biết, những khách hàng có thể vay vốn với lãi suất 4%/năm cần hội đủ các điều kiện theo quy định của Chính phủ, như: Vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao...

Theo lãnh đạo Agribank, lãi suất trần đối với cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên trong những năm qua như một mức lãi suất tham chiếu trên thị trường để các tổ chức tín dụng tham khảo ra quyết định cho vay. Với mức lãi suất cho vay 4% đối với lĩnh vực ưu tiên như hiện nay, các ngân hàng phải tăng vòng quay vốn lên khoảng 3-4 lần một năm mới có hiệu quả.

Một chuyên gia tài chính tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cơ chế cho vay lãi suất ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên là chính sách, nhưng các tổ chức tín dụng lại sử dụng vốn huy động (thương mại) để cho vay nên việc sử dụng vốn vay và nguồn vốn cho vay theo chính sách này phụ thuộc vào khả năng tài chính, chi phí vốn và quá trình khai thác và sử dụng vốn của mỗi tổ chức tín dụng. Do đó, các doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn rẻ phải đáp ứng được điều kiện và nguyên tắc tín dụng nhất định.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương