Các ngân hàng đang thực hiện chuyển đổi số như thế nào?

(Banker.vn) Chuyển đổi số trong ngân hàng đang diễn ra khá sôi động tại Việt Nam, các hoạt động ngân hàng "không tiếp xúc" trở nên phổ biến hơn và dần trở thành thói quen trong xã hội. Cũng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp các ngân hàng vẫn duy trì sự ổn định trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, đảm bảo các giao dịch thông suốt và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Sáng ngày 8/9, Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tập đoàn IEC và Công ty Backbase đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm trực tuyến các lãnh đạo ngân hàng với chủ đề: “Xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số: Xu hướng và Sáng kiến chiến lược”. Tham dự tọa đàm cấp cao có đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các ngân hàng, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng.

Cơ hội đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số trong ngân hàng

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, trong đó Ngân hàng là ngành kinh tế mở đường trong chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đi đầu trong chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số. 

Trong các chủ trương của Đảng, cũng như quyết định chiến lược của Thủ tướng Chính phủ và của ngành Ngân hàng, đều xác định lộ trình rất cơ bản trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng xây dựng chuyển đổi số ngành Ngân hàng là xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số. Trên tinh thần đó, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm mục đích tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia và các ngân hàng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu 

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký cho biết, cuộc đua ngân hàng số đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phải thay đổi thói quen từ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thanh toán, dịch vụ… nhằm thích nghi với chống dịch COVID-19. Nhờ số hóa, các dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.

Tuy nhiên, xét một cách khách quan và trực diện, ông Nguyễn Quốc Hùng thẳng thắn nhìn nhận, chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam còn chưa có tính tổng thể, việc đầu tư hạ tầng theo phương thức on-premise vẫn là chính nên năng lực về hạ tầng công nghệ hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ ứng dụng công nghệ số; một số ngân hàng đã tiếp cận dịch vụ điện toán đám mây, song vẫn còn những tranh luận liên quan đến việc sử dụng công nghệ mới này; chuyển đổi số mới tập trung chủ yếu ở số hóa kênh phân phối, các sản phẩm truyền thống của ngân hàng như cho vay (lending), tiền gửi (deposit) vẫn còn phải thực hiện theo quy trình bán tự động.

Ngày 11/5/2021 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN về “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: "Đây là cơ hội để các ngân hàng đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số và thiết lập hệ sinh thái ngân hàng số một cách toàn diện".

Làm rõ hơn các cơ hội trong chuyển đổi số đối với các ngân hàng tại Việt Nam, ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho biết, các hình thái về ngân hàng số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á đang phát triển nhanh và đa dạng. Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, ông Võ Tấn Long cho rằng, trong một vài năm tới, ngân hàng số tại Việt Nam sẽ rất phát triển, bởi tầng lớp trung lưu đang tăng lên rất nhanh. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2030, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số. Việt Nam sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn để các dịch vụ tài chính, đặc biệt các dịch vụ tài chính được số hóa phát triển.

Hơn nữa, nếu so sánh với các quốc gia khác thì Việt Nam có dân số tương đối trẻ. Đây sẽ là một trong những lực lượng chính tham gia vào thị trường tài chính và tạo nên hình thái của thị trường tài chính trong thời gian tới. Đặc biệt, Chính phủ và ngân hàng trung ương đều có động thái cởi mở trong hoạt động chuyển số sẽ thúc đẩy và là cơ hội lớn để ngành Ngân hàng, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính phát triển trong một vài năm tới.

Những thành công bước đầu

Những trao đổi của các diễn giả tại Tọa đàm đã mang lại cái nhìn toàn cảnh về xu hướng phát triển hệ sinh thái ngân hàng số trong bối cảnh “bình thường mới”; đa dạng hóa các dịch vụ theo mô hình đa kênh nhằm thu hút và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, đồng thời còn đề xuất nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo, hiệu quả cho hoạt động ngân hàng, thiết kế trải nghiệm khách hàng và đảm bảo an toàn, bảo mật cho các  giao dịch trực tuyến.

Đa phần các ý kiến đều thống nhất, với sự đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động chuyển đổi số trong những năm qua, nhiều ngân hàng đang bắt đầu gặt hái những "trái ngọt". Nhờ chuyển đổi số, nhiều ngân hàng không chỉ duy trì sự ổn định trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mà còn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ.

 Toàn cảnh tọa đàm

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, các ngân hàng đã xác định chuyển đổi số không còn là định hướng, mục tiêu, mà là nhu cầu cần thiết của mỗi ngân hàng như “món ăn hàng ngày”. Nếu không chuyển đổi số, chắc chắn các ngân hàng sẽ tụt hậu, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán ví điện tử, fintech.

Theo thống kê, hơn 94% các ngân hàng thương mại đã tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi số. Hiệu ứng của nó trong thời gian qua, theo ông Hùng, đó là ngân hàng nào tham gia vào sâu, tiện ích tạo cho người dân được tiện lợi nhất, nhanh, hiệu quả, an toàn thì hệ sinh thái của ngân hàng đó được khách hàng trải nghiệm nhiều nhất. "Tôi xin “bật mí” ở đây là có những ngân hàng thương mại rất khôn ngoan và có tầm nhìn xa, vì vậy đã thu hút được một lượng khách hàng rất lớn trong tương lai cũng như lượng tiền gửi không kỳ hạn vô cùng lớn, và các ngân hàng này cũng không đặt vấn đề thu phí khách hàng", ông Hùng chia sẻ.

Dưới góc nhìn của đơn vị tư vấn, bà Trần Diễm Chi, đại diện Backbase tại Việt Nam cho biết, các ngân hàng đã chủ động hơn với nhu cầu của khách hàng. Các ngân hàng đang hướng đến cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm, đó là lý do cho sự gia tăng quan hệ đối tác trong hệ sinh thái ngân hàng hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Bán lẻ và Trung tâm Ngân hàng số, BIDV

Chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số tại BIDV, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Bán lẻ và Trung tâm Ngân hàng số, BIDV, cho biết, là một ngân hàng lớn nên việc chuyển đổi số tại BIDV có nhiều áp lực. Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, trong quá trình chuyển đổi số, BIDV đã xây dựng kiến trúc hệ sinh thái số chia làm 3 lớp: lớp thứ nhất là dịch vụ ngân hàng cơ bản (do BIDV sở hữu và quản trị); lớp thứ hai là dịch vụ ngân hàng bổ sung thêm (dịch vụ quản lý chi tiêu, quản lý thuế... Với các dịch vụ này, BIDV vẫn quản lý và sở hữu công nghệ lõi); lớp thứ ba là các dịch vụ đời sống cho khách hàng (sức khỏe, nhà hàng, nghỉ dưỡng....), BIDV lựa chọn tham gia vào hệ sinh thái của các đối tác. Việc tham gia vào hệ sinh thái của các đối tác và cộng hưởng với đối tác nhằm tạo giá trị tốt nhất cho các bên và đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, từ đó tạo ra sự khác biệt cho ngân hàng.

Ông Đinh Văn Chiến, Phó Tổng giám đốc kiêm giám đốc khối Khách hàng cá nhân, TPBank

Từ thực tế tại TPBank và quan sát các ngân hàng khác, ông Đinh Văn Chiến, Phó Tổng giám đốc kiêm giám đốc khối Khách hàng cá nhân, TPBank, cho biết, hệ sinh thái ngân hàng số ở Việt Nam đang tập trung tại 3 hoạt động chính, đó là: thứ nhất, các ngân hàng đang xây dựng cho mình năng lực (năng lực công nghệ ) để phát triển hệ sinh thái; thứ hai, hợp tác với các công ty công nghệ, nhằm cải thiện quá trình giao dịch và cung cấp dịch vụ ngân hàng; thứ ba, các ngân hàng tích cực kết nối với các công ty fintech để cung cấp các sản phẩm để gia tăng giá trị cho khách hàng.

Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, chuyển đổi số và tạo lập hệ sinh thái ngân hàng số  có quá nhiều ưu thế cho các ngân hàng, qua đó sẽ giúp ngân hàng giải được bài toán trải nghiệm khách hàng; tiếp cận với số lượng khách hàng nhanh mà không cần phải mở rộng đầu tư chi nhánh và phòng giao dịch vật lý; và nhanh chóng hiểu được khách hàng, đọc hay nhận biết được những phàn nàn hoặc yêu cầu mới của họ.

Năm 2016, MB xác định đầu tư nền tảng cho cá nhân (AppMB) và cho doanh nghiệp (BizMB). Gần đây, MB có nghiên cứu và triển khai mô hình smartbank nhằm chuyển đổi từ online sang offline, gộp khoảng 30 loại dịch vụ được thực thi tại Smartbank. MB đã triển khai mô hình mới này tại 30 điểm trọng điểm, qua đó giúp giải quyết cơ bản vấn đề chuyển từ online sang offline.

Ông Lưu Trung Thái cho biết, tư tưởng xuyên suốt của MB trong thời gian qua là các vấn đề liên quan đến sự khác biệt, cần chuyển đổi nhanh, hay sản phẩm thì MB tự sở hữu về công nghệ (tự phát triển và nghiên cứu). "Với tư duy như vậy làm cho cho lực lượng và hệ thống của các đơn vị ở dưới sẽ vất vả nhưng sẽ giải quyết được câu chuyện khi cần sẽ xử lý được ngay, gặp sự cố sẽ giải quyết được nhanh hơn", ông Lưu Trung Thái chia sẻ.

Những thay đổi đó đã giúp MB phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Cụ thể, trải qua 27 năm phát triển, trong đó 25 năm đầu, MB có khoảng 4 triệu khách hàng; năm tuy nhiên, đến năm 2020, MB có thành quả lớn đầu tiên từ chuyển đổi số, khi có thêm khoảng 2 triệu khách hàng mới; 6 tháng đầu năm 2021, ngân hàng có thêm 2,5 triệu khách hàng mới (dự kiến sẽ đạt 4-5 triệu khách hàng mới trong năm 2021). Cộng với các công ty thành viên thì MB đang phục vụ khoảng 10 triệu khách hàng. Năm 2018, MB lập khối Ngân hàng số, với mục tiêu đạt 8 triệu giao dịch/năm trên kênh số. Nhưng đến năm 2021, trong 1 ngày MB có 1,1 triệu giao dịch và giao dịch trên kênh số chiếm 92-93%. Đến nay, tỷ trọng giao dịch số của MB đứng trong nhóm đầu của châu Á.

Cũng chia sẻ những thành quả từ chuyển đổi số, ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc Phụ trách kinh doanh, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, là một ngân hàng có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh nên ACB cảm nhận rất sâu sắc về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới kinh tế và xã hội. Khi TP. Hồ Chí Minh yêu cầu giãn cách, ACB đã đóng cửa hơn 100 điểm giao dịch nhưng tất cả các yêu cầu của khách hàng vẫn được đáp ứng đầy đủ. Theo ông Từ Tiến Phát, có được điều này là do ACB đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong những năm qua, ví như: ACB cho ra mắt mở tài khoản trực tuyến bằng eKYC đã đem lại hiệu quả rất lớn. Ban đầu khi đưa ra dịch vụ này, ngân hàng kỳ vọng sẽ mở được 3.000 tài khoản mới/khách hàng mới trong 1 ngày nhưng đến những ngày gần đây đã có khoảng 10.000 tài khoản mới/ngày; hay dịch vụ giải ngân trực tuyến tại ACB cũng đang đem lại hiệu quả rất tốt trong đại dịch...

Để xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số thành công

 Diễn giả tham gia tọa đàm tại các điểm cầu - Ảnh chụp màn hình

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, xu thế ngân hàng số cũng như hệ sinh thái ngân hàng số là rất quan trọng với sự phát triển của mỗi ngân hàng. Chúng ta cần định hình hệ sinh thái là gì, cần đi từ nội hàm căn bản, trong đó có các phạm trù: khách hàng; kết hợp đa dạng sản phẩm, dịch vụ từ nhiều lĩnh vực khác nhau; nhiều nhà cung cấp khác nhau; cuối cùng là phải được tích hợp dữ liệu trên nền tảng số. Điều này sẽ tạo ra cơ hội và cũng đặt ra thách thức cho mỗi ngân hàng. "Tiềm năng hệ sinh thái ngân hàng số là vô cùng lớn mạnh; hệ sinh thái có ba cấp độ, mỗi ngân hàng cần lựa chọn cuộc chơi trong vòng nào", ông Lực nhấn mạnh.

Để đẩy nhanh tiến trình số hóa ngân hàng và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số, ông Lưu Trung Thái đề nghị các chính sách ban hành cần tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho hệ sinh thái số ngân hàng, nếu không giải quyết căn bản, quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra rất chậm. Bên cạnh đó cũng cần hướng đến không gian dịch vụ ngân hàng tới đâu, vì chúng ta đang hướng đến tài chính toàn diện nên việc kết nối rộng rãi hay cho phép phát triển Ngân hàng đại lý càng mở rộng càng tốt. "Đã là hệ sinh thái, càng kết nối được rộng thì càng tốt", ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh.

Ông Đinh Văn Chiến cũng cho rằng, Chính phủ và cơ quan quản lý đã đưa ra định hướng chiến lược về kinh tế số, ngân hàng số nhưng để kinh tế số và ngân hàng số tạo ra hiệu quả cao thì cần có những thay đổi về chính sách. Ví như quy định về eKYC đã có nhưng bước tiếp theo cần có sự chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hay cho phép hoạt động Ngân hàng đại lý...

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, cần xem xét đến hành lang pháp lý đối với hoạt động chuyển đổi số. "Chúng ta nói nhiều về eKYC, cho vay online nhưng có lẽ chỉ là những khoản vay nhỏ lẻ, còn nếu phát triển cho vay, thẩm định, đánh giá các khoản vay khách hàng như thế nào, hành lang pháp lý ra sao thì đây là vấn đề rất khó khăn", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Thực tế hiện nay cho thấy, các TCTD mới chỉ triển khai thanh toán, trong khi ứng dụng ngân hàng số rất nhiều nghiệp vụ như bảo lãnh, cho vay, thanh toán…. Nên để triển khai đúng nghĩa ‘ngân hàng số’, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: "cần có một hành lang pháp lý đầy đủ".

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyển đối số ngành Ngân hàng là cơ hội lớn trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, thậm chí đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của các TCTD cùng với Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai làm tốt vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt. "Tôi cho rằng, đây là một trong những hướng đi phù hợp với xã hội văn minh không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân trong cuộc sống, sinh hoạt, kinh doanh", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Kết luận buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, tất cả các ý kiến góp ý tại buổi tọa đàm sẽ được tiếp thu, tổng hợp để báo cáo. Ngoài ra, thời gian sắp tới Ban cũng sẽ tổ chức nhiều buổi trao đổi, tham vấn về chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng. Ông Hiển cũng cho biết, đơn vị tổ chức cũng sẽ tổng hợp các kinh nghiệm từ các buổi trao đổi này để chia sẻ với các ngân hàng, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số tại Việt Nam.

Ngô Hải - Bảo Đăng

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục