Các hãng ô tô cân nhắc chuyển sản xuất sang Mỹ

(Banker.vn) Các nhà cung cấp ô tô toàn cầu đang tính toán chuyển sản xuất sang Mỹ hoặc gần đó nhằm ứng phó với các mức thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ áp ...
Trung Quốc: 'Cuộc chiến' giá ô tô bước sang năm thứ 3 Thêm ‘trợ lực’ cho ô tô lắp ráp trong nước Ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu tháng 12 giảm

Các nhà cung cấp ô tô toàn cầu đang tính toán chuyển sản xuất sang Mỹ hoặc gần đó nhằm ứng phó với các mức thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết áp dụng, theo các lãnh đạo ngành tại CES ở Las Vegas.

Thách thức về thuế

Ngành ô tô đã trải qua 8 năm đối mặt với chính sách bảo hộ của Mỹ, từ các mức thuế thực tế và dự kiến áp dụng trong nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump, đến các mức thuế bổ sung và Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden. Hầu hết các biện pháp này nhắm vào Trung Quốc, bao gồm đề xuất của chính quyền Biden nhằm cấm sử dụng phần mềm và phần cứng của Trung Quốc trong các xe lưu thông trên đường phố Mỹ.

Các hãng ô tô cân nhắc chuyển sản xuất sang Mỹ
Chiếc ô tô bán tải cuối cùng được sản xuất tại nhà máy của General Motors ở Ecuador, nơi sẽ ngừng sản xuất do cạnh tranh nhưng vẫn tiếp tục bán xe tại quốc gia này, được chụp lại tại Quito, Ecuador vào ngày 2 tháng 9, 2024. Ảnh: Reuters

Ông Donald Trump hứa sẽ tiến xa hơn với mức thuế 10% cho tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và 60% đối với hàng Trung Quốc. Vào tháng 11 năm ngoái, ông cam kết sẽ áp thuế 25% với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico khi nhậm chức vào ngày 20/1.

Các mức thuế cao như vậy sẽ khiến nhiều phụ tùng ô tô sản xuất tại các thị trường chi phí thấp trở nên không còn hiệu quả về mặt kinh tế. Trong trường hợp của Trung Quốc, việc bán sản phẩm tại Mỹ gần như là không thể.

Ông Paul Thomas, Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của Bosch, nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn nhất thế giới, nói với Reuters: “Ai cũng có thể tính toán được. Nếu thuế là 10%, 20%, 60%... bạn phải tự tính toán các kịch bản phù hợp và đưa ra hành động. Bosch đã bắt đầu điều chỉnh ngay cả trước khi ông Donald Trump nhậm chức”.

Ông Thomas nêu ví dụ rằng các bộ phận điện tử hiện được Bosch sản xuất tại Malaysia có thể sẽ được chuyển sang Mexico hoặc Brazil, nơi Bosch đã có cơ sở. Tuy nhiên, Bosch và các nhà cung cấp khác vẫn chờ đến ngày 20/1 để có quyết định chính thức.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Donald Trump đã dự kiến áp thuế để thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô tăng cường hoạt động tại Mỹ. Khi Toyota công bố kế hoạch sản xuất dòng xe Corolla tại Mexico, ông Donald Trump đã phản đối và yêu cầu xây dựng nhà máy tại Mỹ. Kết quả là chỉ trong vòng một năm, Toyota thông báo hợp tác với Mazda xây dựng nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD tại Alabama, Hoa Kỳ.

Nội địa hóa sản xuất để giảm rủi ro

Các nhà cung cấp lớn đối phó với chính sách bảo hộ của Mỹ và cú sốc chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 bằng cách nội địa hóa sản xuất để tránh thiếu hụt linh kiện hoặc rủi ro thuế biên giới.

Quá trình này được đẩy nhanh sau khi chính quyền Biden thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA). Đạo luật này mang tính khuyến khích hơn là răn đe, thúc đẩy nhiều nhà cung cấp, bao gồm Dowlais của Anh, đầu tư mạnh vào thị trường Mỹ để giành hợp đồng với các nhà sản xuất ô tô đang tìm kiếm trợ cấp cho xe điện. Tuy nhiên, chính quyền Donald Trump sắp tới dự định sẽ hủy bỏ một phần của Đạo luật IRA.

Ông Nikolai Setzer, CEO của Continental, chia sẻ với Reuters rằng sau nhiều năm nội địa hóa sản xuất tại các khu vực mà công ty hoạt động để phục vụ khách hàng gần đó, nhà cung cấp của Đức này hiện ít phụ thuộc hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với các đối thủ trong ngành. Tuy nhiên, Continental vẫn đang trao đổi với các nhà cung cấp ở Bắc Mỹ về khả năng sử dụng linh kiện nội địa để tránh thuế. “Bất cứ khi nào có thể nội địa hóa thêm và điều đó hợp lý, chúng tôi sẽ làm” – ông Setzer nói.

Honda, với công suất sản xuất tại Mexico khoảng 200.000 xe mỗi năm, xuất khẩu 80% sang thị trường Mỹ. Tại một hội thảo tại CES, ông Noriya Kaihara, Phó Chủ tịch Điều hành của Honda, cho biết tùy thuộc vào mức thuế, “chúng tôi có thể phải cân nhắc chuyển địa điểm sản xuất từ Mexico sang Nhật Bản hoặc một nơi khác”. Ông nói thêm: “Chúng tôi chưa chính thức hóa kế hoạch, nhưng đang xem xét các phương án khả thi”.

Nguy cơ áp các mức thuế cao mới đối với hàng hóa từ Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà cung cấp tìm kiếm nguồn thay thế. Panasonic Energy, nhà cung cấp pin xe điện cho Tesla, đang tăng cường chuyển chuỗi cung ứng sang Bắc Mỹ, thông qua các hợp đồng với nhà sản xuất vật liệu than chì tổng hợp Novonix và nhà sản xuất than chì tự nhiên Nouveau Monde Graphite của Canada.

Ông Allan Swan, Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của Panasonic Energy, cho biết công ty đang đẩy nhanh kế hoạch loại bỏ hoàn toàn nguyên liệu Trung Quốc khỏi các sản phẩm pin sản xuất tại Mỹ, trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Ông Swan tiết lộ rằng mặc dù hiện tại nguyên liệu từ Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng, nhưng mục tiêu của họ là “không phụ thuộc vào Trung Quốc”. “Đây là mục tiêu số một”, ông nhấn mạnh.

Ngành ô tô đã trải qua 8 năm đối mặt với chính sách bảo hộ của Mỹ, từ các mức thuế thực tế và dự kiến áp dụng trong nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump, đến các mức thuế bổ sung và Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden.

Mai Hương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục