Các FTA hỗ trợ thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới

(Banker.vn) Các FTA có nhiều điều khoản hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các FTA để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng bán hàng trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới 10 xu hướng của thương mại điện tử năm 2023 và những năm tới

Thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng mạnh mẽ

Theo bà Lê Thị Thu Hằng – Phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử xuyên biên giới đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Báo cáo của Statista cho thấy, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 22% tổng doanh thu thương mại điện tử thế giới. Trong đó, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 220 tỷ Euro và chiếm khoảng 38,9% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.

Còn tại Trung Quốc, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới đã chiếm tới 40% doanh số thương mại điện tử của quốc gia này.

Các FTA hỗ trợ thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thương mại điện tử xuyên biên giới đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ

Tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, thương mại điện tử của Việt Nam đang được xếp vào nhóm có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Trong đó, thương mại điện tử xuyên biên giới ghi nhận có sự tăng trưởng rất lớn. Báo cáo tác động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 do Amazon công bố, giá trị xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên sàn Amazon (sàn thương mại điện tử xuyên biên giới) đã tăng trưởng tới hơn 45% trong năm 2022.

Cũng theo Amazon, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 11,1 tỷ USD) vào năm 2026.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, tiềm năng và cơ hội để thúc đẩy gia tăng xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam hiện còn rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều rào cản khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bà Hằng chỉ ra 4 rào cản chính gồm: Chi phí, quy định, thông tin, và năng lực.

Trong đó, về chi phí, các doanh nghiệp còn gặp khó trong các khoản chi phí hành chính, tiếp thị; chi phí vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài (logistics); chi phí thanh toán quốc tế và chi phí chuyển đổi ngoại tệ.

Đối với rào cản về quy định, để bán hàng đến các quốc gia khác trên thế giới, các doanh nghiệp phải nắm được Luật bảo vệ người tiêu dùng ở quốc gia sở tại; gặp khó khăn về thuế hải quan cao và những quy định nhập khẩu khác nhau của thị trường mỗi nước.

Các FTA hỗ trợ thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới
Doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam thông qua bán hàng trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon đã tăng trưởng tới 42% năm 2022

Về rào cản thông tin, phần lớn các doanh nghiệp cho biết, họ thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; về vận tải quốc tế; về cách thức bán hàng trực tuyến ra nước ngoài; về các lựa chọn thanh toán quốc tế.

Đối với rào cản năng lực, 85% doanh nghiệp cho biết họ chưa đủ năng lực và không thể cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không được chuẩn bị để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài; nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận họ gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ.

Tận dụng hiệu quả các FTA để thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới

Trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình để thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua xuất khẩu trực tuyến.

Có thể nhắc đến như tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quy định hỗ trợ đến 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế (Khoản 3c, Điều 25); và hỗ trợ đến 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử quốc tế (không quá 50 triệu đồng/năm, không quá 2 năm) (Khoản 3d, Điều 25).

Bên cạnh đó, còn có các chương trình hỗ trợ tổ chức các sự kiện thương mại điện tử thường niên nhằm kích cầu thị trường trong nước và mở rộng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030”.

Về phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đơn vị đang triển khai các đề án như: Cung cấp thông tin cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trên cổng thông tin thị trường xuất khẩu; Nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; Cung cấp nền tảng hội chợ trực tuyến thực tế ảo nằm trong hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam; Phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp khai form xuất xứ điện tử.

Các FTA hỗ trợ thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới
Các FTA thế hệ mới có những điều khoản hỗ trợ tạo thuận lợi thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới

Đáng chú ý, theo bà Hằng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đang có những điều khoản thuận lợi hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và thương mại phi giấy tờ.

FTAs thế hệ mới có phạm vi toàn diện, vượt ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa; có các nội dung mới như đầu tư, mua sắm công, thương mại điện tử và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Hằng nói và cho biết thêm, thương mại của Việt Nam với các đối tác đã và đang đàm phán trong FTAs luôn chiếm hơn 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Đây là điều kiện rất tốt để tận dụng FTAs thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

Cụ thể, trong các FTA thế hệ mới chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, chữ ký điện tử; giảm điều kiện thuế quan đến các sản phẩm nội dung số; khuyến khích công bố rộng rãi các loại giấy tờ quản lý thương mại và chấp nhận hồ sơ điện tử của các loại giấy tờ này; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Để tăng trưởng xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới tận dụng hiệu quả các lợi thế từ các FTA mang lại, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết quốc tế trong các FTA như EVFTA, CPTPP… Song song với đó, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua chủ động đổi mới tư duy kinh doanh; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế; có chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, tăng cường liên kết, hợp tác với các đối tác; nâng cao ứng dụng công nghệ số, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, bền vững.

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 thống kê: 84% doanh nghiệp có sử dụng chữ ký điện tử và 45% doanh nghiệp có sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương