Trong diễn biến gần nhất liên quan đến Trung Nam Group, Cục Hải quan Khánh Hòa mới đây đã có Thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này.
Bên cạnh ông Thịnh, còn có ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) – Tổng Giám đốc đang chèo lái Trung Nam Group; trong khi đó, cả hai nhân vật này đều khá kín tiếng trên thương trường. Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) được thành lập vào năm 2004. Ban đầu, Trung Nam Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, qua thời gian, tập đoàn này đã dần mở rộng phạm vi hoạt động và trở thành một doanh nghiệp đa ngành, với trọng tâm chính là hai lĩnh vực năng lượng và bất động sản.
Được biết, Trung Nam Group hiện đang nợ quá hạn tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận - Cục Hải quan Khánh Hòa với số tiền trên 21 tỷ đồng. Do khoản nợ này, cơ quan Hải quan đã áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng cách dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của tập đoàn.
Những năm gần đây, Tập đoàn Trung Nam đã đẩy mạnh phát triển mảng năng lượng tái tạo với nhiều dự án quy mô lớn. Thông qua hàng chục công ty con, Trung Nam Group làm chủ đầu tư nhiều dự án điện mặt trời và điện gió, với tổng công suất thiết kế đạt 1.492,2 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Đa phần các dự án năng lượng của Tập đoàn đã hoàn thành vào năm 2021. Ngoài ra, Trung Nam Group còn sở hữu 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.
Cụ thể, Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 thành lập vào ngày 18/4/2018, có trụ sở chính đặt tại Buôn Druh A, xã Ea Nam, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk. Công ty này là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ea Nam, nằm trên diện tích 600 ha thuộc các xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang (huyện Ea H’leo), với tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng. Dự án này có sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm và được giới thiệu là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk cũng như là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Nhà máy điện gió Ea Nam |
Ngoài ra, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam là chủ đầu tư dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW. Dự án này nằm ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, và một phần diện tích đường dây đấu nối thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Với sản lượng điện tối đa 1,2 tỷ kWh và tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, dự án đã được khánh thành vào năm 2020.
Đáng chú ý, dự án của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã gặp phải một số lùm xùm. Công ty này bị chỉ trích vì xây dựng công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền giao đất để thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời.
Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy có công suất 204 MW và sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm.
Công ty CP Điện gió Trung Nam là chủ đầu tư dự án Điện gió Trung Nam tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Tổng công suất của dự án là 151,95 MW, chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 là 39,95 MW (17 tuabin, 2,35 MW), giai đoạn 2 là 64 MW (16 tuabin, 4 MW), và giai đoạn 3 là 48 MW (12 tuabin, 4 MW).
Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh là chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích 171 ha tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, công suất 140 MWac, và sản lượng điện tối đa khoảng 250 triệu kWh/năm.
Dự án Điện gió Đông Hải 1 - Trà Vinh do Công ty CP Điện gió Trung Nam Trà Vinh 1 làm chủ đầu tư, được vận hành bởi Công ty TNHH MTV Dịch vụ Kỹ thuật Trung Nam. Dự án xây dựng tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, với quy mô công suất 100 MW.
Dự án Nhà máy điện gió số 5 do Công ty CP Điện gió Phước Hữu Trung Nam là chủ đầu tư và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Kỹ thuật Trung Nam vận hành. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.633 tỷ đồng, tổng công suất 46,2 MW, với 11 trụ gió và sản lượng khai thác dự kiến là 136.281 MWh/năm.
Trong số các nhà máy thủy điện của Tập đoàn Trung Nam, đáng chú ý là Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 tại huyện Di Linh, Lâm Đồng, do Công ty CP thủy điện Trung Nam làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng, tổng công suất lắp máy 70 MW (gồm 2 tổ máy), được xây dựng trên sông Đạ Dâng, thượng nguồn sông Đồng Nai.
Trong mảng năng lượng, hệ sinh thái của Chủ tịch Nguyễn Tâm Thịnh còn sở hữu nhiều pháp nhân khác. Công ty CP Năng lượng tái tạo Trung Nam, tiền thân là Công ty CP Tổng Công ty Năng lượng Trung Nam, được Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam rót vốn thành lập vào tháng 10/2020. Đến tháng 12/2021, công ty này tăng vốn điều lệ lên hơn 9.083 tỷ đồng và đổi tên thành Công ty CP Năng lượng Tái tạo Trung Nam.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Trung Nam (Trung Nam EDI) được thành lập vào tháng 12/2021, tiền thân là Công ty CP Đầu tư năng lượng tái tạo Trung Nam, với quy mô vốn điều lệ ban đầu 402 tỷ đồng. Đến tháng 4/2022, công ty này đã tăng mạnh vốn điều lệ lên tới 4.731,9 tỷ đồng.
Một trong những dự án nổi bật là Khu du lịch Bình Tiên tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận do Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 190 ha, bao gồm các công trình: Sân golf 18 lỗ, 53 căn biệt thự hướng biển, 317 căn biệt thự biển, và 97 căn biệt thự sân golf. Ngày 17/4/2022, chủ đầu tư đã khánh thành một số hạng mục của giai đoạn 1, gồm sân golf Nara Bình Tiên 18 lỗ và Câu lạc bộ sân golf.
Tại Đà Nẵng, Trung Nam Group sở hữu hai dự án tầm cỡ là Golden Hills và Tòa nhà DITP cao 18 tầng. Siêu dự án Golden Hills khởi công ngày 9/4/2011, diện tích trên 350 ha với tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD. Dự án này gặp nhiều rắc rối, từ giải phóng mặt bằng đến lùm xùm khi UBND TP Đà Nẵng quyết định hủy đồ án sử dụng đất khu vực phía Tây Golden Hills (giai đoạn 1) - Golden Hills mở rộng, có diện tích lên đến 900 ha. Đến tháng 2/2023, chủ đầu tư là Công ty CP Trung Nam (Trung Nam Land) bị Cục thuế TP Đà Nẵng cưỡng chế bằng biện pháp ngưng sử dụng hoá đơn do nợ thuế 445,5 tỷ đồng.
Bản đồ quy hoạch tổng thể Golden Hills Đà Nẵng |
Tòa nhà DITP cao 18 tầng, với 4 tầng kinh doanh và 11 tầng văn phòng, có tổng diện tích 18,857 m² và tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Chủ đầu tư tòa nhà là Trung Nam Land.
Một dự án đáng chú ý khác là Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt (Golf Valley), do Công ty CP Địa ốc Trung Nam (Trungnam Dalat Land) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô gần 20 ha và tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008. Tuy nhiên, dự án này cũng gặp nhiều vấn đề. Giữa tháng 5/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành làm rõ việc chuyển đổi công năng diện tích đất cây xanh mặt nước, giao thông đô thị và bãi đậu xe công cộng với tổng diện tích 10.600 m². Năm 2013, chủ đầu tư đã bị xử phạt hành chính 35 triệu đồng vì xây dựng một hạng mục công trình không phép.
Trung Nam Group đang đối mặt với nhiều thách thức trong cả hai lĩnh vực năng lượng và bất động sản, từ vấn đề pháp lý đến tài chính, nhưng vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng danh mục đầu tư của mình.
Cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect đã thể hiện sự "nhạy cảm" với các thông tin liên quan đến trái phiếu của Trung Nam Group trong một năm qua. Việc này bắt nguồn từ nhiều lần Trung Nam Group công bố chậm hoặc xin gia hạn trả lãi và gốc trái phiếu do gặp vấn đề về dòng tiền.
Trong giai đoạn 2021-2022, VNDirect đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ huy động trái phiếu của Trung Nam Group và các đơn vị thành viên. Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), VNDirect đã cung cấp dịch vụ phát hành cho khoảng 16.600 tỷ đồng trái phiếu liên quan đến Trung Nam Group. Đặc biệt, lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng liên quan đến dự án Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, chào bán trong năm 2021, là thương vụ bảo lãnh phát hành có quy mô lớn nhất của doanh nghiệp này từ trước đến nay.
VNDirect không chỉ tư vấn hồ sơ chào bán, đại lý đăng ký, lưu ký mà còn bảo lãnh phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu, quản lý tài sản đảm bảo và thanh toán. Điều này cho thấy vai trò toàn diện của VNDirect trong việc hỗ trợ Trung Nam Group huy động vốn.
Bà Phạm Minh Hương, Tổng Giám đốc Chứng khoán VNDirect, chia sẻ rằng những rủi ro liên quan đến trái phiếu của Trung Nam Group hiện nay là rủi ro tạm thời về thanh khoản. Trung Nam Group đã gặp khó khăn trong dự án Thuận Nam và điều chỉnh kỹ thuật các dự án điện gió để tối ưu hóa hiệu suất. Hoạt động bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng do tác động từ tập đoàn tài chính Credit Suisse, khiến nhà đầu tư lo ngại về rủi ro.
Tuy nhiên, có những điểm tích cực như các nhà máy điện của Trung Nam Group được yêu cầu phát tối đa công suất, tạo ra dòng tiền dương. Ngân hàng Vietcombank đã hỗ trợ tái cấu trúc các khoản vay, giúp Trung Nam Group giảm áp lực về dòng tiền.
Nói thêm về cổ phiếu VND của VNDirect, trong phiên giao dịch ngày 23/5, mã này gây bất ngờ khi giảm mạnh với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến, lên tới 37,9 triệu đơn vị, đây là cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao nhất toàn sàn phiên này. Gần 59% trong tổng số 37,9 triệu cổ phiếu VNDirect được sang tay phiên 23/5 đến từ các giao dịch bán chủ động, đồng thời cũng là phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp của khối ngoại đối với mã này. Trước động thái bị xả bán, nhiều ý kiến cho rằng việc cổ phiếu của VNDirect đột ngột bị xả bán phiên này có liên quan tới thông tin tiêu cực về Trung Nam Group.
Chưa dừng lại, trong phiên giao dịch cuối tuần (24/5), cổ phiếu VND tiếp tục “lao dốc” về mức 20.050 đồng/cp với khối lượng giao dịch rất cao khi đạt gần 30 triệu đơn vị, qua đó đánh dấu phiên sụt giảm thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu chứng khoán này. Như vậy, với 5 phiên giảm giá liên tiếp, vốn hóa của VNDirect đã bốc hơi tới hơn 2.250 tỷ đồng sau một tuần.
Tin xấu từ "ông trùm điện gió" đang làm khó VNDriect (VND) Nhiều ý kiến cho rằng, việc cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect bị bán mạnh phiên hôm nay có liên quan tới thông tin ... |
Taseco Land muốn vay hơn 1.700 tỷ rót vốn KCN tại Hà Nam Để huy động vốn cho dự án này, ngoài việc vay vốn từ các ngân hàng, Hội đồng quản trị Taseco Land đã thông qua ... |
Đầu tư Horizon: Kinh doanh thua lỗ, nằm trong hệ sinh thái huy động trái phiếu nghìn tỷ Các công ty này đều nổi bật với việc huy động trái phiếu lớn. Cụ thể, Bất động sản Vĩnh Xuân huy động tổng cộng ... |
Đức Huy
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|