Cả nước ghi nhận hơn 100.000 ca tay chân miệng, tăng 91,6% so với cùng kỳ

(Banker.vn) Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng, 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (52.296) số ca mắc tăng 91,6%.
Tin nóng y tế: Đã có 21 ca tử vong do tay chân miệng TP. Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc đậu mùa khỉ

Theo thống kê, trong tuần 39/2023 cả nước ghi nhận 7.048 trường hợp mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số mắc tăng 3,8%. Tích lũy từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng; 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (52.296/3) số mắc tăng 91,6%, tử vong tăng 19 trường hợp.

Cả nước ghi nhận hơn 100.000 ca tay chân miệng, tăng 91,6% so với cùng kỳ
Cả nước ghi nhận hơn 100.000 ca tay chân miệng

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần tuần 38 Hà Nội có 265 ca mắc tay chân miệng (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Sóc Sơn (69 ca), Cầu Giấy (26 ca), Hoài Đức (25 ca), Hà Đông (18 ca), Ba Vì (15 ca), Thanh Xuân (15 ca), Đống Đa (12 ca).

Như vậy, số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 đã tăng gấp đôi so với 2 tuần cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Cụ thể, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Đến 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc đã tăng lên khoảng 140 ca/tuần.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Thống kê tại TP. Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 ca. Riêng trong tuần qua, TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân bao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh. Hiện thành phố đang điều trị cho 346 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 103 ca có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng.

Theo ThS. Đỗ Thị Thúy Hậu - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TW, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.

Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Song Hà

Theo: Báo Công Thương