Cả nước chỉ có 20% bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh: Bài toán chờ lời giải của Bộ Tài nguyên Môi trường

(Banker.vn) Công tác quản lý rác thải sinh hoạt được Đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận hội trường và đưa những con số khiến dư luận quan tâm.
Đến năm 2025, chất thải rắn sinh hoạt tăng 10-16%/năm
Loay hoay chuyện rác thải sinh hoạt

Phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 05, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) nêu vấn đề liên quan rác thải sinh hoạt, tại Báo cáo 208 của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường có đánh giá "công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế".

Có thể nói, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, do tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng 10% mỗi năm, ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải. Tuy nhiên, chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng. Theo Tổng cục môi trường, Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt nhưng chỉ có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây không chỉ là gánh nặng về môi trường mà còn khiến cho Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới…

Cả nước chỉ có 20% bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh: Bài toán chờ lời giải của Bộ Tài nguyên Môi trường
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương nêu vấn đề về dư luận quan tâm là quản lý rác thải sinh hoạt

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh: Tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp. Rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn, nhưng hiện tại các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và chính thức hóa. Nguyên nhân do thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chưa phù hợp với rác thải được phân loại, nhiều nơi áp dụng một phương pháp xử lý cho tất cả các rác thải được thu gom. Kinh phí thực hiện cho phân loại rác tại nguồn còn cao. Bên cạnh đó, thiếu chương trình truyền thông mang tính tổng thể về phân loại rác tại nguồn.

Cả nước chỉ có 20% bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh: Bài toán chờ lời giải của Bộ Tài nguyên Môi trường
Chỉ có chưa đến 20% bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh

“Luật Bảo vệ môi trường quy định rác thải phân loại tại nguồn nhưng phân loại xong, sau đó xử lý, sản xuất, tái chế ra sao. Việc sử dụng đầu ra của sản phẩm tái chế như thế nào cũng chưa rõ” – Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đặt vấn đề. Những quy định trong xử phạt vi phạm hành chính trong phân loại rác và không sử dụng bao bì chứa rác đúng quy định có hiệu lực kể từ tháng 8/2022, nhưng chưa có những phương án chi tiết, hành động cụ thể nên vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, việc xử lý rác nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích đầu tư xã hội hóa… làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe đối với cộng đồng, nhất là ở những bãi chôn, lấp rác gây ra nhiều bức xúc cho cử tri và nhân dân.

Rác thải nếu được phân loại và tận dụng triệt để giá trị thì cũng là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt cũng chính là một trong những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị Chính phủ: Triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định rõ lộ trình với những biện pháp cụ thể, phù hợp, khả thi hơn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn; Tiếp tục nghiên cứu, tăng cường hơn nữa các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp trong xử lý, tái tạo chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Có thể nói, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt thời gian qua được nhân dân, cử tri hết sức quan tâm. Trước đó, tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức (tháng 12/2022) đã đặt vấn đề làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt… Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trực tiếp là việc quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề kinh tế - xã hội - môi trường thiết yếu. Nó đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của từng hộ gia đình, cá nhân và toàn thể cộng đồng, xã hội chúng ta… Trong thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt mặc dù đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và từng bước đã có sự chuyển biến, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được tập trung xem xét, giải quyết.

Minh Thư

Theo: Báo Công Thương