"Cá mập" PYN Elite Fund vững tin vào triển vọng sáng của chứng khoán Việt Nam năm 2023

(Banker.vn) Theo ông Petri Deryng, những ngày "giông bão" mà thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua sẽ mang lại triển vọng lợi nhuận tươi sáng trong năm tới. Đồng thời, nhà quản lý quỹ một lần nữa bày tỏ sự tin tưởng tới các cơ quan chức năng trong việc khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư và kỳ vọng rằng những thông tin liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới sẽ tạo nên tín hiệu tích cực cho thị trường.

Các doanh nghiệm niêm yết của Việt Nam có tiểm vọng tăng trưởng kinh tế mạnh nhất khu vực

Theo nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund, ông Petri Deryng chia sẻ thị trường chứng khoán đã trải qua một năm tương đối khó khăn. Tính tới ngày 15/12/2022, VN-Index giảm 29,8% và hiệu suất đầu tư của PYN Elite là -24,7%.

Nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund, ông Petri Deryng.

Nhà đầu tư cá nhân trải qua cú sốc khi cổ phiếu của nhiều công ty lao dốc, thị trường trái phiếu trở nên bất ổn. Tâm lý thị trường trở nên hoảng loạn vào giữa tháng 11, khi nhà đầu tư bỏ tiền vào trái phiếu gặp khó, cùng với đó đợt bán giải chấp khủng diễn ra trên thị trường chứng khoán. Đây là yếu tố đẩy chỉ số VN-Index chạm đáy vào ngày 15/11.

Dù vậy, ông Petri Deryng đánh giá cao các biện pháp thi hành kỷ luật của cơ quan quản lý, giúp loại bỏ các hành vi tiêu cực như thao túng cổ phiếu, xử phạt các doanh nghiệp bất động sản vi phạm trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp.

Tại thời điểm giữa tháng 11, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp vào thời điểm tệ nhất lên tới 28%, cả bên mua và bên bán đều rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, tình hình đã trở nên dần ổn định hơn với mức lợi suất đã giảm xuống 16%, một số công ty bất động sản đã bắt đầu mua lại trái phiếu và đề nghị hoán đổi trái phiếu thành bất động sản. Mặc dù, nhiều nhà đầu tư còn chịu thiệt khi gặp phải những trường hợp trên, sếp PYN ELite Fund vẫn lạc quan rằng thị trường sẽ dần bình tĩnh trở lại.

Diễn biến lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam
Diễn biến lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam

Theo ông Petri Deryng, diễn biến trồi sụt của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay là điều bất thường. Đặc biệt, trong quý 3, đồng VND mất giá, lãi suất tăng cộng thêm việc thị trường TPDN dường như “đóng băng” khiến kênh cổ phiếu chịu áp lực bán tháo. So sánh với các thị trường khác trong khu vực ASEAN, không thị trường nào có mức giảm tương tự. Do đó, thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại khi các vấn đề đang dần được khắc phục.

Người đứng đầu PYN Elite Fund dự phóng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết Việt Nam sang năm 2023 là 13,9% với định giá P/E Forward 2023 ở mức 9,7 lần.

“Sự tự tin trên thị trường được cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ chuyển động cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế Việt Nam và mức tăng lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp trong năm 2021. Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ nhất”, sếp PYN Elite Fund cho biết.

Kỳ vọng nền kinh tế có thể tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023

Trong mối tương quan giữa thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô của Việt Nam và một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines, PYN Elite Fund chỉ ra rằng, các đồng tiền châu Á thời gian qua đã mất giá do đồng USD đã tăng giá cực kỳ mạnh 2 năm qua. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối đã có bước chuyển mình nhanh chóng khi kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất trong năm sau của Mỹ sẽ hạ nhiệt. Sếp Pyn Elite Fund cũng tin tưởng rằng đồng tiền châu Á có khả năng mạnh lên so với đồng USD khi Mỹ bước vào giai đoạn cắt giảm lãi suất.

Nhiều yếu tố bất ngờ xảy ra trên thị trường tài chính Việt Nam dẫn tới lãi suất gia tăng. Điều này tạm thời làm chậm tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Dù vậy, ông Petri Deryng vẫn đặt kỳ vọng lớn vào nền kinh tế có thể tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023.

Ông Petri Deryng cùng đội ngũ của mình đã tận dụng thời cơ để mua cổ phiếu ở mức giá thấp nhất nhờ khoản tiền mặt tích luỹ. Trong tỷ trọng danh mục đầu tư của PYN Elite, nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng tới 9%. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng triệt để các điều kiện hiếm có trên thị trường và có tháng 11 mua ròng kỷ lục 685 triệu USD (gần 17.000 tỷ đồng).

Theo ông Petri Deryng, những ngày "giông bão" mà thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua sẽ mang lại triển vọng lợi nhuận tươi sáng trong năm tới. Cũng trong tháng 11, quỹ ngoại đến từ Phần Lan cho biết đã tận dụng được những “nhiễu loạn” của thị trường để chớp lấy cơ hội.

Đồng thời, nhà quản lý quỹ một lần nữa bày tỏ sự tin tưởng tới các cơ quan chức năng trong việc khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư và kỳ vọng rằng những thông tin liên quan đến TPDN thời gian tới sẽ tạo nên tín hiệu tích cực cho thị trường.

PYN Elite Fund "ôm" cổ phiếu nào?

Báo cáo hoạt động mới công bố của PYN Elite Fund cho thấy, trong tháng 11, hiệu suất tăng trưởng danh mục đầu tư cổ phiếu Việt Nam tăng xấp xỉ 11%. Như vậy, sau 2 tháng “chật vật” với hiệu suất đều âm trên 10%, danh mục của PYN Elite đã hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất của quỹ đầu tư đến từ Phần Lan vẫn âm đến hơn 29%.

Tính đến thời điểm 30/11, giá trị tài sản ròng (NAV) của PYN Elite đạt 390,85 triệu Euro (~9.800 tỷ đồng). Trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiếm 87,3% NAV có đến 5 cổ phiếu ngân hàng và chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm). Đây là lần đầu tiên chứng chỉ quỹ ETF này lọt vào top 10 khoản đầu tư lớn nhất của PYN Elite.

Trong tháng 11, PYN Elite Fund đạt hiệu suất tăng trưởng danh mục đầu tư cổ phiếu Việt Nam tăng xấp xỉ 11%.

Nhìn chung, hầu hết các cổ phiếu tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ ngoại này đều có hiệu suất khả quan. Thậm chí, 3 cái tên VHM (Vinhomes), VRE (Vincom Retail) và STB (Sacombank) còn tăng trên 20%. Đáng chú ý, cổ phiếu STB dù chỉ mới lọt vào top 10 các khoản đầu tư lớn nhất trong tháng 11 vừa qua nhưng đã đóng góp không nhỏ vào hiệu suất chung của quỹ.

Tính riêng trong nhóm ngân hàng, từ đầu tháng 11, cổ phiếu STB luôn dẫn đầu thanh khoản đầu ngành, và đây cũng là mã được khối ngoại gom mạnh nhất.

Thực tế, không chỉ quỹ ngoại PYN Elite Fund, nhóm quỹ Dragon Capital mới đây cũng không ngại chi khoảng hơn 111 tỷ đồng mua ròng tổng cộng 5,1 triệu cổ phiếu STB để trở thành cổ đông lớn của Sacombank, ngay sau khi cổ phiếu STB đã tăng gần 50% từ đáy vào giữa tháng 11.

Về Sacombank, đây hiện là ngân hàng lớn thứ 6 về quy mô tín dụng và lớn thứ 4 về chi nhánh. Nhờ mạng lưới rộng lớn và cơ sở khách hàng dồi dào, bancassurance của nhà băng này đạt hiệu quả hoạt động đứng top 3. Theo báo cáo tài chính, thu nhập phí ròng 9 tháng năm 2022 tăng 82% so với cùng kỳ và đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, với sự đóng góp phần lớn đến từ bancassurance. Tuy nhiên, Sacombank vẫn đang chịu gánh nặng lớn về tài sản không hoạt động (NPA) do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước. Hàng năm, ngân hàng này phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng NPA, bởi vậy tăng trưởng có vẻ yếu hơn so với thực tế.

Dù vậy, PYN Elite hy vọng tất cả NPA của Sacombank sẽ bị xóa trong năm 2023. Ngoài ra, Sacombank cũng ít liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cũng như các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn. Đây cũng là lý do chủ yếu khiến quỹ đầu tư đến từ Phần Lan gia tăng đáng kể tỷ trọng cổ phiếu của ngân hàng này trong giai đoạn thị trường sụt giảm đầu tháng 11.

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán