Buôn lậu thuốc lá: Vấn nạn dai dẳng và những giải pháp cấp bách

(Banker.vn) Thực tế cho thấy tình trạng buôn lậu thuốc lá đang ngày càng gia tăng và trở thành vấn nạn xã hội, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Khói thuốc lá: Kẻ thù thầm lặng đe dọa sức khỏe cộng đồng Kiến nghị xử lý mạnh tay, tăng cường chống buôn lậu thuốc lá Nguy cơ từ thuốc lá giả và thách thức trong phòng chống tác hại thuốc lá

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), dù các đơn vị chức năng đã ráo riết vào cuộc nhằm đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá, nhưng với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để đưa mặt hàng này vào tiêu thụ trong thị trường nội địa vì mức siêu lợi nhuận.

Mỗi năm các lực lượng chức năng cả nước bắt giữ hơn 10 nghìn vụ vi phạm, tịch thu hơn 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu. Nhưng nhìn chung, số vụ buôn lậu thuốc lá được phát hiện, bắt giữ thời gian qua được nhìn nhận chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế.

Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận phối hợp xử lý thuốc lá nhập lậu.
Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận phối hợp xử lý thuốc lá nhập lậu.

Việc xử lý chỉ mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ chứ chưa tận gốc nên sau một thời gian hoạt động, buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục tái diễn.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2022 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra gần 2.200 vụ, xử lý 1.600 vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, với số lượng bao thuốc và tương đương xử lý hơn 126 nghìn bao; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 7,7 tỷ đồng.

Hiện các đường dây vận chuyển thuốc lá lậu được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp. Chúng thường hoạt động vào ban đêm và liên tục thay đổi địa điểm tập kết hàng hóa ở các kho biên giới. Thuốc lá lậu được ngụy trang cất giấu rất tinh vi, sau đó dùng xuồng máy tốc độ cao hoặc thuê người đeo vác, vận chuyển băng qua đường biên giới.

Thực tế cho thấy tình trạng buôn lậu thuốc lá đang ngày càng gia tăng và trở thành vấn nạn xã hội, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ gây thất thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, buôn lậu thuốc lá còn làm rối loạn thị trường, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Để đối phó với tình trạng này, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2012. Luật này đã tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc để phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó có việc ngăn chặn buôn lậu.

Luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định rõ các hành vi vi phạm liên quan đến buôn lậu thuốc lá và mức xử phạt tương ứng. Cụ thể, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền rất cao đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu. Bộ luật Hình sự cũng quy định mức án tù đối với các vụ việc nghiêm trọng.

Luật sư Tuấn cho biết, về hình thức xử phạt, tại Điểm b Khoản 8 Điều 8 Mục 2 Chương II Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên.

Trong khi đó, theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 191 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên.

Mặc dù đã có những quy định pháp luật chặt chẽ, nhưng việc ngăn chặn buôn lậu thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn. Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá lớn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn lậu.

Để giải quyết vấn đề này, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tuyên truyền rộng rãi về tác hại của thuốc lá lậu và khuyến khích người dân không mua bán, sử dụng thuốc lá lậu.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn buôn lậu thuốc lá xuyên quốc gia. Điều chỉnh thuế để giảm chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu.

Do đó, cùng với mức phạt tăng cao đồng thời áp dụng mở rộng tới cả người mua, người sử dụng thuốc lá cũng cần nâng cao ý thức trong việc tuân thủ quy định, thận trọng lựa chọn địa điểm mua thuốc lá uy tín nhằm tránh tình huống bị xử phạt”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Buôn lậu thuốc lá là một vấn nạn phức tạp, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, kết hợp với các giải pháp đồng bộ khác là điều cần thiết để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục