"Buồn" của Chủ tịch Hải Phát (HPX)

(Banker.vn) Trong một phiên giao dịch mới đây, Chủ tịch của Hải Phát vừa mua vào cổ phiếu HPX đã bị bán giải chấp gần hết...

Sau khi bán giải chấp hơn 2,3 triệu cổ phiếu trong ngày 06/12, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) ông Đỗ Quý Hải đã tiếp tục bán giải chấp gần 3,9 triệu cổ phiếu HPX trong phiên 08/12/2022. Theo đó, tổng số cổ phiếu HPX ông Hải đã bán giải chấp từ cuối tháng 11 đến hết phiên 08/12 đã đạt gần 56 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 18% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty.

Song song với việc bán giải chấp gần 3,9 triệu cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT HPX đã mua vào 3,99 triệu cổ phiếu trong số 5 triệu cổ phiếu đăng ký mua từ ngày 18/11 - 16/12/2022. Nếu tính chênh lệch giữa 2 giao dịch, ông Hải đã mua vào 135.500 cổ phiếu trong phiên 08/12. Kết quả, tỷ lệ sở hữu của ông Hải sau phiên 08/12 tăng nhẹ từ 22,94% lên 22,98%.

Ở diễn biến khác, em trai ông Hải là ông Đỗ Quý Đường đã bán giải chấp 200.000 cp trong phiên 08/12/2022. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của ông Đường giảm từ 0,2% xuống còn 0,17%, tương ứng 523.694 cổ phiếu.

Trên thị trường, cổ phiếu sau 4 phiên giảm sàn liên tục từ 5-8/12 xuống vung giá rẻ chưa từng có đã bất ngờ có tín hiệu “giải cứu” khi thị giá tăng 2,8% lên 6.990 đồng/cp trong phiên 9/12, thanh khoản cũng ở mức cao với hơn 39 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Nhờ phiên tăng bất ngờ cuối tuần giúp Hải Phát tránh việc lần thứ 3 phải giải trình cổ phiếu giảm sàn liên tục 5 phiên. Dù vậy, với 6,990 đồng/cp vào cuối phiên 09/12, giá cổ phiếu HPX vẫn còn cách xa so với hồi đầu năm.

Hoạt động bán giải chấp của công ty chứng khoán đối với gia đình Chủ tịch Hải Phát vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thống kê từ phiên 28/11 tới hết phiên 8/12, ông Đỗ Quý Hải cùng người thân đã bị công ty chứng khoán ép bán tới gần 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Tạm tính theo mức giá đóng cửa tại các phiên giao dịch, số cổ phiếu bị giải chấp của gia đình Chủ tịch Hải có giá trị khoảng 530 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu HPX thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Về tình hình kinh doanh của Hải Phát, quý III/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 725,7 tỷ đồng, tăng gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 92,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Hải Phát đạt gần 1.308 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30%. Song, lợi nhuận sau thuế giảm 35% so với cùng kỳ, đạt hơn 123 tỷ đồng do chi phí tài chính lũy kế tăng cao.

Tính tới 30/9/2022, Hải Phát đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Theo thuyết minh của Báo cáo tài chính quý III/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ 2.650,04 tỷ đồng dài hạn liên quan tới 8 lô trái phiếu.

Cụ thể, lô trị giá 449,82 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Navibank; lô 349,79 tỷ đồng được tư vấn bởi Navibank; lô 300 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 255,47 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán MB; lô 496,45 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 298,73 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam; lô 249,78 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Dầu khí; và lô 250 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Bảo Việt.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán