"Bừng sáng" tháng 7 và xu hướng của cổ phiếu ngân hàng cuối năm

(Banker.vn) Tháng 7 vừa tiếp tục chứng kiến sự tỏa sáng đáng kể của cổ phiếu nhóm ngân hàng, triển vọng những tháng cuối năm của cổ phiếu ngành này cũng tương đối tích cực...

Cổ phiếu ngân hàng "bừng sáng" tháng 7

Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.222,9 điểm, tăng 9,17%; VNAllshare đạt 1.206,52 điểm, tăng 10,07% và VN30 đạt 1.230,81 điểm, tăng 9,59% so với tháng 6/2023. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 7 cũng ghi nhận khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 875,52 triệu cổ phiếu và 18.269 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,23% về khối lượng bình quân và tăng 8,17% về giá trị bình quân so với tháng 6/2023.

Vốn hóa ngành ngân hàng dâng cao nhờ đóng góp từ ba ông lớn "gốc" Nhà nước với BIDV (BID) tăng 9%, Vietcombank (VCB) tăng 8% và VietinBank (CTG) tăng 2%

Chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 31/07 tăng 40,81 điểm so với cuối phiên 30/06 lên mức 635,61 điểm. Giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng tăng 149.647 tỷ đồng, lên mức gần 1,77 triệu tỷ đồng (tính đến 31/07/2023), tỷ lệ tăng tương đương 9% so với mức 1,62 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 6.

Vốn hóa ngành ngân hàng dâng cao nhờ đóng góp từ ba ông lớn "gốc" Nhà nước với BIDV (BID) tăng 9%, Vietcombank (VCB) tăng 8% và VietinBank (CTG) tăng 2%.

Bên cạnh đó, vốn hóa của nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân cũng tăng cao. Với mức tăng 30%, SSB trở thành cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa tăng mạnh nhất hệ thống trong tháng qua, từ 55,190 tỷ đồng lên mức 71,525 tỷ đồng. Động lực thúc đẩy vốn hóa SSB tăng không chỉ đến từ thị giá tăng 8% so với cuối tháng 6 mà còn đến từ khối lượng cổ phiếu lưu hành tăng hơn 413.4 triệu cp trong tháng qua, tỷ lệ tăng hơn 20% sau khi nhà băng này hoàn tất phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 và thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Các ngân hàng còn lại có thị giá tăng đẩy vốn hóa tăng theo là SHB (tăng 19%), VPB (tăng 12%), MBB (tăng 7%)…

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVB có thị giá giảm mạnh nhất trong tháng 7, với mức giảm 4% kéo theo vốn hóa giảm tương ứng.

Có thể thấy, cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền giúp thị giá lẫn thanh khoản đều tích cực trong thời gian vừa qua khi nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ mở rộng và các hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Trong kịch bản này, ngành ngân hàng sẽ thể hiện rõ nhất sự phục hồi của nền kinh tế.

Giá cổ phiếu ngân hàng thay đổi so với phiên 30/6/2023

Tháng 7 này có gần 196 triệu cổ phiếu ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, tăng 11% so với tháng 6, tương đương tăng 19,6 triệu cp/ngày. Giá trị giao dịch tăng 13%, đạt gần 4.086 tỷ đồng/ngày.

PGB là cổ phiếu có thanh khoản tăng mạnh nhất trong tháng qua, với hơn 8,2 triệu cổ phiếu được chuyển giao mỗi ngày, gấp 42,5 lần so với tháng trước, trong đó có hơn 7,4 triệu cp/ngày được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Các ngân hàng cũng có thanh khoản tăng mạnh là VBB (gấp gần 5 lần), MSB (tăng 93%), SGB (tăng 79%)…

Ở chiều ngược lại, BVB có thanh khoản giảm mạnh nhất trong tháng qua, chỉ còn 386.084 cp/ngày, giảm 40% so với tháng trước.

Tháng này, thanh khoản cổ phiếu SHB tiếp tục dẫn đầu với gần 22 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh mỗi ngày và gần 4 triệu cp/ngày được sang tay, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 25 triệu cổ phiếu, giảm 17% so với tháng trước.

BAB là nhà băng có thanh khoản thấp nhất chỉ với 9.599 cổ phiếu được giao dịch mỗi ngày, giá trị chỉ gần 135 triệu đồng/ngày.

Trong tháng 7, khối ngoại đã bán ròng gần 118 triệu cổ phiếu ngành ngân hàng. Giá trị bán ròng đạt gần 2.757 tỷ đồng, gấp 2,6 lần tháng 6. Cổ phiếu SHB tiếp tục được khối ngoại mua mạnh nhất với hơn 10 triệu cổ phiếu (137 tỷ đồng) trong tháng qua. Trái lại, EIB là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng lớn nhất, với gần 38 triệu cổ phiếu, giá trị tương đương 756 tỷ đồng.

Xu hướng những tháng cuối năm

Đánh giá về cổ phiếu ngân hàng thời gian vừa qua, ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc kinh doanh chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: Hầu hết các cổ phiếu đều có mức độ tăng cao hơn VN-Index và nhiều cổ tăng gấp đôi thậm chí gấp hơn 4 lần. Theo dự đoán của tôi, trong ngắn hạn, nhiều cổ phiếu có nhịp bật tăng tốt gồm: VCB, HDB, VPB, SHB, LPB...

Cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn 1-2 tuần gần đây chủ yếu ở trạng thái tích lũy tăng nhẹ, chỉ có một số bị bán mạnh ở một vài phiên như: STB, HDB, NAB còn phần lớn ở trạng thái giao dịch quanh MA. Các cổ phiếu bị bán mạnh có thể là do hiện tượng chốt lời của nhà đầu tư.

Dự báo về diến biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Việt Quang nhận định, quý này báo cáo ngành ngân hàng được công bố khá chậm, mới chỉ một số ngân hàng công bố. Nhìn chung vẫn tăng trưởng kết quả kinh doanh so với cùng kỳ nhưng kèm đó là nợ xấu cũng tăng khá mạnh.

Xu hướng nhóm cổ phiếu này từ giờ đến cuối năm có thể sẽ chia làm các nhóm:

Thứ nhất, nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh nếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, quản trị nợ xấu tốt khả năng sẽ có nhịp tăng tốt vào cuối năm.

Thứ hai, nhóm cổ phiếu tăng mạnh hoặc chưa tăng mạnh có kết quả kinh doanh yếu nợ xấu tăng trưởng cao khả năng sẽ có điều chỉnh hoặc đi ngang (sideway).

"Theo tôi nhóm ngân hàng từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục phân hóa và chúng ta cần lựa chọn những cổ phiếu cơ bản tốt kỹ thuật đẹp để đầu tư", ông Quang khuyến cáo.

Mới đây, tại chương trình "Bí mật đồng tiền mùa 2 - Số 20: Nhà băng không lạnh", phát sóng trên nền tảng VTV Digital, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngành ngân hàng vẫn đang rất khó khăn do thu nhập từ lãi và ngoài lãi đang có tín hiệu sa sút; chất lượng tài sản chưa tích cực do những khó khăn chung của thị trường; chi phí vốn cao…Các nhà băng vẫn đang phải gồng mình đảm bảo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023 và khó có thể kỳ vọng lợi nhuận vượt trội.

Tuy nhiên, nếu xem xét quá khứ, ngành ngân hàng có lãi trên vốn chủ cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác, do đó nhà đầu tư có thể kỳ vọng tỷ lệ cổ tức cao từ các nhà băng. Đồng thời, những cổ phiếu có tỷ suất sinh lời trên 20% rất ít có trên thị trường, song lại thường xuất hiện trong ngành ngân hàng. Đầu tư vào ngành này vì thế là một quyết định không tệ.

Nhà đầu tư khi muốn rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng không nên chỉ nhìn mỗi giá, mà còn cần phải xem xét hiệu quả hoạt động, tính ổn định, lành mạnh và bền vững của ngân hàng.

"Trong trường hợp chúng ta mua, cổ phiếu giảm giá và bị kẹt lại ở đấy, kinh nghiệm của tôi cho thấy, cứ bình tĩnh, để đấy, một vài năm sau cổ phiếu sẽ lên, thậm chí là lên rất nhiều lần, lãi vài nghìn phần trăm. Điều quan trọng là nhà đầu tư có kiên nhẫn hay không. Ngành ngân hàng có điều kiện gia nhập không dễ. Việc có được giấy phép thành lập một ngân hàng rất khó khăn. Chưa kể, với các quy định quản lý nghiêm ngặt thì ngân hàng càng phải đi vào hiệu quả hơn. Do đó, tôi nghĩ đầu tư vào ngành này là một quyết định không tệ, quan trọng là ngân hàng nào", ông Nguyễn Hưng chia sẻ.

Thị trường sắp bước vào vùng trũng thông tin, VNDirect gợi ý hai nhóm ngành tiềm năng

VNDirect cho rằng, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là vùng trũng thông tin và đà tăng của thị trường ...

Vietcombank tiếp tục giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho toàn bộ khoản vay đến hết năm 2023

Tối ngày 2/8, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố giảm lãi suất cho vay đồng loạt với mức 0,5%/năm ...

Lộ diện ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất tháng 8/2023

Khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm (lãi suất huy động) niêm yết trên website của các ngân hàng trong nước cho thấy ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục