“Bùng nổ” ngành công nghiệp livestream bán hàng: Doanh nghiệp có dễ tiếp cận?

(Banker.vn) ‘Sức nóng’ của công nghiệp livestream bán hàng đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử, nhưng với ngành hàng đặc thù, việc này không dễ tiếp cận.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Quản lý livestream bán hàng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Bán hàng qua livestream: Làn gió mới cho doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp tiếp cận bán hàng qua kênh livestream không dễ

Trong xu hướng chung về bán hàng online, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khóa Việt Tiệp cho biết, từ những năm 2020, Công ty đã đầu tư bán hàng trên nền tảng Shopee và Lazada. Tuy nhiên, mặt hàng kim khí có đặc thù riêng, bởi sau khâu bán hàng còn khâu lắp đặt, bảo hành, bảo trì nên hiệu quả từ kênh bán này chưa cao.

Tuy nhiên, trước xu thế livestream mạnh mẽ như hiện nay, đây cũng là vấn đề rất đáng quan tâm đối với các doanh nghiệp như Việt Tiệp. Bởi theo ông Hùng, với các mặt hàng tiêu dùng như may mặc, quần áo, giày dép thì việc livestream rất đơn giản. Người tiêu dùng có thể cảm nhận được sản phẩm qua hình ảnh. Nhưng với sản phẩm kim khí, đôi khi có thương hiệu rồi nhưng người tiêu dùng cần phải kiểm tra rồi mới mua sản phâ·.

Livestream bán hàng là một hình thức tiếp cận khách hàng mới, nhằm đưa sản phẩm nông sản địa phương đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng
Livestream bán hàng là một hình thức tiếp cận khách hàng mới, nhằm đưa sản phẩm nông sản địa phương đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng

Không chỉ ở những mặt hàng đặc thù như kim khí, với các sản phẩm thực phẩm, bà Đinh Thị Hải Yến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm – cho hay, đơn vị cũng đang triển khai các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng gặp một số vướng mắc ở khâu logistics và nhiều rủi ro khác.

Ví dụ như khi sử dụng các cộng tác viên bán hàng, đôi khi doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi các cộng tác viên này sử dụng hàng giả với thương hiệu của doanh nghiệp để lừa dối người tiêu dùng.

Do đó, bà Đinh Thị Hải Yến cho rằng, các cá nhân, đơn vị khi bán hàng livestream và trên sàn thương mại điện tử phải có pháp nhân, đăng ký để có trách nhiệm với người tiêu dùng, hạn chế rủi ro. Hiện tại, các kênh KOLs, KOC bán hàng trên các nền tảng TikTok, Facebook là cá nhân, nếu có chủ đích lừa sẽ dễ dàng qua mặt khách hàng.

“Những cá nhân, đơn vị khi tham gia bán hàng livestream phải thông báo cho các cơ quan quản lý thông tin về phiên bán hàng với định danh người bán, hạn chế rủi ro cho khách hàng”, bà Đinh Thị Hải Yến đề xuất.

Mua sắm qua livestream đang chiếm tới 62%

Khẳng định “sức nóng” của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - chia sẻ, ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2 - 3 tiếng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Hiệp, hiện nay, với sự phát triển của mạng lưới thiết bị di động được kết nối toàn cầu, việc bán hàng livestream trên các thiết bị công nghệ đã trở thành một hình thức kinh doanh online không thể thiếu đối với các doanh nghiệp. Mua sắm qua livestream đang chiếm tới 62% các loại hình bán hàng online hiện nay.

Tuy tăng trưởng nhanh và liên tục nhưng thương mại điện tử của Việt Nam nói chung, trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại không ít hạn chế, livestream cũng tồn tại nhiều thách thức trong việc chiếm được lòng tin của người dùng.

Khi theo dõi và mua hàng bằng hình thức livestream, khách hàng không được trực tiếp cầm sản phẩm, không được trải nghiệm sản phẩm như những mô hình mua sắm truyền thống. Do đó, có thể phát sinh các trường hợp bán hàng không đúng với cam kết, xảy ra trường hợp bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người tiêu dùng mất lòng tin đối với hình thức mua bán qua mạng xã hội. Điều này gây ra khó khăn đối với các đơn vị bán hàng uy tín.

Trước thực trạng đó, Sở Công Thương đang phối hợp với Cục Thuế Hà Nội xây dựng đề án quản lý hình thức bán hàng livestream nhằm quản lý các đối tượng bán hàng, đồng thời xác định địa chỉ người bán hàng, có đăng ký kinh doanh hay không…, vừa bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo văn bản số 316/TB-VPCP ngày 12/7/2024 thông báo kết luận Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung quy định các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng phải được định danh đầy đủ trên các nền tảng trước khi thực hiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp và lộ trình làm sạch tài khoản cho các trang thương mại điện tử và các trang mạng xã hội thực hiện hoạt động kinh doanh, quảng cáo. Các đơn vị cần rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, kỹ thuật để sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử đáp ứng mục tiêu quản lý hoạt động thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Bổ sung quy định thu hồi giấy phép hoạt động livestream bán hàng khi có vi phạm.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục