Bùng nổ livestream bán hàng (bài 2) - Chính phủ cùng các địa phương vào cuộc

(Banker.vn) Là điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, việc chuyển hướng sang thương mại điện tử, trong đó có livestream bán hàng đang là xu thế tất yếu.
Bùng nổ livestream bán hàng (bài 1): Làn gió mới giúp doanh nghiệp vượt khó Nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản chợ Bến Thành "cháy" hàng khi livestream

“Cuộc đua” cảm xúc đem đến hiệu quả kinh doanh vượt kỳ vọng

Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, với doanh thu 20,5 tỷ USD năm 2023, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.

Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 và dự báo năm 2024 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) mới công bố cho thấy, doanh thu thương mại điện tử B2C năm 2023 đạt gần 500 nghìn tỷ đồng và dự báo con số này sẽ đạt khoảng gần 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.

Đáng chú ý, tính riêng 2023, có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310 ngàn tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.

“So với tăng trưởng doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C, mức tăng trưởng của 5 sàn bán lẻ trực tuyến đang cao hơn và nhanh hơn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ năm 2022 đến năm 2023. Điều này cho thấy, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, theo cùng với xu hướng thế giới”, các chuyên gia Metric đánh giá.

Bùng nổ livestream bán hàng (bài 2) - Chính phủ cùng các địa phương vào cuộc
Livestream bán hàng giúp nhiều doanh nghiệp hồi sinh

Một điểm đáng lưu ý, theo các chuyên gia, năm 2023 với sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới điển hình là livestream và bán hàng đa kênh, mang về nguồn thu lớn cho các sàn. Trong đó, livestream là cuộc chơi có thể giải quyết được tất cả những băn khoăn của khách hàng khi mua sắm trực tuyến: Được ngắm nhìn sản phẩm và được tư vấn trực tiếp, nhanh chóng bởi người bán, mã giảm giá tung liên tục theo từng thời điểm khiến người mua có quyết định “chốt đơn” nhanh hơn.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, livestream bán hàng được xem là hướng đi tất yếu trong tương lai khi hạ tầng công nghệ thông tin và các nền tảng hỗ trợ đang ngày càng phát triển; logistics ngày càng chuyên môn hóa sâu giúp quá trình vận chuyển trở nên rẻ, nhanh và đáng tin cậy.

Hình thức bán hàng B2C (Business to Consumer) này giúp loại bỏ được các khâu trung gian, đưa các sản phẩm từ nơi sản xuất đến tận tay người dùng. Nhà sản xuất nhờ vậy sẽ có lợi nhuận tốt hơn, còn người dùng cũng được mua hàng tận gốc với giá cả hợp lý.

Với sự tiện ích có thể xem livestream ở bất cứ đâu khi chỉ cần có một chiếc smartphone kết nối mạng internet, khiến nhiều người hình thành thói quen mua hàng qua livestream. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bán hàng qua livestream có thể đem lại hiệu quả gấp 10 lần so với thương mại điện tử thông thường.

Sự bùng nổ của hình thức livestream cũng như các nền tảng thương mại điện tử đang tạo thành làn sóng thay đổi cách thức bán lẻ tại Việt Nam. Các doanh nghiệp hiện tại ưu tiên các ứng viên marketing/sales có kỹ năng, kinh nghiệm livestream hoặc thuê các streamer chuyên nghiệp để livestream bán hàng. Nhiều tỉnh, thành cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng, mở các lớp đào tạo kỹ năng bán hàng qua livestream cho nông dân, doanh nghiệp, tiểu thương để xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương.

Chính phủ, địa phương cùng vào cuộc

Phát triển kinh tế số đang ngày càng lan tỏa tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, chương trình. Cụ thể như Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đã xác định: “Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030”. Đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Hiện tại, công cuộc chuyển đổi số đã bước sang năm thứ 4. Nếu như 2 năm đại dịch 2020-2021, chuyển đổi số được thực hiện song song, đồng hành và có phần âm thầm thì từ năm 2022 đến nay, chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn tăng tốc, gặt hái hiệu quả ước lượng được.

Từ chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện hàng loạt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh trên thương mại điện tử. Điển hình như, tháng 4/2023, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La và nền tảng mạng xã hội TikTok tổ chức khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tháng 5/2023, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với với Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh tổ chức Chương trình kết nối thị trường với các sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tỉnh Trà Vinh bán hàng trực tuyến.

Cùng với đó, năm 2023 nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với TikTok triển khai 15 khoá đào tạo tập huấn về việc nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, áp dụng cho các đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và tập trung vào kỹ năng mang tính xu thế hiện nay là livestream bán hàng, thu hút 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham dự.

Tại các địa phương, việc thực hiện phát triển kinh tế số liên tục được đẩy mạnh. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua thành phố liên tục có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy kinh tế số như: Chương trình Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông sản đặc sản tại huyện Cần Giờ và sự kiện Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP. Hồ Chí Minh 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành; Ngày hội Mua sắm Tết TP. Hồ Chí Minh - Chợ Thủ Đức trực tuyến… đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Nói về phát triển vượt bậc của bán hàng qua thương mại điện tử nói chung, livestream nói riêng, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tăng mạnh. Năm 2023, thành phố chiếm 23% quy mô thương mại điện tử cả nước, với doanh số bán hàng (tính theo vị trí kho) đạt 4,7 tỷ USD. Cùng đó, người dân TP. Hồ Chí Minh chi tiền nhiều nhất để mua hàng trên mạng, khoảng 6,2 tỷ USD, chiếm 29%. Ngoài ra, trong cơ cấu thương mại điện tử, hoạt động về mua sắm kết hợp giải trí trên các nền tảng xã hội có sự phát triển mạnh. Đơn cử như hình thức livestream bán hàng, đáp ứng nhu cầu của cả người tiêu dùng và người bán hàng phát triển mạnh.

Theo ông Hùng, sắp tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho thương nhân, đưa hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống, cụ thể là chuỗi các hoạt động livestream tại chợ. "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh đưa thương mại điện tử vào chợ truyền thống, tổ chức chuỗi livestream, đào tạo thương nhân, đội ngũ KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng)", ông Hùng cho biết.

Bài 3: Cần chiến lược dài hơi

Hà Linh - Ngọc Thùy

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục