Bùng nổ các xu hướng công nghệ trong mùa dịch

(Banker.vn) Đại dịch với sự trợ giúp của công nghệ đã giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn với nhiều người. Các phần mềm trò chuyện trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Facebook Workplace,... đã biến những việc tưởng như phải gián đoạn vì dịch như làm việc, cưới xin, tổ chức sự kiện,... nay một bước "lên mây".

Phát triển thương mại điện tử phải đảm bảo an toàn, an ninh mạng

Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp

Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á

Bùng nổ các hoạt động trực tuyến đã giúp Zoom - một ứng dụng gọi video, trở thành một trong những công ty có giá trị vốn hóa tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào tháng 5/2020, đạt 48,8 tỷ USD - vượt qua tổng giá trị 46,2 tỷ USD trong cùng thời điểm của 7 hãng hàng không hàng đầu lúc đó. Ông Eric Yuan - người sáng lập kiêm chủ tịch Zoom cho biết vào những giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, đã có hơn 300 triệu người sử dụng mỗi ngày.

1845-congnghe
Ảnh minh họa

Tương tự làm việc, học tập vốn là hoạt động đòi hỏi phải đến trường lớp thực nghiệm thì nay cũng được số hóa bằng hình thức trực tuyến. Hàng triệu học sinh, sinh viên đã trải qua những năm học chỉ có màn hình laptop làm bạn.

Tại Việt Nam, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc cũng tiếp cận hình thức học tập từ xa, chủ yếu qua Zoom và Zalo - một nền tảng trò chuyện trực tuyến nội địa, bắt đầu từ giữa năm 2020. Ngoài ra, trên kênh truyền hình cũng phát các bài giảng để phục vụ cho việc học tại nhà.

Ngoài ra, hàng loạt các ứng dụng công nghệ đồ ăn cũng "ra đời" như "Cà phê mang đi", “Đồ ăn mang về”, "Chỉ bán online"...Dịch bệnh đã khiến dịch vụ giao đồ ăn tận nơi được ưa chuộng và đạt được những con số đáng kinh ngạc.

Khảo sát từ Nielsen Vietnam cho thấy trong thời điểm dịch bệnh, chỉ riêng lĩnh vực đặt đồ ăn online, có đến 62% khách hàng Việt Nam có xu hướng muốn mua đồ về nhà ăn. Khảo sát của Kantar thực hiện năm 2020 cũng cho kết quả tương tự khi 43% người dân TP HCM và 34% người dân Hà Nội đặt đồ ăn trực tuyền ít nhất một lần mỗi tuần.

Đặc biệt, vì mối lo ngại dịch bệnh, người dân sẽ có hai lựa chọn mua đồ ăn là mua mang đi và đặt giao tận nhà, nhưng tỷ trọng đặt đồ ăn giao tận nhà lại cao gấp đôi so với mua mang đi.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ riêng Grab trong mảng giao đồ ăn đã có trên 100.000 đối tác là nhà hàng, quán ăn tính đến giữa năm 2020, tương đương với hơn 800.000 lựa chọn món ăn được cung cấp. Do đó, chỉ cần ngồi nhà mở ứng dụng trên điện thoại thông minh, khách hàng có thể tiếp cận với số lượng món ăn như trên - thế mạnh mà các nhà hàng truyền thống không làm được.

Không chỉ đặt đồ ăn, trên cùng một ứng dụng, khách hàng cũng có thể sử dụng các dịch vụ khác như gọi xe, giao hàng, thanh toán hóa đơn điện nước, đặt vé tàu xe, vay tiêu dùng,... qua vài thao tác lướt chạm trên màn hình điện thoại.

Thuật ngữ siêu ứng dụng dùng để chỉ nền tảng tất cả trong một - những ứng dụng này thường được tích hợp nhiều công nghệ khác nhau, từ thanh toán điện tử, nhắn tin, tìm kiếm, giao nhận, đặt xe, đi chợ hộ đến kết bạn, tra cứu thông tin hành chính... Xuất hiện từ trước COVID-19, nhưng đại dịch mới là chất xúc tác để những siêu ứng dụng này bùng nổ.

Từ khi công nghệ phát triển, chưa lúc nào trong lịch sử của mình, con người lại cảm thấy cô đơn đến thế. Những lượt like trên Facebook, Instargram,... những kho phim, ứng dụng khổng lồ khiến người ta dễ dàng đắm chìm trong một thế giới riêng trên chiếc smartphone.

Nhiều người lệ thuộc vào công nghệ đến mức sẽ không tìm được đường đi nếu thiếu Google Maps, không thể ngủ ngon nếu không nghe một bản nhạc trên Sportify, hoặc không thể có một bữa ăn tử tế nếu không dùng GoFood.

Công nghệ quả thực đã góp phần kiến tạo cuộc sống ngày một tiện lợi và dễ dàng hơn, song để cuộc sống bị công nghệ chi phối từ tiếng chuông báo thức mỗi sớm mai đến dòng tin nhắn chúc ngủ ngon mỗi tối thì lại là lỗi của con người. Và người dùng, như thường lệ vẫn giữ quyền chủ động - bạn có thể lựa chọn đặt smartphone xuống hoặc không.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục