Vicem cho biết tiêu thụ xi măng trong nước của toàn xã hội trong quý III đạt gần 12 triệu tấn, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng Vicem đạt gần 4 triệu tấn giảm khoảng 21% so với cùng kỳ và bằng 71,5% so với kế hoạch quý.
Việc xuất khẩu xi măng của toàn Vicem cũng giảm do thị trường xuất khẩu chính là Philippines,Trung Quốc gặp khó khăn do đang là mùa mưa bão và tình trạng bùng phát dịch bệnh gần đây (Philippines), cước tàu biển tăng cao và rất khó thuê được tàu.
Theo kế hoạch quý III/2021, Vicem dự kiến đạt doanh thu thuần 8.890 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 428,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Vicem chỉ đạt lợi nhuận trước thuế quý III toàn tập đoàn hơn 3% kế hoạch quý (khoảng 13 tỷ đồng), bằng 2,4% so cùng kỳ 2020. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ giảm 62%, các công ty sản xuất xi măng lỗ 79,6 tỷ, giảm gần 391 tỷ đồng so cùng kỳ.
Theo thống kê, nhiều doanh nghiệp xi măng họ Vicem có doanh thu bị sụt giảm, đa số nguyên nhân đến từ việc tiêu thụ khó khăn tại thị trường nội địa, và công ty không thể tăng giá bán. Biên lãi gộp hầu hết đều giảm mạnh. Đây cũng là quý chứng kiến bức tranh ảm đạm với nhiều khoản lỗ được ghi nhận.
Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1), doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn tại khu vực phía Nam có một quý kinh doanh xám màu khi hầu hết các chỉ số tài chính đều đi xuống so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần của HT1 giảm 48% xuống gần 1.039 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng của công ty giảm 55%. Biên lãi gộp sụt giảm từ 16,8% còn 4,4% khi giá nguyên liệu chính tăng giá mạnh. Hệ quả, công ty lần đầu tiên báo lỗ kể từ quý IV/2013 với mức lỗ 19,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 148 tỷ.
Tương tự, thương hiệu Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) - thị trường tiêu thụ chính ở khu vực Bắc Trung Bộ và một số tỉnh phía Bắc cũng có kết quả kinh doanh bết bát.
Doanh thu của công ty đạt 879 tỷ đồng, giảm gần 17%. Dù các chi phí đã được tiết giảm nhưng vẫn lỗ hơn 8 tỷ đồng so với mức lãi 21 tỷ đồng cùng kỳ.
Ngoài ra tại báo cáo tài chính riêng quý III/2021 BCC cho thấy khoản phải thu ngắn hạn khách hàng 344 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với đầu năm. Đồng thời, BCC có khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 95 tỷ đồng.
Chung cảnh, Xi măng Vicem Bút Sơn (Mã: BTS) cho biết các thị trường cốt lõi đều nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt là Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội nên các công trình xây dựng phải ngừng thi công.
Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ tại các địa bàn lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh… cũng giảm do khó khăn trong vận chuyển xi măng và chi phí bị đội lên do xét nghiệm COVID-19 cho lái xe.
Kết quả quý III vừa qua cho thấy doanh thu thuần của BTS giảm gần 15% so với cùng kỳ. Các chi phí đã bào mòn hoàn toàn doanh thu đạt được, khiến công ty lỗ sau thuế 7,6 tỷ, còn quý III/2020 lãi hơn 12 tỷ.
Trong khi đó, Xi măng Vicem Hoàng Mai (Mã: HOM) phải đối diện khó khăn trong việc thuê phương tiện vận tải đi các địa bàn xa nhà máy ở Quảng Bình, Quảng Trị,… Từ giữa tháng 7, tỉnh Hà Tĩnh rồi sau đó là Nghệ An thực hiện giãn cách.
Dẫu vậy, Vicem Hoàng Mai lại có kết quả khả quan hơn các doanh nghiệp cùng ngành khác, với doanh thu tăng hơn 8% so với quý III/2020, đạt gần 472 tỷ đồng.
Nhờ có thêm khoản lợi nhuận khác 2,44 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế quý III cũng xấp xỉ quý III năm ngoái với gần 500 triệu đồng.
Để phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19, chính phủ nhiều quốc gia được dự đoán sẽ tiếp tục bơm tiền nền kinh tế, nhất là qua kênh đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, nhu cầu cho các vật liệu xây dựng từ thép, gỗ đến xi măng, gạch đều sẽ đi lên.
Chưa kể, tồn kho xi măng của Trung Quốc - thị trường tiêu thụ xi măng lớn trên thế giới đang ở mức thấp kể từ đầu năm. Chứng khoán VNDirect cho rằng Trung Quốc đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng tạm thời và xu hướng này sẽ tiếp tục ít nhất là cho đến hết quý IV.
Do đó, chuyên gia phân tích của VNDirect tin rằng các nhà xuất khẩu xi măng Việt Nam đang được hưởng lợi khi quốc gia láng giềng thiếu hụt nguồn cung tạm thời, trong đó có Xi măng Bỉm Sơn. Tuy nhiên biên lợi nhuận trong quý cuối năm vẫn chịu áp lực do giá than cao và nguồn cung hạn chế.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Xi măng Vicem Hoàng Mai là Philippines, Xi măng Vicem Hà Tiên và Vicem Bút Sơn tập trung vào thị trường nội địa. Do đó, việc thiếu hụt nguồn cung xi măng tạm thời tại Trung Quốc ảnh hưởng không đáng kể đến cả ba doanh nghiệp này, VNDirect nhận định.
Hoàng Hà (t/h)
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|