Bức tranh trái chiều của lợi nhuận ngành thép 9 tháng

(Banker.vn) 9 tháng năm 2023, ngành thép ghi nhận bức tranh trái chiều khi một số doanh nghiệp vẫn duy trì lãi lớn, còn lại đa phần là thua lỗ.
Phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Những thách thức và cơ hội Bán hàng thép lần đầu tăng trưởng dương trong 9 tháng, ngành thép có “le lói” hi vọng?

Hòa Phát lãi 3.830 tỷ đồng sau thuế 9 tháng

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 38% so với quý II và vượt trội so với mức lỗ 1.786 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 3.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 48% kế hoạch năm.

Giá than cốc, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép, vẫn ở mức thấp.
Hòa Phát ghi nhận mức lợi nhuận khả quan trong bối cảnh ngành thép khó khăn với 3.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2023

Cung theo thông tin mới nhất từ Tập đoàn Hòa Phát, đơn vị này đã chính thức cán mốc 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) sau hơn 3 năm kể từ thời điểm tháng 5/2020 - cuộn HRC đầu tiên ra đời. Trước đó, Hòa Phát đã đạt mốc 5 triệu tấn HRC trong tháng 8/2022.

Đây là thông tin tích cực đối với tình hình kinh doanh của Hòa Phát nói riêng cũng như ngành thép nói chung, đặc biệt khi giá HRC tại thị trường thế giới đang trong xu hướng hồi phục trở lại. Giá HRC hiện đạt 895 USD/tấn, tăng hơn 40% so với mức đáy hồi đầu tháng 9.

Nhìn chung, sản lượng trong 9 tháng của Hòa Phát hầu hết giảm so với cùng kỳ. Trong quý III/2023, Hòa Phát ghi nhận doanh thu giảm 16% so với cùng kỳ xuống 28.766 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 85.430 tỷ đồng, giảm 27%.

Tuy nhiên, với con số 3.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2023, Hòa Phát vẫn là doanh nghiệp đi đầu ngành thép trong bối cảnh khó khăn của ngành này hơn 1 năm qua.

Bên cạnh Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đạt kết quả khả quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 438 tỷ đồng, phục hồi so với mức lỗ 887 tỷ đồng cùng kỳ. Doanh thu của doanh nghiệp trong quý đạt 8.107 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm tài chính 2022-2023 (từ ngày 1/7/2022 đến 30/9/2023), doanh thu hợp nhất của Hoa Sen đạt 31.651 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 28 tỷ đồng.

Công ty CP Ống thép Việt Đức (VG PIPE) cũng công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với doanh thu giảm hơn 200 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn 1.717 tỷ; giá vốn bán hàng giảm đáng kể giúp lợi nhuận gộp tăng 63,3% lên mức 44,9 tỷ đồng. Kỳ này, chi phí hoạt động tăng đáng kể và lợi nhuận công ty liên doanh liên kết cũng chuyển âm 1,7 tỷ đồng.

Sau cùng, Thép Việt Đức ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 9 tỷ đồng - tăng 80% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đây là mức giảm thứ 3 liên tiếp trong 4 quý gần đây.

Lũy kế 9 tháng, VGS đạt hơn 5.400 tỷ đồng doanh thu và 32,4 tỷ lãi sau thuế, lần lượt giảm 12% và 61% YoY. Kết quả này tương đương 77,4% và 45% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đến cuối quý đạt 247 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp nhỏ thua lỗ

Không được khả quan như các đơn vị lớn, 9 tháng năm 2023, nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận kết quả kinh doanh “đi lùi”.

Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNSteel (TVN) báo lỗ 172 tỷ đồng trong quý III/2023 và đây là quý lỗ thứ 2 liên tiếp. Mức lỗ này cũng đã giảm so với khoản lỗ 567 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng năm 2023, khoản lỗ trước thuế lên tới hơn 431 tỷ đồng.

Cùng chung số phận với Tổng Công ty Thép Việt Nam là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - Tisco ghi nhận lỗ trước thuế 57 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 193 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Tisco ghi nhận doanh thu đạt 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Giá vốn chiếm tỷ trọng lớn khiến lãi gộp của Tisco còn 34 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Các chi phí trong kỳ chiếm tỷ trọng lớn, bao gồm chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng lần lượt 14% (43 tỷ đồng) và 36% (49 tỷ đồng) so với cùng kỳ.

Do đó, Tisco lỗ trước thuế 57 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 23 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.

Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu của Tisco đạt 6.789 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh khiến doanh nghiệp lỗ trước thuế 193 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 18 tỷ đồng.

Tương tự, trong quý III/2023, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) báo lỗ sau thế hơn 178 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này đã lường được sự khó khăn và đặt mục tiêu "không lỗ" trong 6 tháng cuối năm 2023. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp này đã lỗ khoảng 400 tỷ đồng.

SMC phải trích lập dự phòng nhiều khoản thu liên quan tới các công ty bất động sản như: Delta - Valley Bình Thuận, Bất động sản Đà Lạt Valley, Bất động sản Đà Lạt Valley, Thành phố AQUA…

Ngành thép liệu có bứt phá vào năm 2024?

Trong năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo ngành thép sẽ bứt phá vào năm 2024 do động lực từ đầu tư công và thị trường bất động sản có thể dần phục hồi. Tuy nhiên, cũng nhiều phân tích cho rằng kỳ vọng này là quá lạc quan.

Với Tập đoàn Hòa Phát, tuy lợi nhuận của Hòa Phát được coi là khả quan trong 9 tháng năm 2023, nhưng các chuyên gia dự báo, trong quý IV năm nay, lợi nhuận của Hòa Phát có thể đi xuống do giá than cốc - một trong những nguyên liệu cho sản xuất thép sẽ tăng mạnh vào giai đoạn này.

Cụ thể, giá quặng sắt trong tuần đầu tháng 9 đã bật tăng lên mức USD 120/tấn tăng 9% so với tháng trước, tiệm cận mức giao dịch cao nhất trong năm 2023.

Nguyên nhân do nhu cầu nguyên liệu từ thị trường châu Á có sự cải thiện đặc biệt là Ấn Độ đã nối lại sản xuất quặng sắt viên tại Mangalore để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng; Hoạt động tích trữ hàng hóa trước kỳ nghỉ lễ trung thu của Trung Quốc (tuần đầu tiên của tháng 10) trong khi tồn kho tại các cảng biển ở mức thấp.

Sau kỳ nghĩ lễ thì hoạt động khai thác trở lại, tuy nhiên các nhà giao dịch đang kì vọng thị trường tiêu thụ chính Trung Quốc sẽ có dấu hiệu hồi phục nhu cầu nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Do đó, yếu tố kì vọng có thể khiến giá quặng sắt neo ở mức USD 110-120/tấn mặc dù đây vẫn là mức giá thấp trong giai đoạn 2019-2023.

Giá than luyện cốc (than Úc) cũng biến động tương tự như giá quặng sắt, khi đã bật tăng lên USD 340/tấn tăng 36% so với cùng kỳ), qua đó thiết lập mức giá cao mới trong năm 2023 và hiện đang duy trì ở vùng giá này trong tháng 10.

Việc giá than tăng mạnh hơn và duy trì ở nền giá cao hơn, không chỉ đến từ các nguyên nhân tương tự giá quặng sắt, còn đến từ lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung vì vấn đề môi trường, hoạt động khai thác mỏ mới tại Úc trong những năm gần đây bị hạn chế khiến gia tăng xu hướng đầu cơ.

Nhìn chung, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng có rủi ro suy giảm với biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép sử dụng lò BOF (Hòa Phát, Pomina…) trong quý IV, khi giá than cốc chiếm khoảng30% nguyên liệu sản xuất thép thô đang duy trì ở mức cao như đã đề cập và giá thép thanh chưa thể tăng tương ứng do nhu cầu tiêu thụ trong nước còn thấp.

Đối với tập đoàn Hòa Phát, sang quý IV/2023, với kịch bản giá than cốc duy trì ở mức USD 320/tấn trong khi giá thép thanh không tăng, ước tính biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát trong quý IV có thể giảm về mức xấp xỉ 10%.

Trong một báo cáo gần đây, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, tới cuối năm 2023 và trong năm 2024, nhu cầu tiêu thụ thép mới hồi phục đáng kể, qua đó giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành cải thiện. Nhưng mức hồi phục này sẽ không quá lớn và chưa quay lại mức biên lợi nhuận trung bình.

Tuy nhiên, thực tế giá thép nói chung và giá thép cuộn cán nóng (HRC) trên toàn cầu vẫn ở mức ở mức thấp hơn nhiều so với đỉnh cao ghi nhận trong năm 2022 và hồi đầu năm 2023. Thị trường bất động sản khó có thể phục hồi vào năm 2024, đầu tư công cũng chưa có dấu hiệu đẩy mạnh. Đây là những khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp ngành thép trong nước. Chính vì thế, kỳ vọng ngành thép có thể phục hồi trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 có vẻ quá sớm và lạc quan.

Lê Minh

Theo: Báo Công Thương