BOJ có khả năng duy trì chính sách lãi suất siêu thấp mặc dù đồng yên yếu đi khi các NHTW tăng lãi suất

(Banker.vn) Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là sẽ duy trì lãi suất siêu thấp, tiếp tục sẽ vẫn “tụt hậu” trong số các ngân hàng trung ương lớn trong việc chuyển sang thắt chặt tiền tệ, chấp nhận việc đồng Yên yếu đi. Đây là những dự đoán được giới phân tích đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang có cuộc họp thường kỳ kéo dài trong 2 ngày, từ hôm nay, ngày 21/9.

Sau khi đồng Yên giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đô la Mỹ (USD) và các nhà chức trách Nhật Bản cảnh báo về sự can thiệp tiền tệ trực tiếp để tránh đồng Yên trượt dài hơn, các thị trường tài chính đã cảnh giác trước bất kỳ dấu hiệu thay đổi nào trong thông điệp của BOJ về sự suy yếu của đồng Yên và lạm phát, hiện đã vượt mục tiêu 2%.

Ngày mai (22/9), rất có thể BOJ sẽ đặt lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% trong khi hướng lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm về 0% ngay sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát gia tăng.

Các nhà phân tích thị trường cho rằng sự suy yếu của đồng Yên sẽ tiếp tục. Việc không điều chỉnh chính sách tiền tệ có thể sẽ đẩy nhanh việc bán ra đồng Yên ngay cả sau khi chính quyền Nhật Bản can thiệp bằng lời nói nhiều hơn và các yêu cầu của BOJ đối với các nhà giao dịch về tỷ giá USD/Yên vào tuần trước (kiểm tra giá bán ra và mua vào), được coi là dấu hiệu báo trước cho sự can thiệp thực tế.

Khi được hỏi về quan điểm về những kỳ vọng của thị trường đối với một sự điều chỉnh chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Shunichi Suzuki cho biết cách thức định hướng chính sách tiền tệ nằm trong tay BOJ. "Chúng tôi kỳ vọng BOJ sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu ổn định giá một cách bền vững và ổn định theo tuyên bố chung (với chính phủ)", ông nói trong cuộc họp báo ngày 20/9.

Quan điểm của BOJ cho rằng lạm phát gần đây chủ yếu là do chi phí năng lượng và nguyên liệu thô cao hơn và do đó chỉ là tạm thời nên đã được giám sát chặt chẽ hơn.

Lạm phát tiêu dùng lõi của nước này, không bao gồm biến động của giá thực phẩm tươi sống, đã tăng 2,8% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất trong gần 8 năm và cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong 5 tháng liên tiếp.

Các nhà kinh tế cho rằng lạm phát toàn phần có thể sẽ tăng thêm và vượt quá 3% trước cuối năm, một phần do đồng Yên suy yếu nhanh, làm tăng chi phí nhập khẩu của Nhật Bản.

Đồng Yên đã giảm gần mức 145 Yên/USD vào đầu tháng này. Theo các nhà phân tích tiền tệ, việc phá vỡ ngưỡng 145 có thể sẽ đẩy nhanh đà giảm của đồng Yên xuống mức 147,66, mức chưa từng thấy kể từ năm 1998, với 150 là mức kháng cự tiếp theo.

Koji Fukaya, một thành viên tại công ty tư vấn Market Risk Advisory Co., cảnh báo về sự suy yếu trên diện rộng của đồng Yên sau khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tiến hành tăng lãi suất. Đồng Yên và đồng Franc là những đồng tiền có lợi suất thấp, được coi là những loại đặt cược an toàn hơn trong thời điểm thị trường không chắc chắn.

"Vấn đề chính là liệu BOJ sẽ thực hiện bất kỳ sửa đổi nào đối với chính sách của mình để hãm đà giảm giá của đồng Yên hay mở đường cho đồng tiền này kiểm tra mức 147", ông Fukaya nói. "Rủi ro là việc bán ra đồng Yên sẽ tăng tốc nếu không có sự điều chỉnh nào được thực hiện ... và theo cách mà các nhà chức trách không thể ngăn chặn."

Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách bán đồng Yên để mua vào đồng USD là vào năm 1998.

Hồi đầu tháng, Thống đốc Haruhiko Kuroda đã nhấn mạnh mặt tiêu cực của đồng Yên yếu hơn và nói rằng những biến động nhanh là "không thuận lợi."

Ông Kuroda vẫn cho rằng việc nới lỏng tiền tệ là cần thiết đối với Nhật Bản vì nền kinh tế của nước này vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đối mặt với áp lực giảm do giá hàng hóa cao hơn.

Ông nói rằng sẽ cần phải tăng lãi suất tích cực để ngăn chặn đà giảm của đồng Yên so với đồng USD, điều này có thể gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế, cho thấy sự bi quan về việc thắt chặt trong ngắn hạn.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng thực tế hàng năm 3,5% trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​sẽ chậm lại trong quý này.

BOJ được cho là sẽ kết thúc chương trình cứu trợ đại dịch để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về tài chính trong bối cảnh đại dịch xảy ra vào cuối tháng 9 như đã định.

Hải Yến

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục