Sáng 25/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.
Đề nghị không nên để mã QR trên thẻ căn cước
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thấy, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, giải trình rõ ràng và chỉnh lý nhiều nội dung so với trước đây.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Về khoản 2 Điều 7, đại biểu cho rằng nên gộp vào hành vi giữ thẻ căn cước vào khoản 1 các hành vi bị nghiêm cấm thành cấp đổi, cấp lại, giữ, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
Đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đối với các nội dung làm rõ hơn các quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu, tính bảo mật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước - được xác định là cơ sở dữ liệu duy nhất của Nhà nước được Chính phủ đầu tư bài bản cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm được quản lý giám sát bởi đội ngũ chuyên môn, về công nghệ thông tin, an ninh mạng.
Do đó, việc truy xuất thông tin được thực hiện theo quy trình kiểm soát an ninh mạng chặt chẽ, bảo đảm tính bảo mật và an toàn thông tin.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng bày tỏ đồng tình với quy định sử dụng thẻ căn cước gắn chip được tích hợp thông tin nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch khác, không xung đột với các quy định chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên, không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước có liên quan với các giấy tờ đang quản lý trong điều kiện bảo đảm bảo và mật an toàn thông tin cho đối tượng có thẻ.
Liên quan đến việc sử dụng thẻ gắn chip song song với sử dụng mã QR, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cân nhắc theo hướng chỉ sử dụng chip điện tử trên thẻ căn cước là đảm bảo các điều kiện sử dụng, khai thác thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự mà không nên tích hợp mã QR cùng chip điện tử trên thẻ căn cước.
Bày tỏ nhất trí với ý kiến của đại biểu Huỳnh Thị Phúc về mã QR và chíp điện tử, đại biểu Vũ Trọng Kim - đoàn Nam Định đề nghị Bộ Công an và Ban soạn thảo quan tâm tới vấn đề này. Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân.
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, mã QR rất dễ bị lộ thông tin cá nhân, do đó đại biểu đề nghị không nên để mã QR trên thẻ căn cước. Đại biểu cũng nhất trí với tên Luật Căn cước như các đại biểu đã góp ý tại phiên họp.
Sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh cho công dân
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, ngay sau Kỳ họp thứ 5, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Đến nay, dự thảo luật đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu |
Đại tướng Tô Lâm nêu rõ, Đại hội 13 của Đảng đã đề ra đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt.
Thiết kế đồng bộ, xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở... phục vụ kịp thời và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đời sống nhân dân. Bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc xây dựng dự án Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Dự án luật không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa giấy tờ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn ý nghĩa trong việc phát huy giá trị Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước... trong phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng với các thuật ngữ, kỹ thuật... của các nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội có ý kiến.
Tiếp đó, Bộ trưởng Tô Lâm đã phát biểu giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến thông tin trong thẻ căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, tính bảo mật của thông tin của công dân, thẩm quyền khai thác, thu thập thông tin của công dân, thẩm quyền cấp, cấp đổi, đổi thẻ căn cước, về giấy chứng nhận căn cước, tên gọi dự thảo, giải thích từ ngữ…
Theo đó, các đại biểu đã cơ bản thống nhất đổi tên gọi thành Luật Căn cước, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật.
Đối với vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip hoặc QR code thì không theo dõi và không thể theo dõi được. Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào không được và không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân.
Bộ Công an khẳng định, sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước, không để xảy ra tình trạng theo dõi.
Bên cạnh đó, cũng không để công dân bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào. An ninh, an toàn của tất cả các công dân sẽ được đảm bảo.
Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|