Đề cương về văn hóa Việt Nam: Toả sáng những giá trị cốt lõi Triển lãm hình ảnh, tư liệu 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam |
80 năm về trước, Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng (diễn ra từ ngày 25- 28/02/1943 tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội) đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn kiện đầu tiên của Đảng ta về văn hoá.
40 năm sau, Tổng Bí thư Trường Chinh nhận định: “Đề cương văn hoá Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hoá Việt Nam…Nhưng Đề cương văn hoá đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hoá Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng |
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua.
Một là, hệ thống văn bản do Đảng, Nhà nước ban hành đã từng bước tạo ra cơ sở chính trị, pháp lý nhất quán, hình thành môi trường thể chế có khả năng điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa theo hướng hài hòa, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân.
Hai là, ngay từ khi Đề cương ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hoá đã cho thấy phát triển con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau.
Ba là, vận dụng các nguyên tắc của Đề cương Văn hóa Việt Nam, trong suốt những thập niên qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực.
Bốn là, việc gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động. Minh chứng điển hình cho nỗ lực hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI chính là việc ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào năm 2016. Theo thống kê, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,61% GDP năm 2018.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tám thập niên qua, dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn đang tồn tại khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra và còn thiếu khoa học, đồng bộ; công tác cán bộ của lĩnh vực văn hoá chưa được quan tâm đúng mức; Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức; Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp; Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế còn chưa được quan tâm đúng mức…
“Nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế như nguy cơ cạn kiệt về tài nguyên, nguy cơ bất bình đẳng xã hội, những hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra như thiên tai, dịch bệnh, suy giảm đa dạng sinh học; nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hóa và những áp lực cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, việc vận dụng khách quan, phát huy hiệu quả giá trị và nguyên tắc Đề cương trong bối cảnh mới là vô cùng cần thiết theo hướng phát huy tối đa vai trò của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội”- ông Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Hùng, cần: Tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943. Kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Sửa đổi, bổ sung các pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với pháp luật về văn hóa.
Phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”. Đồng thời, phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo và phát triển văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh thêm, vượt lên trên tất cả những khó khăn, thách thức, tư tưởng xây dựng nền văn hóa mới vì dân tộc, đại chúng với một thái độ khách quan, đúng đắn, khoa học của Đề cương đã luôn tạo sức hút, sức thuyết phục và khả năng quy tụ mạnh mẽ tri thức, tâm huyết khát vọng cống hiến của toàn thể nhân dân Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử dân tộc.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt. Do đó, việc tiếp tục tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam, với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là trung tâm của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia, rõ ràng không còn là giải pháp riêng của ngành văn hóa mà cần phải là giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bảo Thoa
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|