Chiều 24/3, nhân Tháng Thanh niên năm 2025 và chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025), tại Hà Nội diễn ra chương trình "Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2025".
Chương trình do Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức với chủ đề: "Thanh niên Việt Nam tiên phong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".
![]() |
Thủ tướng đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Thanh niên Việt Nam tiên phong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát triển công nghiệp bán dẫn để bứt phá kinh tế
Tại chương trình đối thoại, giảng viên Đinh Gia Ninh - Phòng thí nghiệm Vật liệu và Cấu trúc, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Công Thương về chiến lược giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường bán dẫn toàn cầu. Đồng thời, hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về chính sách hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trong tuyển sinh và đào tạo ngành công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, có thể nói rằng Việt Nam có nền kinh tế nghèo và lạc hậu nhưng chỉ sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đến nay Việt Nam đã là một quốc gia đạt được rất nhiều thành tựu mà cả thế giới đều ngưỡng mộ.
Trước hết là thành tựu xoá đói giảm nghèo, sau đó là đạt được những thành thành tựu về phát triển kinh tế với tốc độ cao, ổn định trong nhiều năm.
Theo đó, trong khoảng 6 năm vừa qua, Việt Nam luôn nằm ở top 18 đến 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, là một trong 15 quốc gia có môi trường thu hút đầu tư FDI tốt nhất, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế xã hội, thương mại điện tử.
Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, khoảng từ 24-26%/năm. Quy mô thương mại điện tử đạt khoảng 23 tỷ đô la.
"Đây là một số thông tin mà chúng ta thấy rất tự hào", Bộ trưởng nhấn mạnh.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao đổi về chiến lược, chính sách để Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường bán dẫn toàn cầu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu chúng ta chỉ tự hào mà không nỗ lực để theo cùng, bắt kịp và vượt qua những quốc gia phát triển, thì rõ ràng không thể khá được, không thể thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình. Rõ ràng, khoa học công nghệ và chuyển đổi số là những lĩnh vực mà chúng ta phải đi.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin về những chiến lược để đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Theo đó, ngày 21/9/2024, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định 1018/QĐ-TTg về chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát là đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Chiến lược này đã đặt ra 5 nhóm giải pháp chính về phát triển về chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử; phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn; thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và một số nhiệm vụ trọng tâm khác.
Chính phủ cũng đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 193 tại kỳ họp bất thường thứ 9 vừa qua về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc biệt tạo đột phá cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, có đưa ra chính sách ưu đãi đặc biệt về hỗ trợ tài chính để có thể xây dựng nhà máy đầu tiên phục vụ việc nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip và chất bán dẫn.
Gần đây, Chính phủ cũng đã khẩn trương hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, dự kiến sẽ trình trong kỳ họp tháng 5 tới đây. Trong đó, dự kiến đưa vào dự thảo luật các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển công nghiệp công nghệ số, tạo nền tảng phát triển cho các ngành công nghiệp khác.
Thứ hai là chính sách đặc biệt thu hút đầu tư phát triển công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán thông minh, Internet vạn vật, chuỗi khối và các công nghệ số khác.
"Hy vọng rằng với những định hướng của Đảng và đặc biệt là chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, cùng với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội và Chính phủ đã và đang tiếp tục hoàn thiện, mục tiêu đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng bán dẫn toàn cầu cũng như xếp Việt Nam có vị trí xứng đáng trong lĩnh vực này là không xa", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Phát triển nhân lực bán dẫn là ưu tiên
Về phát triển nhân lực ngành bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngay sau khi chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chương trình phát triển nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Chương trình này đặt mục tiêu đào tạo nhanh chóng, đảm bảo số lượng và chất lượng kỹ sư trong các lĩnh vực như thiết kế vi mạch, điện tử, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói về các chính sách, kế hoạch hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trong việc tuyển sinh, đào tạo ngành công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Một trong những trọng tâm là đầu tư vào 4 trung tâm đào tạo và 18 trường đại học công lập. Trong năm 2024, số lượng sinh viên theo học các ngành liên quan đến bán dẫn đã lên tới khoảng 20.000 người, trong đó có nhiều sinh viên từ Đại học Bách khoa Hà Nội và các trường tư thục như CMC, Phenikaa, FPT…
Các trường đã đầu tư nguồn lực kinh phí rất lớn để mua sắm các phòng thí nghiệm hiện đại, có kết nối với các trường đại học quốc tế để nhanh chóng. Chỉ sau hơn 1 năm triển khai, các trường đã có thể thiết kế chương trình và khẩn trương tuyển sinh những khóa đầu tiên.
Các trường cũng rất chủ động trong việc mời các chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Với các dự án triển khai chương trình phát triển nhân lực sẽ có một loạt phòng thí nghiệm hiện đại mà sinh viên theo học được học tập và làm việc trong các chương trình này.
"Phải nói rằng khả năng thích ứng, điều chỉnh và quyết tâm của các trường đại học ở Việt Nam rất nhanh chóng đối với các lĩnh vực mà nhu cầu của đất nước đang rất lớn và đòi hỏi cao", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, sinh viên các ngành khác như điện tử hay công nghệ thông tin, đặc biệt là năm thứ 3, 4 có thể được phép chuyển đổi sang học các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn. Trường Đại học Bách khoa cũng là một trong những đơn vị năng động trong việc này.
Các trường đại học cũng tăng cường khối liên kết quốc tế để học sinh trong quá trình học tập có cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài trong một thời gian ngắn. Nhiều công ty nước ngoài đã đăng ký tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp. Nếu không làm việc tại Việt Nam, họ cũng sẵn sàng sử dụng nguồn nhân lực này cho sản xuất, nghiên cứu, và thiết kế, vi mạch bán dẫn ở nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, đây là cơ hội mở ra cho việc lao động trong nước cũng như làm việc trên thị trường lao động thế giới, giúp chúng ta có những thế hệ người lao động ở nước ngoài với chất lượng cao bằng công nghệ, kỹ thuật, trí tuệ để thay thế cho những giai đoạn mà chúng ta xuất khẩu lao động có tính chất giản đơn.
Chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đang phát triển theo hướng chuyên môn hóa cao, tập trung tại một số ít quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ nhưng không nước nào có khả năng tự chủ hoàn toàn. Những năm gần đây, các quốc gia có sự cạnh tranh gay gắt, dẫn đến việc phải điều chỉnh chiến lược theo hướng nâng cao năng lực trong nước và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam được đánh giá có lợi thế địa chính trị và nhân lực, như nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm 70% sản lượng bán dẫn toàn cầu, có trữ lượng đất hiếm 20 triệu tấn, tỷ lệ dân số trẻ. |