Phát biểu tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn với Bộ Công Thương diễn ra chiều 17/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ngành Công Thương đã phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn thách thức. Mở đầu là đại dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy chuỗi nguồn cung hàng hóa; sau đại dịch Covid-19 là đến các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước… Chưa kể, từ đầu nhiệm kỳ tới ngành, nhân sự trong ngành Công Thương có nhiều biến động, thiếu nhân sự, thiếu lãnh đạo Bộ... Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và nhấn mạnh, chính sự nỗ lực của toàn ngành, những kết quả ngành Công Thương đạt được trong 8 tháng qua có thể nói là một kỳ tích ấn tượng.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc |
Báo cáo với Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những kết quả ngành Công Thương đạt được trong 8 tháng qua có thể nói là một kỳ tích ấn tượng |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Với các kiến nghị, vướng mắc do đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kiến nghị trong buổi làm việc hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, có chỉ là những khó khăn, vướng mắc điển hình, bởi Công Thương là Bộ đa ngành, quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất, công nghiệp, thương mại của cả nước, vì vậy khó khăn, thách thức còn rất nhiều.
Thông qua buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng như lãnh đạo Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… để từ đó ngành Công Thương hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 8 tháng của năm 2024, sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét, đạt mức tăng trưởng cao trong đó có 3 điểm nhấn tích cực là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể; áp lực lạm phát đã nhẹ bớt... cho lĩnh vực sản xuất cải thiện tích cực. Cùng đó sản phẩm điện, xăng dầu được cung cấp an toàn, tin cậy, đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.
Cũng trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 265,4 tỷ USD, bằng 70% kế hoạch năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 10%). Đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Cơ cấu hàng nhập khẩu giữ xu hướng tích cực khi nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 89% và tăng tới 19,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tín hiệu phục hồi rõ nét của sản xuất và xuất khẩu.
Thị trường trong nước phát triển mạnh, các kênh phân phối hàng hóa phát triển với nhiều hình thức phân phối hiện đại, hàng hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa ngày càng cao của người dân và đảm bảo cung ứng tư liệu phục vụ sản xuất. Trong 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng khá cao (đạt 8,5%) so với cùng kỳ năm trước.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin buổi làm việc...
Nhóm Phóng viên
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|