Chưa khai thác hết tiềm năng phát triển
Sáng 16/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre để đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và trao đổi, thảo luận phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; giải quyết các khó khăn, vướng mắc và xử lý kiến nghị nhằm hỗ trợ Bến Tre phát triển nhanh, bền vững.
Báo cáo với Đoàn Công tác, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đã báo cáo những kết quả đạt được của tỉnh trong năm 2022. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: triển khai các dự án lấn biển một số khu vực bờ biển của Tỉnh;.
Về phát triển năng lượng tái tạo trong đó đề nghị bổ sung cho tỉnh giai đoạn 2022-2025 thêm 1.500 MW và giai đoạn 2025-2030 thêm 4.500MW điện gió trong Quy hoạch Điện VIII.
Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch chuyên ngành của quốc gia và hướng dẫn tỉnh triển khai thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất hydrogen xanh tại tỉnh Bến Tre; cùng với đó tỉnh cũng đề nghị về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tuyến đường bộ ven biển; và nhóm kiến nghị về đầu tư một số dự án cấp bách để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương; hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và ưu tiên trong xem xét, phân bổ nguồn lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đơn vị hành chính đô thị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế Bến Tre |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học công nghệ… và tỉnh Bến Tre thảo luận thẳng thắn, chân thành, tìm ra các động lực mới để tỉnh Bến Tre phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên; việc phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phát triển; sự phối hợp giữa địa phương với các bộ, ngành và liên kết với các tỉnh, thành phố để cùng phát triển. Bên cạnh đó, thảo luận, giải đáp đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bến Tre.
Liên quan đến những vấn đề thuộc lĩnh vực ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 2022, tăng trưởng công nghiệp Bến Tre đạt tới 16,48%, tăng gấp 2 lần so với trung bình cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng 20%, gấp đôi bình quân cả nước. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả của công nghiệp và thương mại vào tăng trưởng kinh tế địa phương chưa bền vững, chưa phải những đột phá trong tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Bộ trưởng nêu rõ, hạ tầng thương mại, công nghiệp Bến Tre còn hạn chế cả về hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, hạ tầng logistics. Công nghiệp nông thôn ngày càng tăng trưởng chậm lại, thiếu cơ sở sản xuất công nghiệp lớn và chủ lực.
Xuất khẩu khá nhưng giá trị gia tăng thì chưa cao, mạng lưới bán lẻ hiện đại còn mỏng, hạ tầng cho thương mại điện tử còn yếu, kết cấu hạ tầng công nghiệp nông thôn thiếu đồng bộ.
"Nguyên nhân chính là do chưa có quy hoạch đồng bộ, hạ tầng còn khó khăn, nhất là kết nối hạ tầng công nghiệp dịch vụ - logistics. Cơ chế khuyến khích đầu tư chưa hấp dẫn. Xúc tiến thương mại chưa hiệu quả; mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát; chất lượng sản phẩm chưa ổn định và chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ổn định vào các thị trường" - Bộ trưởng chỉ rõ.
5 nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy kinh tế
Về phương hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị thứ nhất, địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung các chiến lược, đề án và kế hoạch phát triển các ngành kinh tế, nhất là lĩnh vực Công Thương để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đồng thời chủ động nghiên cứu quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia cũng như tham khảo quy hoạch của các địa phương khác để kịp thời điều chỉnh quy hoạch tỉnh ngay sau khi được công bố nếu thấy những điểm bất hợp lý, để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư nói chung. Đặc biệt là đón các dự án đầu tư từ các chương trình đầu tư quốc gia, đầu tư ngành quốc gia.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Thứ hai là cần quyết liệt điều chỉnh các dự án sử dụng vốn đầu tư công, thay vì “rải mành” mà tập trung ưu tiên cho các dự án hạ tầng kết nối, các dự án hạ tầng công nghiệp dịch vụ trọng điểm. Đồng thời mạnh dạn xây dựng, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển, nhất là các nguồn lực xã hội. Mạnh dạn triển khai xây dựng các cơ chế quản lý, vận hành phức hợp để có thể khai thác, vận hành các tài sản, công trình theo mô hình công tư kết hợp.
Thứ ba là cần có chính sách khuyến khích các ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, nhất là chế biến nông nghiệp, thủy hải sản, trái cây, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp dược phẩm trên địa bàn. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm hoặc cơ chế đặc thù để phát triển ngành công nghiệp năng lượng, phát triển điện gió để sử dụng tại chỗ, tạo ra sản phẩm mới để xuất khẩu. Ví dụ như hydrogen xanh hoặc pin năng lượng sạch.
Thứ tư là hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường cả trong và ngoài nước để thúc đẩy sản xuất theo mô hình tập trung, tuân thủ các quy trình quy tắc, bảo đảm các sản phẩm sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh khai thác các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước.
Thứ 5 là chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là lao động tại chỗ chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu của các đơn vị đầu tư tại địa phương. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu thí điểm mô hình khai thác nắng, gió làm nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp năng lượng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với ngành Công Thương, tỉnh có 2 kiến nghị. Thứ nhất là bổ sung vào quy hoạch điện VIII nguồn điện gió 1.500 MW tới năm 2025 và 4.500 MW tới năm 2060.
Với kiến nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện tại Bộ Công Thương đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2030 Việt Nam phát triển 21.000 MW điện gió trên bờ và 7.000 MW điện gió ngoài khơi, trong đó có 4.000 MW ở khu vực thế mạnh.
Hiện nay quy hoạch các nguồn điện của tỉnh, (trong đó có nguồn điện gió và điện mặt trời) là 1.108 MW, trong khi phụ tải ở ngưỡng trên dưới 500 MW. Như vậy Bến Tre mới chỉ tiêu thụ được khoảng 50% công suất hiện có. Nếu bổ sung thêm 1.500 MW nữa thì rõ ràng là sẽ không phù hợp với nguyên tắc phát triển, cân đối các nguồn truyền tải…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nguyện vọng này của tỉnh là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở. “Việc này Bộ Công Thương cũng thống nhất với địa phương là sẽ kiến nghị Chính phủ nghiên cứu thí điểm mô hình khai thác nắng, gió làm nguyên liệu đầu vào cho một ngành công nghiệp mới là công nghiệp năng lượng, và thu hút thí điểm áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp để các nhà sản xuất điện sẽ sử dụng tại chỗ để điều chế hydrogen, sản xuất các nguồn năng lượng sạch, và coi đó là tài nguyên, tiềm năng để phát triển. Tôi nghĩ rằng nếu làm được điều này thì không chỉ Bến Tre mà các tỉnh trong Đồng bằng sông Cửu Long đều có thể làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Với kiến nghị đầu tư nhà máy sản xuất hydrogen ở Bến Tre, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về nguyên tắc, quan điểm của Bộ đã thể hiện trong văn bản báo cáo Thủ tướng và đã trả lời địa phương. Tuy nhiên, để thí điểm mô hình này, địa phương cần nghiên cứu xem xét quy hoạch hoàn thiện, đảm bảo giữa phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh và cảnh quan đô thị.
Đồng thời phải chọn lọc những nhà đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính, năng lực kỹ thuật và đủ sức làm chủ, dẫn dắt nếu như có các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Bến Tre, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng; cơ bản đồng tình xem xét để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trên cơ sở phân tích các khía cạnh, bối cảnh, tình hình chung và các quy định chung, quy hoạch tổng thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao công việc cụ thể cho từng bộ, ngành phối hợp với tỉnh Bến Tre giải quyết.
Thủ tướng lưu ý thêm, đối với chủ trương lấn biển, tỉnh Bến Tre phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan phối hợp nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc lấn biển đối với môi trường, sinh thái... Về việc phát triển năng lượng tái tạo phải căn cứ quy hoạch, chiến lược chung; đồng thời phải bảo đảm hài hòa lợi ích.
Đối với việc bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh, Thủ tướng cho biết tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để phân bổ ngân sách công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả; tránh trục lợi chính sách; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân... Các địa phương phải phát huy tự lực, tự cường, không trông chờ, ỉ lại; đầu tư chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm và dứt điểm, tránh dàn trải, dây dưa... |
Hà Linh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|