Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính |
Phóng viên: Năm 2022 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức. Thời điểm này khi nhìn những kết quả ngành tài chính đạt được, Bộ trưởng có những cảm xúc như thế nào?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhìn lại năm 2022, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tình hình thế giới biến động khó lường; xung đột Nga – Ukraine; khủng hoảng năng lượng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác; chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ.
Ở trong nước, kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch, áp lực lạm phát; một số vụ việc tiêu cực trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; hoạt động của hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, bất ổn cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành tài chính đã chủ động nỗ lực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đã vượt 19,8% so với dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10,11/2022). Qua đó đảm bảo nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bù đắp số giảm thu NSNN do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đảm bảo đầy đủ nguồn lực chi đầu tư phát triển và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, các chính sách an sinh xã hội mà không phải tăng bội chi NSNN.
Đối với thị trường chứng khoán, thị trường TPDN, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường, tăng cường công tác quản lý nhà nước; kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Có thể nói, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính – ngân sách; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt. Tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế phí, tiền thuế đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh. Kết quả thu ngân sách vượt mức dự toán được giao, chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Giá cả và thị trường được điều hành linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân; các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch; kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường.
Phóng viên: Bộ có những dự báo như thế nào về cơ hội và thách thức kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt trong năm 2023? Xin Bộ trưởng chia sẻ những định hướng điều hành chính sách tài khóa năm 2023 để đảm bảo kinh tế vĩ mô phát triển ổn định và bền vững?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong năm 2023, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn như áp lực lạm phát, thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều điểm nghẽn, thị trường xuất khẩu giảm sút.. cùng với tình hình thế giới biến động khó lường, tiềm ẩn rủi ro về tài chính, tiền tệ. Đây là những vấn đề gây áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong năm 2023.
Cùng với đó, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển, trước mắt, có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so với dự toán đã tính toán.
Ngành tài chính xác định thu ngân sách sẽ phải đối diện với những áp lực lớn |
Trước những khó khăn trên, ngành tài chính xác định thu ngân sách sẽ phải đối diện với những áp lực lớn và đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội. Để đạt được kết quả này trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp như:
Một là, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Chính phủ về dự toán NSNN và các Nghị quyết mới của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp mới phù hợp tình hình thực tiễn.
Hai là, nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; tiếp tục thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; thực hiện các giải pháp về quản lý thu NSNN và cải cách thủ tục hành chính...
Ba là, chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi NSNN; sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, cơ cấu nợ công trong giới hạn; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường (nhất là đối với các nhóm hàng năng lượng, vật liệu xây dựng, sắt thép...).
Năm là, thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.
Phóng viên: Năm 2022, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp có nhiều biến động, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Để phát triển bền vững thị trường chứng khoán và trái phiếu, năm 2023, Bộ Tài chính có những giải pháp nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Với quy mô huy động vốn ngày càng tăng, thị trường vốn đã dần khẳng định sự quan trọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp theo đúng định hướng của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tín dụng, giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của kênh tín dụng ngân hàng. So với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường TPDN của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Hiện dư nợ của thị trường TPDN ở mức trên 15% GDP. Trong khi đó, Chiến lược Tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường TPDN đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.
Thị trường chứng khoán, trái phiếu trong năm 2022 có nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu từ niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước... |
Thị trường chứng khoán, trái phiếu trong năm 2022 có nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu từ niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới.
Để khôi phục niềm tin thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ngày 23/11/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với 39 doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán để trao đổi về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu và những đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thị trường.
Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phát hành sử dụng mọi nguồn lực để đảm bảo thanh toán gốc, lãi trái phiếu như cam kết với nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản, để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp, theo đó chủ động, kịp thời công bố thông tin chính thống cho nhà đầu tư để nắm bắt về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai hàng loạt các giải pháp: hoàn thiện khung pháp lý, sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư; tập trung công tác quản lý giám sát, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm; rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng.
Bộ Tài chính khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt là phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường. Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả công tác giám sát liên thông, kịp thời nhận diện, cảnh báo rủi ro và đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bùi Trang (thực hiện) -
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|