Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác thể chế

(Banker.vn) Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác thể chế.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án TAND tối cao nói gì về việc thu hồi tài sản tham nhũng? Bộ Tư pháp: Thu hồi tiền từ án hình sự, tham nhũng tăng gấp 3 lần năm 2021

Công tác xây dựng pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả

Sáng 10/4, tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác thể chế
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp

Trình bày Tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 16/24 dự án, dự thảo (12 luật, 04 nghị quyết); cho ý kiến 08/24 dự án luật.

Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội, trong năm 2023 Chính phủ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án luật. Sau khi điều chỉnh Chương trình thì tổng số là 15 dự án. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội đã xem xét, thông qua 01 dự án, theo đó, Chính phủ tiếp tục phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác thể chế. Ngoài các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, quy trình cho ý kiến các dự án luật được Chính phủ xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn; các dự án khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được Chính phủ xem xét, thông qua bằng nghị quyết.

Các bộ, cơ quan đã cố gắng, đầu tư thời gian, nguồn lực hơn cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, công tác xây dựng pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả; chương trình xây dựng pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất.

Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, nhiều nhiệm vụ lập pháp đã được các bộ hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và lập các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19, được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, thực hiện kịp thời.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, việc thực hiện Chương trình năm 2022 và 2023 còn một số điểm tồn tại, hạn chế như: Một số dự án luật hoặc đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo chất lượng nên chưa được thông qua theo Chương trình hoặc chưa được bổ sung vào Chương trình; còn tình trạng bổ sung vào Chương trình một số dự án sát thời điểm tổ chức kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm- Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Những dự án Luật nào trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5?

Trên cơ sở các nguyên tắc lập đề nghị Chương trình nêu trên và Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 13 dự án, cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 5: Trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 01 kỳ họp đối với 02 dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Bên cạnh đó, bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 6: Trình Quốc hội thông qua 06 dự án, là các dự án đang đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 như đã báo cáo ở trên.

Trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 01 kỳ họp đối với 02 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trình Quốc hội cho ý kiến đối với 03 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Như vậy, với việc đề nghị bổ sung các dự án luật như đã báo cáo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 ngày 17/3/2023 điều chỉnh Chương trình năm 2023 (bổ sung 03 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)), thì số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2023 sẽ là 27 dự án, tăng 13 dự án so với Chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Cụ thể:

Tại Kỳ họp thứ 5: Phối hợp chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua 06 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình một kỳ họp 02 dự án, dự thảo; trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với 12 dự án.

Còn tại Kỳ họp thứ 6: Phối hợp chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5; trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình một kỳ họp 02 dự án; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 05 dự án.

Về đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2024, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, Chính phủ đề nghị Chương trình năm 2024 gồm 14 dự án. Đây là các dự án đã được xác định theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 05 dự án, là các dự án Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, gồm: 02 dự án đã có trong Chương trình theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội; 03 dự án, đang được đề nghị bổ sung vào Chương trình theo Tờ trình này.

Trình Quốc hội cho ý kiến 07 dự án, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân.

Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua: 07 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; trình Quốc hội cho ý kiến: 02 dự án (Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi)).

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục